Xuất khẩu chiếm hơn 81% sản lượng
Sản lượng tiêu thụ của CTCP Thép Nam Kim (NKG) trong quý III đạt khoảng 276.000 tấn (tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái), sản lượng xuất khẩu đạt 224.000 tấn (tăng 128%).
Nếu nhìn vào con số này có thể thấy, sản lượng xuất khẩu chiếm đến 81,5% vào tổng sản lượng bán ra của NKG trong quý III. Trong đó, châu Âu và Bắc Mỹ là thị trường trọng tâm của NKG, chiếm khoảng 70% tổng sản lượng xuất khẩu.
Ngược lại, nhu cầu tại thị trường nội địa yếu do tác động tiêu cực của tình hình giãn cách xã hội ngày càng lớn trong tháng 7 và tháng 8. Thị trường trong nước có dấu hiệu tích cực trong tháng 9 khi giãn cách xã hội giảm dần ở nhiều tỉnh miền Nam.
Cụ thể, sản lượng tiêu thụ tại thị trường nội địa phục hồi từ khoảng 10.000 tấn trong tháng 8 lên khoảng 20.000 tấn trong tháng 9. Trong khi đó, lượng xuất khẩu ổn định ở mức khoảng 82.000 tấn trong tháng 9, tương đương 80.600 tấn trong tháng 8.
Lợi nhuận giảm dù doanh thu đạt kỷ lục
Không chỉ giúp tiêu thụ tốt sản lượng sản xuất, giá bán tại thị trường nước ngoài đứng ở mức cao đã kéo lại lợi nhuận cho NKG. Theo thống kê, giá thép tại Bắc Mỹ và châu Âu tăng mạnh trong quý III do nhu cầu phục hồi và nguồn cung thắt chặt do lượng nhập khẩu hạn chế.
Đơn cử, giá thép cuộn cán nóng (HRC) trung bình hàng quý tăng 24% ở thị trường Mỹ và 10,9% ở châu Âu trong quý III. Do đó, mặc dù tích lũy HRC ở giá cao hơn, NKG vẫn duy trì biên lợi nhuận gộp ở mức cao, khoảng 17,2%.
Do sản lượng xuất khẩu sang các thị trường Bắc Mỹ và châu Âu cao hơn và chi phí vận tải biển tăng, chi phí bán hàng tăng mạnh 90% so với quý II lên 465 tỷ đồng, khiến biên lợi nhuận ròng giảm nhanh hơn so với biên lợi nhuận gộp.
Nhờ sản lượng tiêu thụ cao và giá bán tăng, NKG đạt mức doanh thu 7.531 tỷ đồng, mức cao nhất trong lịch sử. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế giảm từ 848 tỷ đồng trong quý II xuống 607 tỷ đồng trong quý III, nhưng vẫn tăng 634% so với cùng kỳ năm ngoái.
Biên lợi nhuận hoạt động xuất khẩu sẽ giảm trong dài hạn
Theo CTCK Rồng Việt (VDSC), kỳ vọng xuất khẩu sẽ tiếp tục hỗ trợ sản lượng tiêu thụ của NKG trong quý IV và năm 2022 do chi phí sản xuất cạnh tranh và chính sách thương mại thuận lợi ở châu Âu và Bắc Mỹ. Trong ngắn hạn, khả năng sinh lời của NKG tại các thị trường Bắc Mỹ có thể tăng lên trong quý IV do diễn biến giá thép thuận lợi.
Thực tế, thị trường Bắc Mỹ vẫn đang mang đến những cơ hội hấp dẫn trong ngắn hạn nhờ chênh lệch giá. Tính đến ngày 11-11, giá tôn mạ kẽm nhúng nóng tại Mỹ ở mức 2.380 USD/tấn, cao hơn đáng kể so với giá 1.295 USD/tấn của NKG tại Việt Nam.
Như vậy, sau khi trừ mức thuế khoảng 320 USD/tấn và chi phí vận chuyển khoảng 250 USD/tấn, vẫn còn cơ hội xuất khẩu lớn với lợi nhuận khoảng 511 USD/tấn dành cho NKG và nhà nhập khẩu.
Tuy nhiên, về dài hạn, VDSC cho rằng sự chênh lệch về giá HRC có thể giảm dần do nguồn cung tại Mỹ có khả năng tăng nhờ khả năng sinh lời cao và chúng tôi ước tính rằng chi phí sản xuất thép ở Việt Nam không thấp hơn nhiều so với ở Mỹ, trung bình khoảng 50 USD/tấn trong 10 tháng đầu năm.
Do đó, biên lợi nhuận gộp của NKG tại thị trường này có thể trở về mức bình thường là 10-12%, thấp hơn mức hiện tại là 18-20%
Cổ phiếu còn hấp dẫn?
Theo dự báo của VDSC, sản lượng bán hàng của NKG đạt khoảng 306.000 tấn sản phẩm trong quý IV (tăng tăng 10,7% so với quý III), trong đó sản lượng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu lần lượt tăng 70% và giảm 2,9%.
Dù xuất khẩu giảm nhưng NKG vẫn ưu tiên thị trường nước ngoài do xuất khẩu mang lại biên lợi nhuận gộp cao hơn so với thị trường trong nước và cho phép công ty giảm thiểu rủi ro nợ khó đòi và các khoản phải thu. Dự kiến, NKG duy trì tỷ trọng xuất khẩu trong tổng sản lượng bán hàng ở mức 75-80% trong quý IV.
Trong năm 2022, lợi nhuận của NKG có thể sụt giảm do giá thép ở châu Âu suy yếu và giá bán có thể điều chỉnh do giá quặng sắt giảm. Tuy nhiên, chi phí vận chuyển thấp hơn có thể hỗ trợ lợi nhuận sau thuế.
VDSC dự phóng biên lợi nhuận gộp của NKG có thể giảm từ mức khoảng 16,4% năm 2021 xuống 11,9% năm 2022, trong đó biên lợi nhuận gộp từ xuất khẩu có thể giảm từ mức khoảng 17,8% năm 2021 xuống 14,6% năm 2022.
Bên cạnh đó, sự gián đoạn của hoạt động logistics có thể được giải quyết dần, giúp giảm chi phí vận tải, vốn chiếm 92% chi phí bán hàng trong 6 tháng đầu năm 2021. Do đó, chỉ số chi phí bán hàng/doanh thu có thể giảm từ mức khoảng 4,8% năm 2021 xuống 4% năm 2022.
Về định giá CP, VDSC sử dụng 2 phương pháp để đánh giá là: FCFF và PE. Trong đó, phương pháp FCFF, có giá mục tiêu là 48.300 đồng/CP.
Với phương pháp còn lại, VDSC áp dụng tỷ lệ P/E là 5,7x, thấp hơn khoảng 35% so với mức trung bình 5 năm là 8,8x cho EPS năm 2022. Do đó, giá mục tiêu theo phương pháp P/E là 47.500 đồng/CP.
Do đó, giá trị hợp lý của VDSC là 48.000 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời là 29% tính theo giá đóng cửa vào ngày 13-12.