Thực nghiệm bắn ‘nỏ thần’ từ trên cao: Giải mã bí mật công nghệ vũ khí của quân đội Âu Lạc

(ĐTTCO) -  Tại sao thành Cổ Loa lại được vua An Dương Vương xây dựng theo hình trôn ốc với độ cao lớn? Mỗi lần “nỏ thần” bắn ra cùng lúc có thể giết chết hàng nghìn quân giặc gây ra nỗi kinh hoàng cho quân giặc mà sử sách đã chép lại là nhờ kỹ thuật gì? Nguyên lý vận hành của “nỏ thần” – vũ khí bí mật của quân đội Âu Lạc cách đây hàng nghìn năm là như thế nào?

Những câu hỏi đã tồn suốt một thời gian dài nói trên đã làm đau đầu biết bao nhà khoa học mà vẫn chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng. Nhưng bức màn bí ẩn đó của lịch sử đã và đang dần được vén lên bởi kỹ sư vũ khí Vũ Đình Thanh với các thực nghiệm khoa học có tính thuyết phục.

Tại sao thành Cổ Loa lại xây cao và theo hình trôn ốc?

Thành Cổ Loa gắn liền với sự tích chiếc “nỏ thần” khi vua An Dương Vương định đô xây thành vào thế kỷ thứ III.TCN. Theo truyền thuyết, vua An Dương Vương ngày ấy đã xây thành nhiều lần nhưng đều sụp đổ.

Theo sách “Lĩnh Nam chích quái”, việc xây dựng thành liên quan đến yêu tinh Gà trắng và sự sụp đổ về đêm sau một ngày xây dựng. Sự việc chỉ kết thúc khi có thần Kim Quy xuất hiện và giúp vua diệt trừ. Một truyền thuyết khác thì kể lại rằng, thần Kim Quy xuất hiện và bò quanh nhiều vòng, vua An Dương Vương đã cho xây thành theo dấu chân rùa vàng và từ đó, thành xây không đổ nữa.

Trong khi đó, sách “Đại Việt Sử ký toàn thư” thì ghi rõ ràng: người đời Đường gọi thành Cổ Loa là thành Côn Lôn. Tức có ý muốn nói thành Cổ Loa được xây dựng rất cao.

Theo kỹ sư vũ khí Vũ Đình Thanh, dựa theo sử sách của cả Việt Nam lẫn Trung Hoa chép lại thì có thể khẳng định thành Cổ Loa khi ấy được xây dựng phải rất cao. Sử sách có ghi lại các cuộc chiến đấu giữa quân xâm lược phương Bắc và Âu Lạc được diễn ra chủ yếu trên vùng núi Tiên Du (Tiên Sơn, Bắc Ninh), đến núi Vũ Ninh (Quế Võ, Bắc Ninh), tức là nỏ bắn ở độ cao tới cả 1.000m mà với độ cao đó thì vận tốc mũi tên khi tiếp đất tức là lúc đâm vào kẻ thù sẽ lên tới cả 500m/s tức là xuyên được tất cả mọi giáp sắt thời đó.

Như vậy, có thể thấy độ cao của thành Cổ Loa phải ít nhất như núi Tiên Du hoặc núi Vũ Ninh. Căn cứ vào động năng của mũi tên có thể xuyên táo 10 tên giặc như sử sách ghi lại thì độ cao của thành Cổ Loa lúc ấy phải ít nhất khoảng 250m.

Thành Cổ Loa xây cao theo hình trôn ốc để thuận lợi cho việc kết hợp với sử dụng nỏ thần. Hình minh họa

Thành Cổ Loa xây cao theo hình trôn ốc để thuận lợi cho việc kết hợp với sử dụng nỏ thần. Hình minh họa

Cũng chính vì xây ở độ cao lớn nên ban đầu thành mới hay bị sụp đổ và xây mãi mới xong. Nhưng vấn đề là tại sao thành Cổ Loa lại xây theo hình trôn ốc (loa thành) và kiến trúc xây dựng độc đáo này của tòa thành có mục đích gì? Câu trả lời nằm ở nguyên lý vận hành của chính vũ khí bí mật khi đó của quân đội Âu Lạc: nỏ thần. Hay nói đúng hơn, giữa thành cao hình trôn ốc và nguyên lý di chuyển lẫn vận hành của “nỏ thần” là một sự tương thích, sáng tạo độc đáo về nghệ thuật phòng thủ quân sự lẫn kỹ thuật độc đáo về vũ khí.

