Vì vậy, các hồ chứa thủy điện lớn và nhỏ ở miền Bắc hiện có mức trữ rất thấp, chỉ đạt 60% dung tích thiết kế. Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm nay, lượng nước thiếu hụt so với năm ngoái khoảng 7 tỷ m³ và thiếu hụt từ 15%-45% so với trung bình nhiều năm. Ngay cả hồ thủy điện Hòa Bình cũng có lượng nước trữ thấp nhất trong 30 năm qua, kể từ khi đi vào vận hành khai thác, chỉ đạt 56%.
Do thiếu nước nên các nhà máy thủy điện đang phải dè dặt, chắt chiu từng mét khối nước, lượng nước xả ít cộng với tình trạng khô hạn đầu nguồn dẫn đến mực nước trên hệ thống sông Hồng bị hạ thấp chưa từng có. Theo tính toán, ngay cả khi các nhà máy thủy điện chạy hết công suất phát điện trong vụ đông xuân 2019-2020 vẫn không thể dâng mực nước tại trạm thủy văn Hà Nội lên mức 2,2m như yêu cầu (để các trạm bơm có thể hút nước từ hạ lưu sông Hồng vào nội đồng cho bà con gieo cấy lúa).
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, tình trạng thiếu nước ở miền Bắc như hiện nay là 30 năm mới có một lần. Nguyên nhân là do khu vực này mưa rất ít và nước từ thượng nguồn phía Trung Quốc về ít. Theo Bộ NN-PTNT, tuần này, hàng loạt địa phương ở đồng bằng sông Hồng bắt đầu đợt đưa nước ngọt từ sông Hồng vào nội đồng để gieo cấy vụ đông xuân 2019-2020.
Mặc dù khan thiếu nước cho phát điện, nhưng vẫn phải đảm bảo đủ nước tưới cho bà con nông dân. Vì vậy, giữa Bộ NN-PTNT và EVN đã thống nhất lịch xả nước tại 3 nhà máy thủy điện, gồm Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang. Theo đó, từ ngày 18-1, các nhà máy của EVN đã bắt đầu tăng cường phát điện để xả nước về hạ du. Theo kế hoạch của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), thời gian lấy nước đợt 1 sẽ diễn ra trong 4 ngày (bắt đầu từ 0 giờ ngày 20-1 đến 24 giờ ngày 23-1).
Tuy nhiên, theo thông báo từ Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, dù các nhà máy thủy điện tăng cường phát điện thì từ ngày 20 đến 23-1, mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội cũng chỉ duy trì ở mức 1,6m (khó đạt được 2,2m như yêu cầu).
Vì vậy, nhiều trạm bơm tại Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình… sẽ khó tiếp cận nguồn nước nếu không tổ chức khai thác kịp thời. Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, các địa phương phải chỉ đạo quyết liệt để lấy nước từ sớm khi có điều kiện tích trữ, hướng dẫn bà con nông dân không để lãng phí nguồn nước tưới.
Đến nay, EVN cũng đã có thông báo về lịch xả nước, tăng cường phát điện để đảm bảo đủ nước tưới cho hạ du; đề nghị các địa phương khẩn trương khai thác, không để lãng phí.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), ngoài cung cấp nước cho gieo cấy vụ đông xuân 2019-2020, các nhà máy thủy điện trên sông Đà còn phải đảm nhận cả nhiệm vụ xả nước xuống hạ du để cung cấp nước cho Nhà máy nước sông Đà (ở Lương Sơn - Hòa Bình, cung cấp nước cho TP Hà Nội). Dự báo, mùa khô năm nay nguồn nước cho các nhà máy thủy điện sẽ khó khăn hơn mọi năm.