Tăng cường chất lượng làm luật
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH), một số đại biểu Quốc hội (ĐB) lo về vấn đề xuất khẩu, đầu tư tư nhân, sản xuất công nghiệp thấp hơn cùng kỳ sẽ tác động đến tăng trưởng. Trong sản xuất công nghiệp, một số ngành, sản phẩm chủ lực bị phụ thuộc, trong khi các tập đoàn lớn dịch chuyển vào Việt Nam không nhiều.
Quy mô các dự án FDI từ 300 triệu USD giảm so với trước; giải ngân đầu tư công quá chậm gây cản trở phát triển; chưa có tập đoàn lớn tương xứng với tiềm lực của đất nước để giảm phụ thuộc vào nước ngoài… Vì thế, một số ĐB kiến nghị phải phát triển mạnh kinh tế tư nhân; phải làm thế nào để các doanh nghiệp (DN) tư nhân lớn mạnh hơn. Đề nghị có luật bảo vệ DN, hoặc luật bảo vệ nhà đầu tư để họ yên tâm làm ăn.
ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM) nêu quan điểm cần ưu tiên hơn nữa cho kinh tế tư nhân để thực sự phát huy vai trò động lực của khu vực này.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cũng nhìn nhận, để nền kinh tế độc lập tự chủ được, cùng với kinh tế nhà nước, chúng ta phải phát triển mạnh kinh tế tư nhân. Hiện kinh tế nhà nước đóng góp 30% vào GDP, kinh tế tư nhân chiếm 40%, FDI 20%. Nhà nước phải tiếp tục bổ trợ, tiếp sức cho DN tư nhân. Cần tăng tính ổn định của thể chế, trên cơ sở tăng cường chất lượng làm luật, chính sách ổn định.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) báo động vấn đề xuống cấp đạo đức công vụ; nhiều cán bộ công chức “không còn liêm sỉ”; thái độ né tránh trách nhiệm, chối tội của các cán bộ, đảng viên phải được xem xét, vì tác động rất không tốt đối với xã hội. ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) đề nghị Chính phủ tập trung phân tích, tìm giải pháp để khắc phục tình trạng này. Thực tế đã có tình trạng tội phạm bộc phát.
Trong đời sống văn hóa vẫn có trường hợp biến thái về tu hành, lạm dụng tín ngưỡng tôn giáo để trục lợi, làm sứt mẻ thanh danh của tôn giáo chân chính. Để chấn chỉnh, sự tiên phong gương mẫu là yếu tố cần nhưng chưa đủ, phải có sự nghiêm khắc của luật pháp. Nếu không làm được thì tăng trưởng kinh tế cũng giảm ý nghĩa.
Xóa nợ nhưng cũng cần xem xét trách nhiệm
Chính phủ kiểm soát rất chặt chẽ các giao dịch tín dụng bất động sản. Dư nợ tín dụng bất động sản khoảng 1,5 triệu tỷ đồng (trong khoảng 7,85 triệu tỷ đồng tổng dư nợ), trong đó dư nợ cho kinh doanh bất động sản chỉ có 32,7% trong 1,5 triệu tỷ đồng Phó Thủ tướng VƯƠNG ĐÌNH HUỆ |
Thảo luận về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước..., nhiều ĐBQH bày tỏ sự băn khoăn, không đồng ý với đề nghị này.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) cho rằng, thực tế đó gây ra một tiền lệ về chính sách pháp luật, tạo sự không công bằng. DN làm ăn, nộp thuế nghiêm túc lại bị thiệt, còn những DN chây ỳ, lại được bảo vệ. ĐB Nguyễn Minh Đức (TPHCM) đề nghị cần phân loại đối tượng (khoanh nợ, chậm, phá sản..) để xử lý đúng việc, đúng người, vì không loại trừ có những đối tượng lợi dụng để trốn thuế.
Việc Chính phủ trình cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước (do chậm ban hành 2 nghị định quy định chi tiết về vấn đề này, đã làm cho các tổ chức, cá nhân được cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước không tính được số tiền để thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước) cũng khiến các ĐB băn khoăn. Nếu Quốc hội thông qua sẽ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước gần 5.000 tỷ đồng.