Kỹ sư Vũ Đình Thanh giải thích: sở dĩ thành Cổ Loa xây cao theo hình ốc xoáy có 9 vòng vì các vòng ốc có tính chất độc đáo đó là có một con đường độc đạo từ dưới lên trên cao, chính nhờ con đường này mà quân Âu Lạc khi ấy đã đưa được nỏ lên trên cao, đồng thời cũng nhờ có vòng trôn ốc mà có thể thuận tiện để di chuyển nỏ ra nhiều hướng khác nhau để bắn quân thù khi bị tấn công từ nhiều hướng.

Ở góc độ này, thành Cổ Loa chính là một pháo đài phòng thủ kiên cố. Cùng với uy lực của nỏ thần nhờ đặt từ trên cao, khiến kẻ thù không thể tấn công vào thành mà chỉ nhận thất bại. Cuối cùng, phương pháp duy nhất để vô hiệu hóa “nỏ thần” – vũ khí bí mật của quân đội Âu Lạc - mà Triệu Đà tiến hành khi đó là thông qua gián điệp (làm hòa, kết thông gia, cho con trai là Trọng Thủy sang Cổ Loa ở rể) tìm hiểu bí mật về vũ khí lợi hại của quân đội Âu Lạc, sau đó vô hiệu hóa (Trọng Thủy đã đánh tráo lẫy nỏ). Khi đã vô hiệu hóa được thứ vũ khí lợi hại của quân đội Âu Lạc, quân đội của Triệu Đà mới có thể tấn công, chiếm thành. Điều này đã được sử sách chép lại.

Kỹ sư Vũ Đình Thanh cho biết, một điều mà ông thắc mắc nhưng đến nay cũng đã tìm được lời giải đó là nguyên lý vận hành của “nỏ thần” của quân đội Âu Lạc, hay nói đúng hơn là vị trí đặt nỏ.

“Ban đầu tôi nghĩ là nỏ thần chỉ cần bắn chết tướng giặc, bởi chết tướng rồi quân tan, song giả thiết này đặt ra cũng thiếu thuyết phục. Đồng thời, có nhiều người bình luận là nếu nỏ bắn 100m mà họ đứng ở 100m thì cũng chưa hẳn đã có thể bị sát thương. Những bình luận đó không hẳn đã sai, bởi mấu chốt ở đây là nằm ở vị trí bắn. Vì khi đó nỏ được bắn ở độ cao 0, tức là mặt đất, nên tầm bay và độ sát thương của mũi tên không cao. Nhưng nếu nỏ được bắn ở độ cao khoảng 50m thì câu chuyện hoàn toàn khác. Đến đây thì tôi đã tìm được cách tiếp cận mới với bí mật vũ khí nỏ thần, cũng hoàn toàn phù hợp với câu chuyện tại sao thành Cổ Loa lại xây cao, bởi nỏ đặt từ trên cao để bắn xuống”, kỹ sư Vũ Đình Thanh phân tích.

“Vén màn” bí mật vũ khí hàng nghìn năm

Để chứng minh cho nhận định đó của mình là đúng, kỹ sư Vũ Đình Thanh đã tiến hành thực nghiệm khoa học. Cũng từ đây, bức màn bí ấn về “nỏ thần” – công nghệ vũ khí lợi hại của người Việt cách đây hàng nghìn năm đã từ từ được lộ ra. Kết quả thực nghiệm thu được đã chứng minh nỏ thần An Dương Vương khi xưa với “một loạt tên bắn ra có thể giết hàng nghìn quân giặc” là câu chuyện hoàn toàn có cơ sở.

Để có thể tiến hành thực nghiệm khoa học, kỹ sư vũ khí Vũ Đình Thanh cùng các cộng sự đã rất vất vả trong việc tìm kiếm địa điểm với điểm cao (vị trí để đặt nỏ) và khoảng cách đủ xa để có thể kiểm nghiệm kết quả vị trí mũi tên rơi.

Cuối cùng, một tòa nhà bỏ hoang cao 3 tầng cao 12m, đối diện bên kia là một bãi đất trống rộng hàng trăm mét vuông đã được lựa chọn để làm nơi đặt nỏ bắn và khu vực đặt mục tiêu để xác định vị trí mũi tên rơi.

