Thịt heo là một trong những mặt hàng Liên minh kinh tế Á Âu quan tâm. Cùng với đó, đây cũng là nhóm hàng Việt Nam và liên minh cam kết sẽ cắt giảm thuế theo lộ trình 3-5 năm. Liệu các DN Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này đẩy mạnh xuất khẩu. ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông VĂN ĐỨC MƯỜI, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan), về vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: - Nga từng là thị trường xuất khẩu chủ lực của Vissan cũng như một số DN Việt Nam. Nay cơ hội từ thị trường Nga nói riêng và Liên minh kinh tế Á Âu được Vissan cũng như các DN nắm bắt ra sao, thưa ông?
Ông VĂN ĐỨC MƯỜI: - Trước hết phải đánh giá về nhu cầu thịt của thị trường Nga hiện nay. Sau khi Nga tuyên bố áp đặt lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm thịt như thịt lợn, thịt gà, mỡ và nội tạng động vật có nguồn gốc từ châu Âu, nguồn cung thiếu hụt khá lớn và phía Nga cũng quan tâm đến sản phẩm thịt heo của Việt Nam.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận đây chỉ là cánh cửa hẹp bởi một số lý do. Thứ nhất, các yêu cầu về thú y và kiểm dịch của Nga hết sức khắt khe, rất ít DN Việt Nam có thể đáp ứng. Thứ hai, giá thành chăn nuôi ở nước ta còn rất cao nên sản phẩm thịt heo của Việt Nam rất khó để có thể cạnh tranh khi xuất khẩu. Giá thành chăn nuôi của chúng ta cao hơn mặt bằng chung của thế giới từ 25-30%.
Trong khi đó, ngành chăn nuôi năng suất rất thấp do quy mô còn manh mún, các sản phẩm chăn nuôi chưa truy suất nguồn gốc, 85% là chăn nuôi hộ gia đình nhỏ lẻ. Ngoài ra, trong cái nhìn của nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam nằm trong khu vực dịch tễ yếu kém nên gần như chúng ta không xuất khẩu được.
Có thể khẳng định, đến giờ phút này con đường vào thị trường Nga là rất khó. Nếu hỏi chúng tôi có tiếc cơ hội này không, câu trả lời là có, nhưng vì khó nên phải dứt khoát tìm kiếm những cơ hội thích hợp hơn.
- Nói về câu chuyện giá thành, liệu chúng ta có khả năng giảm giá thành chăn nuôi nhằm tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm ngay trên sân nhà hay không, thưa ông?
- Như đã nói, giá thành chăn nuôi của chúng ta cao hơn thế giới khoảng 25-30% và nguyên nhân giá thức ăn chăn nuôi của Việt Nam quá cao do có đến 90% nguyên liệu phải nhập khẩu. Muốn giảm giá thành phải giải quyết khâu này trước.
Còn với những DN như Vissan, chúng tôi đang nỗ lực khép kín quy trình sản xuất, kiểm soát chặt các khâu đầu vào, từng bước hoàn thiện chuỗi giá trị từ trang trại đến bàn ăn. Hiện Vissan đang chuẩn bị cho những chương trình lớn như di dời nhà máy về Long An, xây dựng trung tâm điều phối tại khu công nghiệp Tân Tạo, đầu tư thêm trang trại chăn nuôi tại Bình Thuận…
Điều này không chỉ giúp giảm bớt chi phí mà còn thực hiện được việc truy xuất nguồn gốc, một trong những yêu cầu tất yếu khi hội nhập. Nếu nói đến khả năng giảm giá thành chăn nuôi, hiện nay theo đánh giá của tôi có giảm cũng không quá 5% và giảm được cũng chính nhờ quy trình khép kín như thế này.
Chế biến xúc xích tại Vissan. Ảnh: LONG THANH |
- Ông luôn khẳng định chăn nuôi là ngành dễ bị tổn thương nhất khi hội nhập. Nhưng ở một góc nào đó, hẳn hội nhập cũng sẽ mang lại cơ hội cho ngành cũng như DN?
- Khi hội nhập các DN ngoại sẽ tràn vào, tuy nhiên người tiêu dùng Việt Nam còn thói quen sử dụng thực phẩm tươi nên DN nội cũng không quá lo lắng. Hội nhập cũng chính là cơ hội để chúng ta thay đổi chính mình, thay đổi quy trình sản xuất, thay đổi công nghệ và thay đổi cả nhận thức để phát triển.
Ngoài ra, khi hội nhập các DN trong nước cũng có cơ hội nhập khẩu nguyên liệu với giá thành rẻ để phục vụ cho việc sản xuất chế biến. Cũng phải nói thêm chúng ta luôn ủng hộ việc người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, nhưng trong điều kiện bắt buộc khi nguyên liệu nhập rẻ hơn thì các DN Việt Nam cũng không thể đi ngược xu hướng này.
Giai đoạn trước những năm 1990, Việt Nam đã giao sang Liên Xô hàng chục ngàn tấn heo mảnh, heo choai và thịt hộp. Đây đã từng được xem là một trong những mặt hàng mũi nhọn của Việt Nam xuất sang thị trường này. Từ sau những năm 1990, thịt heo của ta giảm dần và cho đến bây giờ hầu như đã vắng bóng trên thị trường Nga. Nguyên nhân chính dẫn đến việc mất thị phần do thịt heo của ta giá thành cao và chưa đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của phía Nga.
Cuối năm 2014 vừa qua, Nga đã cử một phái đoàn sang kiểm tra các trang trại chăn nuôi của Việt Nam với ý định nhập khẩu thịt sang Nga. Tuy nhiên, hầu hết các DN trong nước không đạt được yêu cầu phía Nga đưa ra. Chính vì thế, Nga đã ký hợp đồng nhập khẩu 50.000 tấn thịt heo của Thái Lan để bù đắp lượng thực phẩm thiếu hụt do cấm vận. Thực tế này tiếp tục là tiếng chuông cảnh tỉnh cho ngành chăn nuôi của Việt Nam trước cánh cửa hội nhập.
- Xin cảm ơn ông.