Trong năm học mới, số lượng sinh viên từ các tỉnh về TPHCM trọ học tăng cao. Ký túc xá của các trường đại học, cao đẳng tại TPHCM không đủ đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó, do thực hiện chủ trương cắt giảm đầu tư công, các dự án ký túc xá đã tạm dừng. Do vậy đang có tình trạng sinh viên thiếu chỗ trọ học.
Không dễ tìm chỗ trọ
Tính đến nay, trong 5 dự án xây dựng ký túc xá tại TPHCM, mới có tòa nhà B2 ký túc xá Đại học Quốc gia được đưa vào sử dụng với 828 chỗ ở và khu A ký túc xá Đại học Tôn Đức Thắng với 1.080 chỗ ở. Theo dự kiến, đầu năm học 2011-2012 khu ký túc xá mới của Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM rộng 14.000m2 cao 9 tầng, với 213 phòng, 1.776 chỗ ở sẽ được đưa vào sử dụng, tuy nhiên do cắt giảm đầu tư công nên dự án phải giãn tiến độ.
Khu ký túc xá tại trường đại học ở TPHCM đã quá tải. Ảnh: Lã Anh |
Làng Đại học Thủ Đức (nằm trên địa bàn quận Thủ Đức, TPHCM và thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) là nơi tập trung nhiều trường đại học: Đại học Quốc gia TPHCM, Nông Lâm, Sư phạm kỹ thuật TPHCM…, nhưng lượng phòng ký túc xá rất hạn chế nên phần lớn sinh viên quê ở tỉnh phải tìm chỗ trọ tại các khu dân cư gần đó. Nhiều sinh viên phải thuê phòng trọ tại nơi nhếch nhác, chật chội, không đảm bảo an ninh trật tự.
Trong nội thành, việc tìm phòng trọ học cũng không đơn giản. Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM (quận Tân Phú) có đến hơn 5.000 sinh viên, ký túc xá của nhà trường đã quá tải. Năm học này, sinh viên càng khó có chỗ ở vì nhà trường cải tạo khu ký túc xá thành giảng đường.
Xung quanh khu vực này còn có hàng loạt trường đại học, trung cấp như: Hùng Vương, Tây Nam Á, Đinh Tiên Hoàng, Nam Á… tạo nên nhu cầu rất lớn về chỗ trọ. Do vậy, giá phòng trọ ở đây tăng cao, phòng có diện tích từ 9-12m2 giá thuê 1,5-2,5 triệu đồng/tháng, chưa tính tiền điện, nước.
Nguyễn Minh Hải quê ở Bạc Liêu, sinh viên năm nhất Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm, than: “Hiện nay em vẫn phải tạm tá túc nhà bà con. Em đã mất cả chục ngày lân la khu vực này tìm nhà trọ nhưng vẫn chưa được. Sinh viên tìm nơi trọ học đâu có yêu cầu cao về chỗ ở tiện nghi, chỉ cần vừa túi tiền, gần trường, nhà tương đối yên tĩnh để thuận tiện cho việc học. Vậy mà tìm được một phòng như vậy chẳng dễ chút nào”.
Tìm lối ra
Nắm bắt nhu cầu này, nhiều hộ dân tranh thủ thu xếp để có phòng cho sinh viên thuê ở chung trong nhà. Gần đây có nhiều người làm ăn bài bản, căn cơ hơn: bỏ vốn đầu tư khu nhà trọ sinh viên. Có một số doanh nghiệp đã thuê mặt bằng hoặc mua hẳn nhà dân để cải tạo thành phòng trọ cho sinh viên thuê. Đồng thời cung cấp các dịch vụ cho người ở trọ như giặt giũ, suất ăn, tổ chức sinh nhật và có cả dịch vụ quán xuyến việc học tập, đi đứng của con em thay cho gia đình.
Ở đường Dương Đức Hiền (phường Tây Thạnh, quận Tân Phú) có dãy nhà trọ mới xây dựng, còn đang trong giai đoạn hoàn thiện nhưng 15 phòng trọ đều đã được các sinh viên đăng ký giữ chỗ.
Cách đó không xa cũng có một dãy nhà trọ 18 phòng vừa đưa vào sử dụng đã được sinh viên thuê hết mặc dù giá thuê mỗi tháng tương đối cao: 2,5 triệu đồng cho căn phòng 12m2, chưa tính tiền điện, nước. Chủ nhà trọ này cho biết nhu cầu thuê phòng trọ của sinh viên tại đây mỗi năm một tăng, trong khi nguồn cung chưa đủ đáp ứng nên giá phòng trọ liên tục được đẩy lên. Năm ngoái, phòng 12m2 giá thuê 2 triệu đồng/tháng, năm nay đã tăng lên 2,5 triệu đồng/tháng.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, cho biết: “Trong tình hình TPHCM chưa thể đáp ứng đủ ký túc xá cho sinh viên, nhiều địa phương đã chủ động đến Đại học Quốc gia TPHCM để xây dựng ký túc xá dành cho sinh viên con em địa phương đang theo học tại trường. Đây là giải pháp hiệu quả, góp phần giải quyết phần nào nhu cầu chỗ ở cho sinh viên.
Ngoài ra, TPHCM đang thực hiện 5 dự án đầu tư xây dựng ký túc xá bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ (các ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM, Đại học Giao thông - Vận tải cơ sở 2 TPHCM, Đại học Văn hóa TPHCM và Đại học Tôn Đức Thắng) với tổng vốn đầu tư gần 3.900 tỷ đồng, sẽ đáp ứng hơn 67.000 chỗ ở cho sinh viên”.
Từ kế hoạch đến khi thành hiện thực sẽ còn phải chờ nhiều thời gian nữa, trước mắt việc trọ học của sinh viên vẫn chưa hết gian nan.