Video về thực nghiệm khoa học bắn "nỏ thần" từ trên cao do kỹ sư vũ khí Vũ Đình Thanh thực hiện. Kết quả đã cho thấy những nhận định giả thiết ban đầu của ông về nguyên lý hoạt động của "nỏ thần" An Dương Vương là chính xác

Kết quả thực nghiệm đã cho thấy, dù chỉ là tòa nhà 3 tầng cao 12m nhưng kết quả thu được đã chứng minh nhận định của kỹ sư Vũ Đình Thanh là chính xác: chùm 11 mũi tên bay xa tới gần 200m, tức là rất xa với sự tưởng tượng của nhiều người chứng kiến. Các mũi tên sau khi vọt lên cao rồi bay xiên xuống đất, theo như tính toán và thực tế video quay được, các mũi tên đó cắm đầu xuống đất sỏi nện đã được gia công làm nền xây dựng, làm tung đất lên, liên tưởng đến viên đạn bắn xuống đất trong phim ảnh.

Không quân Anh, Pháp, Đức thả mũi tên từ máy bay trong Thế chiến I để tấn công đối phương, nhưng ít ai có thể ngờ nguyên lý này đã từng được người Việt xưa sử dụng trong chiến tranh giữ nước từ hàng nghìn năm trước đó

Không quân Anh, Pháp, Đức thả mũi tên từ máy bay trong Thế chiến I để tấn công đối phương, nhưng ít ai có thể ngờ nguyên lý này đã từng được người Việt xưa sử dụng trong chiến tranh giữ nước từ hàng nghìn năm trước đó

“Vận tốc của mũi tên khi tiếp đất sẽ là căn bậc 2 của 2gh trong đó g là gia tốc trọng trường 10m/s2 và h là độ cao. Khi bắn từ độ cao 12m cộng với bắn lên cao 20m tức h=32 m vậy vận tốc sẽ là căn bậc 2 của 640= 25,5 m/s, tức nhanh hơn vận tốc bắn cung olympia và lực rất mạnh”, kỹ sư Vũ Đình Thanh phân tích. Điều này cũng cho thấy, khi bắn giữa vị trí có độ cao là 0 (mặt đất) với vị trí bắn ở độ cao lớn hơn thì lực và khoảng cách mũi tên bay là khác nhau.

“Chỉ ở độ cao 12m, các mũi tên đã phóng nhanh và mạnh như thế thì nỏ thần được đặt trên núi cao hàng trăm mét sẽ có uy lực như sử sách đã ghi rằng “một mũi tên xuyên mười tên giặc” là hoàn toàn có thật”. Bởi càng ở độ cao lớn thì vận tốc mũi tên có tính sát thương càng lớn, có thể lên tới 500 m/s tức là rất mạnh, xuyên mọi giáp sắt thời đó. Nhờ cấu trúc đầu to nên mũi tên đồng Cổ Loa khi bay xuống đất thì phần đầu bao giờ cũng xuống trước”, kỹ sư Vũ Đình Thanh nhận xét.

Điều đặc biệt, theo kỹ sư vũ khí Vũ Đình Thanh, về việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa nguyên lý vận hành “nỏ thần” (bắn từ trên cao) và nguyên lý mũi tên rơi (từ trên cao) đã cho thấy quân đội Âu Lạc đã đi trước thế giới hàng nghìn năm về công nghệ vũ khí này.

Bởi trong Thế chiến thứ I (1914-1918), quân đội các nước tham chiến đã sử dụng nguyên lý mũi tên rơi này để làm vũ khí tấn công đối phương. Các “flechette” - tức là các mũi tên sắt mà không quân các nước lớn Anh, Pháp, Đức sử dụng trong Thế chiến I được thả từ máy bay xuống để tiêu diệt bộ binh và kỵ binh dưới mặt đất.

Loại flechette này có hình dáng kích thước khá tương đồng với mũi tên Cổ Loa từ 2.300 năm trước và cách sử dụng cũng có nguyên lý tương tự, tức là thả từ trên cao xuống và nhờ lực hút của Trái đất mà các mũi tên flechette rơi nhanh dần đều, tiêu diệt những mục tiêu là bộ binh và kỵ binh bên dưới.

Điều đáng tự hào là bí mật công nghệ vũ khí này của quân sự thế giới đã từng được ông cha ta sử dụng trước đó hàng nghìn năm trong các cuộc chiến giữ nước.

Các tin khác