Thị trường màu mỡ
Cuối năm ngoái, CTCP VietYacht Sài Gòn, đại lý phân phối độc quyền du thuyền hạng sang của Prestige (Pháp), đã làm lễ bàn giao chiếc Prestige 520 đầu tiên tại Việt Nam. Lễ bàn giao là bữa tiệc hoành tráng ngay trên bến du thuyền Lan Anh (quận 2) với hơn 200 khách tham gia. Không khó để nhận ra những đại gia có “máu mặt” nhất tại TPHCM, hoặc đến từ các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, xa hơn là Đà Nẵng, Quảng Ninh hay Hà Nội.
Độ xa hoa của tiệc “rửa” du thuyền thể hiện qua trang trí bàn tiệc, đường hoa và dàn người mẫu xinh đẹp xếp dài ngay từ cổng nhà hàng. Lẽ dĩ nhiên, đề tài được bàn tán nhiều nhất trong bữa tiệc là chiếc du thuyền hạng sang Prestige 520. Đây là dòng du thuyền từng được đề cử cho giải thưởng Best of Boats Awards 2018, hạng mục “Best of Travel”.
Theo bà Phạm Thị Báu, Tổng giám đốc VietYacht Sài Gòn, Prestige 520 nằm trong phân khúc du thuyền động cơ 52 feet, với 4 phòng ngủ sang trọng, 1 cabin thủy thủ rộng rãi, cùng khoang lái nóc với khu vực lái siêu thoáng. Prestige 520 còn được trang bị ghế sofa và các tiện nghi cao cấp, giúp khách hàng có thể trải nghiệm nhiều ngày trên du thuyền.
“Tùy theo sở thích và thị hiếu của khách hàng, Prestige sẽ trang bị thêm các các tiện nghi cho du thuyền. Prestige 520 có giá bán từ 33 tỷ đồng, nhưng nếu có thêm các trang bị mới như chiếc được bàn giao lần này có thể lên đến 43 tỷ đồng” - bà Báu chia sẻ.
Prestige 520 chưa phải là chiếc du thuyền có giá cao nhất cập cảng tại Việt Nam. Cách đây 3 năm, ông Jonathan Hạnh Nguyễn, bố chồng diễn viên Tăng Thanh Hà, đã bỏ ra 4 triệu USD để sở hữu chiếc Azimut 70 với chiều dài 22m. Tuy nhiên, kỷ lục này nhanh chóng bị phá vỡ bởi những chiếc du thuyền cập cảng những năm gần đây. Đơn cử người đẹp tên N.K với chiếc Ferretti Yachts có giá trị lên đến 100 tỷ đồng.
Kỷ lục về du thuyền hạng sang cập cảng Việt Nam có giá lên đến 10 triệu USD (tương đương 230 tỷ đồng). Chính độ chịu chơi của đại gia Việt cũng là lý do khiến các thương hiệu du thuyền hạng sang trên thế giới đã góp mặt gần như đầy đủ tại Việt Nam, như Jeanneau, Prestige, Fountaine Pajot… Thậm chí, các thương hiệu siêu du thuyền như Ferretti, Riva hay Pershing đều đã có đại diện phân phối tại Việt Nam.
Ngốn chi phí để thể hiện đẳng cấp
Ngốn chi phí để thể hiện đẳng cấp
Trên thực tế, để sở hữu chiếc du thuyền, ngoài số tiền khủng ban đầu, người chơi còn phải bỏ ra số tiền không nhỏ để “nuôi” chiếc du thuyền. Theo tính toán, trung bình chi phí này tốn khoảng 50 triệu đồng mỗi tháng, du thuyền càng xịn chi phí càng cao. Trong đó chi phí cao nhất là tiền lương cho đội ngũ thủy thủ, gồm ít nhất là 3 người thuyền trưởng, tàu công và bếp.
