Thua lỗ không chỉ có mất mát...

(ĐTTCO) - 2015 là năm đầu tiên sau gần 1 thập niên có mặt trên sàn CK, CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC) thua lỗ, thậm chí lỗ rất nặng với gần 196 tỷ đồng. Thua lỗ tạo ra những xáo trộn, mất mát, thậm chí đau đớn, nhưng cũng là bước lùi cần thiết để SMC nhìn lại mình, rút ra những bài học và lại tiếp tục phát triển.

(ĐTTCO) - 2015 là năm đầu tiên sau gần 1 thập niên có mặt trên sàn CK, CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC) thua lỗ, thậm chí lỗ rất nặng với gần 196 tỷ đồng. Thua lỗ tạo ra những xáo trộn, mất mát, thậm chí đau đớn, nhưng cũng là bước lùi cần thiết để SMC nhìn lại mình, rút ra những bài học và lại tiếp tục phát triển.

Bài học lớn

Không quá khó để nhận ra nguyên nhân khiến SMC thua lỗ, đó là giá thép liên tục giảm trong năm 2015, cùng với sự lao dốc của giá dầu và những vấn đề trong việc xử lý hàng hóa, nhất là hàng tồn kho. Quý I-2015 là thời điểm SMC có lượng hàng tồn cao nhất với khoảng 125.000 tấn thép, cùng với lượng hàng hóa trên đường về vào khoảng 130.000 tấn, trong khi lượng tiêu thụ trung bình mỗi tháng chỉ vào khoảng 85.000 tấn/thép. Tồn kho nhiều trong xu hướng giá thép giảm đồng nghĩa với thua lỗ lớn, nhưng SMC phải đối mặt với 2 vấn đề.

Ngày 23-4 tới đây, SMC sẽ tổ chức ĐHCĐ để thảo luận và thông qua một loạt vấn đề quan trọng như: Kế hoạch kinh doanh 2016 với các mục tiêu tổng lượng thép tiêu thụ 1 triệu tấn; doanh thu bán hàng 10.100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 60 tỷ đồng; phương án phát hành tăng vốn điều lệ; mở room 100% cho cổ đông nước ngoài…

Thứ nhất, vai trò là một đơn vị gia công, chế biến thép chuyên nghiệp bắt buộc SMC phải đảm bảo tính liên tục trong việc cung cấp hàng hóa cho khách hàng là các nhà sản xuất công nghiệp. Điều này khiến công ty không thể cắt giảm, xả kho ồ ạt như thời điểm chỉ kinh doanh thương mại thuần túy như 9-10 năm trước. Thứ hai, giá thép giảm mạnh cũng đồng thời xuất hiện cơ hội quay đầu và nếu mua đúng giá đáy có thể trung bình giá và có lãi trở lại. Nhưng nếu bắt đáy sai thì thua lỗ lại càng nặng hơn. “Đây là bài học đau đớn của SMC và buộc SMC phải rút kinh nghiệm và đưa ra những thay đổi trong hoạt động kinh doanh và quản trị hàng tồn kho trên tiêu chí sức mình đến đâu làm đến đó, thay vì cố gắng tận dụng nhiều cơ hội để rồi phải đổi lấy nhiều rủi ro. Chuyện thua lỗ trong kinh doanh là bình thường, tuy nhiên phải trong phạm vi chấp nhận được, chẳng hạn các ngân hàng (NH) có thể chấp nhận cho công ty thua lỗ 1 năm, nhưng đến năm thứ 2 tiếp tục thua lỗ nữa NH sẽ siết chặt, và như vậy khó khăn sẽ chồng chất khó khăn” - ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SMC, nghiêm túc nhìn nhận.

 Từ đầu năm 2016 đến nay, lượng hàng tồn kho được SMC duy trì trong mức 50.000-55.000 tấn, trong khi hàng đang trên đường về ở mức 80.000-90.000 tấn, giảm phân nửa so với năm ngoái. Giảm lượng hàng tồn kho ngay tại thời điểm giá thép lên liệu có phải là động thái quá thận trọng và ảnh hưởng đến lợi nhuận của SMC? “Quý I-2016 ước tính sản lượng thép SMC bán ra thị trường vào khoảng 240.000 tấn, tương đương cùng kỳ năm trước. Giảm lượng hàng tồn kho không đồng nghĩa với khả năng tiêu thụ của SMC giảm, mà đây là động thái nhằm giảm vốn vay NH, giảm tiền trả lãi và giảm cả công nợ phải thu hồi, sức mạnh tài chính tăng lên. Đồng thời, SMC cũng triển khai các biện pháp bán hàng nhanh, mua vào bán ra trong thời gian ngắn nhất với giá hợp lý nhất. Điều này giúp công ty bảo toàn được lợi nhuận đồng thời tránh được rủi ro khi giá thép quay đầu. Mặc dù giá thép tăng trong thời gian qua theo đà phục hồi của giá dầu, nhưng liệu có thể khẳng định chắc chắn giá dầu sẽ tiếp tục tăng và kéo giá thép lên nữa hay không? Theo dự báo của tôi, kể từ tháng 4 này, thị trường thép sẽ dần trở lại giai đoạn cạnh tranh khốc liệt thay vì có nhiều thuận lợi như trong quý I” - ông Nguyễn Ngọc Anh giải thích.

