Điều đáng nói là nhiều loại quà vặt như bánh kẹo, đồ ăn nhanh, nước giải khát… có nguồn gốc không rõ ràng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, khả năng rất cao gây ngộ độc cho các em nhỏ.
Trong năm học trước, tại một số địa phương đã xảy ra tình trạng học sinh ăn kẹo không rõ nguồn gốc được bày bán tại các quầy hàng chung quanh trường học hoặc do người lạ phát, sau đó bị ngộ độc. Một số vụ việc tiêu biểu như ngày 27/4, một nhóm học sinh của Trường tiểu học Tân Thành (xã Tân Thành, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) mua một gói kẹo ở ngoài cổng trường, đưa vào cho 18 bạn cùng ăn.
Sau đó, có tám em xuất hiện các triệu chứng như: đau bụng, đau đầu, nôn ói... Ngày 28/3, một nhóm người đến cổng Trường THCS Nguyễn Du, thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) phát nước ngọt, kẹo, bánh miễn phí cho học sinh. Sau khi sử dụng, có hai học sinh của nhà trường có các triệu chứng đau bụng. Trước đó, ngày 10/3, có 10 học sinh lớp 4 Trường tiểu học và THCS phường 3, thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) có biểu hiện bị ngộ độc do ăn và ngậm, thổi kẹo đồ chơi mua tại quầy tạp hóa gần trường...
Mặc dù các lực lượng chức năng đã tổ chức nhiều đợt ra quân lập lại trật tự vỉa hè, chấn chỉnh tình trạng buôn bán hàng rong, quầy hàng bán thực phẩm kém chất lượng, không an toàn trước cổng trường học, nhưng sau một thời gian thì lại đâu vào đấy. Nhiều hàng quán bất chấp đạo đức kinh doanh, vẫn nhập các loại thực phẩm mất an toàn vệ sinh thực phẩm về bán cho các em nhỏ.
Để bảo vệ sức khỏe cho học sinh, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần có các giải pháp quyết liệt hơn để ngăn chặn các quầy hàng chung quanh trường học bán thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và mất an toàn vệ sinh. Các cơ quan, đơn vị thường xuyên tổ chức các đợt ra quân lập lại trật tự vỉa hè; xử phạt nặng đối với các trường hợp có hành vi tái phạm.
Nhà trường, giáo viên chủ nhiệm cần thường xuyên phổ biến, tuyên truyền dặn dò học sinh không mua những đồ ăn vặt, đồ chơi độc hại; hướng dẫn để các em hiểu biết về an toàn vệ sinh thực phẩm để tự bảo vệ, giữ gìn sức khỏe của mình. Các bậc phụ huynh không nên cho các em mang theo tiền đến lớp để đến giờ ra chơi mua đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc bày bán trước cổng trường.
Thay vào đó, mua cho các em những loại thực phẩm có nhãn mác, được quản lý theo tiêu chuẩn chất lượng, thương hiệu rõ ràng. Đối với căng-tin trường học, phải tuân thủ nghiêm túc vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến thức ăn, tuyệt đối không bán đồ ăn, thức uống không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ… Có như vậy mỗi ngày đến trường của các em học sinh mới thật sự là một ngày vui.
Để bảo vệ sức khỏe cho học sinh, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần có các giải pháp quyết liệt hơn để ngăn chặn các quầy hàng chung quanh trường học bán thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và mất an toàn vệ sinh.