Theo ĐB Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, con số 5.000 tỷ đồng này bằng thu ngân sách của một địa phương. Chúng ta thu thuế của những tiểu thương, ngành hàng nhỏ, nhưng lại buông lỏng việc thu thuế của nhiều DN lớn. Không chỉ là con số 5.000 tỷ đồng mà chính chúng ta sẽ góp phần làm vô hiệu hóa luật. Cần phải thượng tôn pháp luật.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, hiện nay tiền nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách là 42.990 tỷ đồng, chiếm 48,7% tổng số tiền nợ thuế. Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã quy định đầy đủ các đối tượng được xử lý nợ (chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, giải thể, phá sản, bị thiên tai, bất khả kháng...) và các điều kiện xử lý, thẩm quyền xử lý nợ.
Luật có hiệu lực thi hành từ 1-7-2020, nên các khoản nợ phát sinh trước ngày 1-7-2020 không được hồi tố để xử lý. Trong khi đó, Luật Quản lý thuế hiện hành quy định 3 trường hợp được xóa nợ thuế nhưng phải đáp ứng được điều kiện là phải thực hiện tuần tự các biện pháp cưỡng chế nợ và khoản nợ thuế đủ 10 năm. Nhưng hầu hết các khoản nợ hiện nay chưa đủ điều kiện 10 năm nên không được xử lý nợ.
Ngoài ra, đối với các trường hợp người nộp thuế đã chết, đã mất tích, giải thể, phá sản, ngừng hoạt động kinh doanh, thực tế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước nhưng vẫn phải tính tiền phạt và tiền chậm nộp. Số nợ này là nợ ảo, không còn khả năng thu vào ngân sách. Luật hiện hành lại không có quy định khoanh nợ.
Về nội dung của nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, nghị quyết này quy định về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp (gọi chung là xử lý nợ) đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, bao gồm tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan phát sinh trước ngày Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành.
Thẩm tra vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến trong ủy ban nhất trí về sự cần thiết ban hành nghị quyết và dự thảo để thực hiện việc khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không có khả năng nộp ngân sách theo đề nghị của Chính phủ.
Băn khoăn mô hình Sở GDCK Việt Nam
ĐB NGUYỄN THỊ QUYẾT TÂM (TPHCM): Tỷ lệ ngân sách để lại cho các địa phương có dư địa phát triển, trong đó có TPHCM cần được tính toán hợp lý và khoa học để khích lệ sự phát triển. Cân đối ngân sách trung ương cần được tính toán hợp lý hơn trong giai đoạn tới. Tỷ lệ 18% ngân sách để lại cho TPHCM trong giai đoạn vừa qua là quá bất cập, ảnh hưởng đến vai trò đầu tàu của TPHCM đối với nền kinh tế. |
ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) khẳng định, quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính Việt Nam đang thực hiện tiến độ tốt với mô hình hiện tại, vốn hóa thị trường lên đến 5,6 triệu tỷ đồng, trong đó Sở GDCK TPHCM đóng góp trên 85%. Khi xây dựng mô hình sở GDCK cần phải có tính kế thừa những kết quả này. Đề nghị xem xét có thể quy định về Sở GDCK Việt Nam đã được Thủ tướng quy định theo Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 7-1-2019.
Theo đó, Sở GDCK Việt Nam phải hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên với 100% vốn Nhà nước, vì thế, không nên quy định do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.Hiện nay 2 sở GDCK Hà Nội và TPHCM có tư cách pháp nhân độc lập, đang hoạt động và phát triển tốt.
Nếu ghép 2 sở này và tổ chức thành Sở GDCK Việt Nam đặt tại Hà Nội, còn TPHCM là chi nhánh sẽ kìm hãm sự phát triển. Do đó, cần quy định theo hướng Sở GDCK Việt Nam được tổ chức dưới hình thức công ty TNHH một thành viên, 100% vốn nhà nước, mô hình công ty mẹ - con. Các nội dung cụ thể khác sẽ trao Thủ tướng quy định chi tiết.
Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, nên giao Thủ tướng quy định về thẩm quyền phân công, phân cấp quyền và nghĩa vụ của Sở GDCK Việt Nam cho các sở. Do vậy, không cần quy định mô hình mẹ - con. Về đề nghị Sở GDCK Việt Nam nên là công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm 100% vốn, ban soạn thảo sẽ tiếp thu và nghiên cứu.