Lượng thép tiêu thụ không thay đổi, nhưng lợi nhuận (LN) quý I của SMC ước đạt 60 tỷ đồng, với cao điểm chỉ riêng tháng 3 đã lên đến 34 tỷ đồng (lượng tiêu thụ tương ứng đạt 100.000 tấn) cho thấy hầu hết lợi nhuận làm ra nhờ vào sóng của thép, mà đã có sóng lên thì cũng phải có sóng xuống.

Cho bước tiến dài

Tính đến cuối năm 2015, lỗ lũy kế của SMC lên đến 185 tỷ đồng và sau khi đề ra một loạt giải pháp khắc phục, ban lãnh đạo công ty dự kiến sẽ mất khoảng 2 năm để xóa lỗ lũy kế. Nghĩa là trong 2 năm 2016 và 2017, mỗi năm SMC phải phấn đấu đạt hơn 90 đồng lãi sau thuế và đây là một con số vô cùng thách thức. Nói thách thức bởi vì trong kế hoạch lợi nhuận của năm 2016 sắp được đệ trình tại ĐHCĐ của SMC diễn ra vào sáng ngày 23-4 tại TPHCM, mục tiêu chỉ là 60 tỷ đồng lãi sau thuế. Mặt khác, cũng chưa có năm nào kể từ khi lên sàn mà lợi nhuận sau thuế của SMC chạm mốc 90 tỷ đồng. Những đợt sóng giá thép như quý I năm nay không phải lúc nào cũng xuất hiện và khả năng các quý tiếp theo SMC có được lợi nhuận như quý I không dễ xảy ra. Phải chăng đây là kế hoạch thiếu thực tế?

Vào thời kỳ sản xuất kinh doanh thuận lợi, ngoài vấn đề lợi nhuận, cổ tức và đảm bảo lợi ích cho cổ đông, ông Nguyễn Ngọc Anh vẫn luôn nhắc đến các yếu tố mang tính cốt lõi mà công ty gầy dựng được. Đó là uy tín, thương hiệu trên thương trường và mối quan hệ chặt chẽ dựa trên sự tin tưởng, tôn trọng với các NH. Ngay tại những lúc khó khăn nhất, những lợi thế này đã phát huy và giúp SMC đứng vững. Giữa năm 2015, cũng là thời điểm SMC đối mặt với một loạt khó khăn vì thua lỗ, về lý mà nói NH sẽ phải tiến hành cắt hạn mức tín dụng, siết các thủ tục cho vay, nâng lãi suất… Tuy nhiên, phó tổng giám đốc một NH lớn, cũng là đối tác lâu năm với SMC, đã nói với ông Nguyễn Ngọc Anh: “SMC cần gì trong khả năng chúng tôi sẽ hỗ trợ hết mình”, đồng thời vẫn giữ nguyên các chính sách khi làm việc với SMC. Câu trả lời của ông Nguyễn Ngọc Anh khi đó chỉ đơn giản là: “SMC không cần giúp gì thêm, chỉ cần có thời gian để xử lý và trở lại”.

Hoàn thành mốc tiêu thụ 1 triệu tấn thép ra thị trường sớm hơn 1 năm trong chiến lược 2011-2016 và đầu tư, xây dựng, đưa vào vận hành nhà máy ống thép Sendo (liên doanh với Hanwa của Nhật Bản) chỉ sau nửa năm là những bước tiến quan trọng của SMC trong năm 2016. Nhờ vào mối quan hệ chặt chẽ với các nhà sản xuất thép trong và ngoài nước, SMC có thể chủ động trong việc mua vào nguyên liệu để phục vụ cho việc gia công, chế biến ống thép với giá thành vào loại tốt nhất. Và cũng nhờ thị phần đã được SMC xây dựng, nên dù chỉ mới vận hành từ cuối năm 2015 nhưng đến nay, với 3 dàn máy cán ống, Sendo đã liên tục chạy hết công suất với 2.700 tấn ống/tháng và đang tiếp tục bổ sung thêm các dàn máy mới. Mục tiêu được đề ra là đến cuối năm 2017, công suất của Sendo phải đạt 10.000 tấn/năm và lọt vào top 10 nhà sản xuất ống thép hàng đầu.

Sản phẩm thép tại Nhà máy ống thép Việt-Nhật Sendo.

Sản phẩm thép tại Nhà máy ống thép Việt-Nhật Sendo.

“Không phải cứ có tiền là mua được hàng, các nhà máy sẽ phải xét đến thương hiệu, uy tín của đối tác, độ minh bạch trong kinh doanh để bán hàng. Ngược lại, hàng hóa bán với giá tốt là chưa đủ, nhà sản xuất phải chứng minh được phẩm chất, năng lực cung cấp. Lợi thế cạnh tranh rõ ràng đã được phản ánh trong phần chênh lệch giá nguyên liệu đầu vào mà SMC được hưởng” - ông Nguyễn Ngọc Anh khẳng định. Điều này còn được khẳng định trong mảng xuất khẩu thép của SMC tại thị trường Campuchia khi các đối tác cho biết nếu giá bán của SMC tương đương với các đơn vị khác thì ưu tiên hàng đầu vẫn là sản phẩm của SMC, vì đây là thương hiệu tạo cho họ sự yên tâm về chất lượng cũng như dịch vụ.

Các tin khác