Quảng Ninh
Trong báo cáo sơ bộ về tình hình thiệt hại trên địa bàn, Đại tá Trần Văn Phúc, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh, cho biết, bão số 3 đã làm 3 người chết, 4 người bị thương, 6 người và 1 tàu mất tích, 1 cần cẩu bị đổ, 14 tàu bị đắm.
Hạ Long tan hoang sau cơn bão. Ảnh: MINH ĐỨC
Cụ thể, vào hồi 14 giờ 30 phút, tại khu neo đậu, tránh trú bão trên hang Bồ Nâu, vịnh Hạ Long, tàu lai dắt Hồng Gai của Công ty cổ phần Cảng Quảng Ninh đứt dây neo và bị cuốn ra biển.
Thời điểm này, trên tàu có 7 thuyền viên, trong đó 1 người bị rơi xuống biển và tử vong, hiện đã vớt được thi thể lên bờ, 6 người còn lại đang mất liên lạc.
Đêm 7-9, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh Trịnh Thị Minh Thanh đến kiểm tra tình hình tàu cá tại cảng Hà Phong (TP Hạ Long)
Cảng cá Hà Phong vẫn được an toàn sau cơn bão dữ
Tại TP Hạ Long, có 1 người chết (do bị mái tôn sập); 4 người bị thương (do bị cây đổ, sập mái tôn, kính bay vào người, điện giật) đã được Công an TP Hạ Long và Công an tỉnh Quảng Ninh đưa đi cấp cứu kịp thời.
Hạ Long còn có 1 tàu du lịch bị đắm khi neo đậu tại âu tàu, không thiệt hại về người.
Cảnh tan hoang sau bão ở Bãi Cháy (TP Hạ Long)
Hạ tầng ngổn ngang tại khu Bãi Cháy (TP Hạ Long)
TP Cẩm Phả có 1 người bị chết trong khi chằng chéo mái nhà.
Tại Khu công nghiệp Cái Lân, phường Giếng Đáy, TP Hạ Long, gió bão làm đổ 1 cần cẩu nặng 300 tấn vào phân xưởng của Công ty Đóng tàu Hạ Long, làm gãy đôi nhà xưởng, không có thiệt hại về người.
Huyện đảo Cô Tô có 13 tàu bị đắm khi đang neo đậu tại âu cảng với thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng.
Hải Phòng
Theo báo cáo mới nhất từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hải Phòng, có 1 người chết ở huyện Tiên Lãng do bị tường bếp đổ (nhà ở kiên cố không thuộc diện di dời) và 13 người bị thương do vỡ kính, mái tôn, đã được sơ cứu tại trung tâm y tế (trong đó, huyện An Dương có 4 người, quận Ngô Quyền có 7 người, huyện Thủy Nguyên có 2 người).
Đến sáng 8-9, mưa như trút trên địa bàn TP Hải Phòng nhưng theo báo cáo, hệ thống công trình đê điều, công trình thủy lợi vẫn đảm bảo an toàn, chưa phát sinh sự cố.
Tuy nhiên, rất nhiều tuyến đường, tuyến phố bị gãy đổ cây xanh, đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu, biển báo, đường dây thông tin, bị ngập nước, gây ách tắc nghiêm trọng. Hoạt động giao thông bị đình trệ, gián đoạn.
Nhiều khu vực ở Hải Phòng vẫn bị cắt điện để đảm bảo an toàn hoặc do sự cố đường dây chưa khắc phục được. Nhiều nhà dân, trụ sở cơ quan, cơ sở doanh nghiệp, kho tàng, xưởng sản xuất, trang trại chăn nuôi bị hư hại, tốc mái, cột điện bị gãy đổ.
Tại Hải Phòng, mất điện, mất sóng di động. Ảnh: QUANG PHÚC
Ngoài trời mưa như trút nước, ngập úng, tê liệt. Ảnh: QUANG PHÚC
Diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả, cây cảnh bị gãy đổ, hư hại là rất nhiều mà các địa phương chưa thể thống kê được do mưa gió kéo dài.
Qua ước tính sơ bộ, khoảng 5.000ha lúa đang trổ bông bị hư hại, 1.750ha rau màu và 1.000ha cây ăn quả bị ảnh hưởng nặng, 400ha hoa cây cảnh bị thiệt hại.
Tình hình thiệt hại ở mức rất lớn và chưa thể đánh giá, thống kê chính xác, chi tiết. Ngoài những thiệt hại về hạ tầng, cập nhật báo cáo cho biết, 1 tàu vận tải (Tàu Minh Anh 01) với 12 thuyền viên, bị mất khả năng điều động, trôi dạt tại khu neo vịnh Lan Hạ (đảo Cát Bà). Cảng vụ Hàng hải TP Hải Phòng đã phối hợp các lực lượng chức năng hỗ trợ tàu này, đảm bảo an toàn cho người và tài sản.
Trước đó, theo báo cáo tổng hợp đến chiều 7-9 của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), có 4 người thiệt mạng (3 tại tỉnh Quảng Ninh và 1 tại tỉnh Hải Dương) cùng 78 người bị thương tại Hải Phòng và Quảng Ninh.
Bão đã giảm thành áp thấp nhiệt đới
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, sau khi đổ bộ vào đất liền tại Quảng Ninh và Hải Phòng, đến 22 giờ ngày 7-9, bão tiếp tục di chuyển thẳng về phía Bắc TP Hà Nội. Sau đó, bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp của Bộ Chỉ huy tiền phương vào 22 giờ ngày 7-9
Vào hồi 22 giờ ngày 7-9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp thứ 4 trong ngày của Bộ Chỉ huy tiền phương phòng chống bão số 3, để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả sau bão tại các địa phương.
Đại diện TP Hà Nội thông tin, bão số 3 đã làm 3 người chết, 8 người bị thương; 19 nhà, ki-ốt bị tốc mái; hư hỏng 7 xe ô tô; hàng ngàn cây gãy đổ; ngập 1.700ha lúa… Sáng 8-9, các lực lượng sẽ tiến hành xử lý cây đổ, bảo đảm giao thông thông suốt.
Cây đổ đè lên xe cộ tại trụ sở Bộ NN-PTNT ở Hà Nội chiều 7-9. Ảnh: TỐ NHƯ
Còn theo đại diện Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội, tính đến 19 giờ ngày 7-9, trên địa bàn Hà Nội có 6 xe máy và 13 ô tô bị hư hỏng do bão.
Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội cho biết nội thành không bị ngập úng nhưng ở ngoại thành ngập 47ha lúa và 26,5ha rau màu; 6.144,5ha lúa, 15,93ha rau màu bị đổ cùng cây ăn trái… Trên toàn Hà Nội có 2.455 cây đổ.
Tại huyện Thanh Oai có nhiều xã bị mất điện. Nguyên nhân do dông lốc gây sự cố các đường dây, đổ cột điện. Hà Nội cũng đang tiếp tục thống kê số nhà bị tốc mái tôn, bị sập, số gia đình bị đổ tường bao, ảnh hưởng bão.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các địa phương khẩn trương đánh giá lại tình hình, cập nhật thông tin thiệt hại, phương án khắc phục hậu quả đã báo cáo vào sáng 8-9.
Sáng nay 8-9, dự kiến Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương để nắm bắt thông tin, tình hình thiệt hại do cơn bão số 3 và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ thiệt hại…