Tuy nhiên, muốn tuyển thuyền trưởng cũng không dễ vì yêu cầu của du thuyền là vừa chạy trên sông, vừa chạy trên biển nên đòi hỏi phải có bằng thuyền trưởng cấp 1. Với tiêu chuẩn gắt gao này, nhiều đại gia phải thuê đội ngũ phục vụ trên du thuyền đến từ Philippines do Việt Nam còn thiếu. Giới chơi du thuyền từng chứng kiến một thuyền viên không đủ bằng cấp điều khiển gây tai nạn, phải tốn hơn 3 tỷ đồng để kéo ra nước ngoài sửa chữa.
Đó là chưa kể các khoản chi thường xuyên gồm vật tư bảo trì, chi phí đăng kiểm, tiền thuê bến đậu, tiền điện khi tàu nằm bến, tiền xăng dầu và hàng loạt khoản tiền không tên khác như tiền “mãi lộ”, tổ chức tiệc mời bạn bè lên du thuyền.
Đơn cử chiếc Ferretti Yachts của người đẹp N.K mỗi tháng ngốn đến 5.000USD các chi phí. Đặc biệt, mỗi năm người đẹp N.K phải đưa thuyền sang Hồng Kông bảo dưỡng, tốn thêm khoảng 250.000USD. Một đại gia đang sở hữu du thuyền tại quận 2 chia sẻ số tiền bỏ ra mỗi năm để “nuôi” chiếc du thuyền tương đương với căn chung cư. Đại gia này cũng nói vui rằng chi phí cho du thuyền cũng xấp xỉ số tiền bỏ ra để chu cấp cho cô bồ nhí chân dài.
Dù phải bỏ ra số tiền cực lớn để sắm và duy trì du thuyền, nhưng hầu hết đại gia đều chưa sử dụng hết công năng của nó, đặc biệt là những chiếc siêu du thuyền. Theo một đại diện phân phối du thuyền tại TPHCM, phần lớn đại gia mua sắm du thuyền chỉ để thể hiện đẳng cấp là chính. Thấy đại gia kia mua thuyền dài 10m với 2 phòng ngủ, mình phải mua thuyền dài 13m, 3 phòng ngủ.
Thậm chí, một đại gia trong lĩnh vực xuất hàng tiêu dùng sắm tới 3 chiếc du thuyền. Một số đại gia bất động sản có dự án liền kề bờ sông mua du thuyền rồi thả neo ngay tại dự án để “đánh bóng” cho dự án.
“Các đại gia trên thế giới sắm du thuyền sang để đi biển dài ngày, còn đại gia Việt chỉ bơi trên sông là chính. Nếu có ra biển cũng chỉ tới Vũng Tàu hoặc Côn Đảo rồi về ngay trong ngày. Du thuyền của các đại gia ở các địa phương có biển như Quảng Ninh hay Phú Quốc cũng chỉ dám chạy ra vài chục hải lý để câu cá rồi quay về, ít khi ở lại đêm trên biển.
Ngay như chiếc Prestige 520 được thiết kế với lớp vỏ chắc chắn để phục vụ cho các chuyến đi biển, nhưng thực tế cũng chỉ chạy trên sông Sài Gòn” - một thủy thủ lái du thuyền chia sẻ.
Bên cạnh việc sắm du thuyền để thỏa mãn thú vui, một số đại gia bỏ tiền ra mua du thuyền để cho thuê. Ông V., một trong những đại gia mua du thuyền để kinh doanh, cho biết những năm gần đây nhiều người dân tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM có xu hướng thuê du thuyền để trải nghiệm cảm giác được sống trên du thuyền và chụp hình khoe trên trang cá nhân.
Giá thuê cũng tùy thuộc vào mức độ tiện nghi và món ăn phục vụ trên du thuyền. Để có một buổi chiều thả hồn trên sông nước, trung bình mỗi du khách khách phải bỏ ra số tiền khoảng 2 triệu đồng.