Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 4, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam vẫn ở mức thấp hơn so với cùng kỳ. Giá trị XK cá ngừ trong tháng này chỉ đạt 67 triệu USD, giảm 38% so với cùng kỳ năm 2022. Do đó, tính lũy kế 4 tháng đầu năm, XK cá ngừ vẫn giảm 33%, đạt gần 248 triệu USD.
Xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường truyền thống đều giảm trong tháng 4. Trong đó, thị trường Mỹ vẫn tiếp tục giảm sâu 60%, lũy kế 4 tháng đầu năm, XK cá ngừ sang thị trường này giảm 55%, đạt gần 90 triệu USD.
XK cá ngừ sang EU sau khi tăng nhẹ 5% trong tháng 3 đã đảo chiều trong tháng 4. Giá trị XK sang khối thị trường này trong tháng 4 chỉ đạt gần 11 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm, kim ngạch XK sang thị trường này giảm 9%, đạt hơn 48 triệu USD.
Đáng chú ý trong tháng 4 tại khối thị trường này là sự vượt lên của Lithuania. Sau khi sụt giảm trong 2 tháng đầu năm, XK cá ngừ sang Lithuania đã tăng trưởng liên tục trong 2 tháng trở lại đây. Điều này đã giúp Lithuania vượt qua Italy trở thành thị trường NK cá ngừ lớn thứ 3 trong khối EU, sau Đức và Hà Lan. Cùng với Lithuania, XK cá ngừ sang Đức cũng đã tăng trở lại trong tháng 4, với mức tăng 25% so với cùng kỳ.
Tại thị trường CPTPP, Nhật Bản sau khi tăng trưởng NK cá ngừ của Việt Nam liên tục trong 3 tháng đầu năm, đã sụt giảm 25% tháng tháng 4.
Theo đánh giá của VASEP, thị trường xuất khẩu ảm đạm đang khiến doanh nghiệp gặp khó cả về việc tìm kiếm đơn hàng và vốn mua nguyên liệu của ngư dân để dự trữ. Để giữ chân lao động và tiêu thụ cá ngừ cho ngư dân, doanh nghiệp vẫn cố duy trì sản xuất qua việc gia tăng sản xuất cá ngừ chế biến, đồng thời tìm kiếm các thị trường mới để bù lại các thị trường chính bị giảm sút.
Tuy nhiên, đơn hàng XK giảm mạnh, khiến cho lượng tồn kho tăng cao. Thêm vào đó, chi phí đầu vào tăng… đang khiến cho đa phần doanh nghiệp đều đang hoạt động cầm chừng và rất cần sự "tiếp sức" từ nhà nước.