Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. Cuộc họp được kết nối trực tiếp đến trụ sở UBND các tỉnh, thành phố, trụ sở UBND quận, huyện, xã, phường, thị trấn có liên quan.
Tối 26-9, Thủ tướng cũng đã ký Quyết định 1136/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương để chỉ đạo ứng phó với bão số 4. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành là Trưởng Ban chỉ đạo tiền phương. Phó Trưởng ban thường trực là Bộ trưởng Bộ NN-PTNT. Các thành viên gồm đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan liên quan.
Ban chỉ đạo tiền phương có nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương triển khai công tác ứng phó với bão số 4 bảo đảm kịp thời, hiệu quả nhất để bảo vệ tính mạng nhân dân, hạn chế thiệt hại do bão; chỉ đạo, giải quyết kịp thời các tình huống phát sinh; thường xuyên cập nhật tình hình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, ngày 26-9, chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã dành thời gian chỉ đạo về công tác ứng phó cơn bão số 4.
Thủ tướng nhắc cơn bão Durian (hay bão số 9 tại Việt Nam) cuối năm 2006 đã gây thiệt hại rất lớn về người và của (khoảng 10.000 tỷ đồng ở thời điểm đó). Do đó, các bộ, ngành, cơ quan, các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố miền Trung phải tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm "bốn tại chỗ" với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất. Người đứng đầu phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa để bảo đảm an toàn, tính mạng, tài sản của người dân.
Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã họp và có các chỉ đạo ứng phó bão số 4; Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đang có mặt ở miền Trung để trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác ứng phó bão.
Nêu rõ không để người dân chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, đồng thời không để người dân chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước diễn biến của bão. Trong đó, hết sức quan tâm một số nhiệm vụ: khẩn trương rà soát, kêu gọi tàu thuyền, ngư dân nằm trong vùng nguy hiểm tìm nơi tránh trú; rà soát kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm; bảo đảm an toàn hồ đập, lồng bè nuôi trồng thủy sản; ứng phó nguy cơ sạt lở đất, lũ lụt sau bão…
Thủ tướng nêu rõ, các bộ ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu, phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa để bảo đảm an toàn, tính mạng và tài sản của người dân, của Nhà nước trong bối cảnh thời tiết, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến cực đoan, bất thường, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Theo bản tin dự báo báo của chuyên gia Nguyễn Ngọc Huy, lúc 6 giờ 27-9, tâm bão cách bờ biển Cửa Đại, Quảng Nam 428km về phía Đông. Mắt bão đã rõ. Sức gió mạnh nhất gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 16. Vận tốc gió giật tối đa 165km/giờ.
Bão sẽ tiếp tục mạnh lên trong vòng 12 giờ tới đây với vận vận tốc gió đều có thể lên đến 150km/giờ, gió giật 195km/giờ.
Sau khi tăng cường độ bão sẽ duy trì sức mạnh và đi vào gần bờ vào đêm 27-9.