Thủy điện không thể 'mạnh ai nấy xả'

(ĐTTCO)-Trận lũ lớn cuối tháng 11-2021 tại Phú Yên, thời gian nước ngập nhanh với thiệt hại lớn, cho thấy việc vận hành, giám sát hệ thống hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên lưu vực sông Ba bộc lộ nhiều tồn tại lớn.
Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 7-2018 nhằm đảm bảo việc vận hành xả lũ của hệ thống hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn 2 tỉnh Gia Lai và Phú Yên được khoa học, nhịp nhàng, vừa đảm bảo
Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 7-2018 nhằm đảm bảo việc vận hành xả lũ của hệ thống hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn 2 tỉnh Gia Lai và Phú Yên được khoa học, nhịp nhàng, vừa đảm bảo

Nhưng thực tế những trận lũ gần đây đều có sự "góp phần" của thủy điện xả lũ.

"Ôm" không nổi nên cùng nhau xả

Chỉ trong 7 giờ, từ 8h sáng đến 15h chiều 30-11, thủy điện Sông Ba Hạ - thủy điện cuối trong bậc thang sông Ba - đã nâng lượng xả lũ từ 4.000m3/s lên 9.400m3/s, khiến lũ nhanh chóng nhấn chìm nhiều làng mạc, công trình ở hạ du sông trải dài 6 huyện, thị xã, TP của Phú Yên.

Theo giải thích của ông Trần Hữu Thế - chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, từ sáng 30-11, các hồ thủy điện, thủy lợi ở thượng nguồn thuộc tỉnh Gia Lai ồ ạt xả lũ tăng dần. 

Lượng nước lũ về hồ thủy điện Sông Ba Hạ, thủy điện cuối trên bậc thang sông Ba, nên buộc ông phải điều hành thủy điện này tăng nhanh lượng xả lũ để tránh thời điểm thủy triều cao nhất tại TP Tuy Hòa vào tối cùng ngày, sau đó giảm bớt lượng xả để "cứu" hạ du bớt ngập nghiêm trọng hơn.

"Điều chúng tôi hết sức lo lắng là bậc thang bên trên thủy điện Sông Ba Hạ có hệ thống các thủy điện Đăk Srông với các đập lũ tự tràn, không có khả năng cắt lũ, lũ lớn đến bao nhiêu thì tràn về hạ du bấy nhiêu, như vậy rất khó kiểm soát" - ông Thế nói. 

Điều này cũng lý giải được vì sao Gia Lai chỉ vận hành xả lũ 4 hồ chứa tổng lưu lượng 530m3/s vào ngày 30-11, nhưng lượng lũ đổ về hồ thủy điện Sông Ba Hạ lại lên trên 9.000m3/s, thậm chí có lúc lên đến 11.000m3/s.

Kiểm tra tại Phú Yên ngay sau trận lũ này rút đi, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - thứ trưởng Bộ NN&PTNT, phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai - cho rằng các chủ hồ chứa đã không thực hiện nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Ba, đó là quy định khi có dự báo, cảnh báo mưa lũ đặc biệt lớn, thì các hồ chứa thủy điện, thủy lợi phải chủ động xả giảm xuống mực nước có lũ để đón lũ.

Trước đó, ngày 27-11, khi Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai có công điện gửi các địa phương chỉ đạo phòng chống lũ lớn, một số hồ chứa trên lưu vực sông Ba không thực hiện nghiêm việc ngay lập tức xả nước trước để đưa hồ chứa về mực nước đón lũ, dành dung tích hồ phòng lũ. Tất cả các hồ chứa ở cả Gia Lai và Phú Yên đều tích nước đầy ở mực nước dâng bình thường.

"Khi lũ về, các hồ bên trên đồng loạt xả, gây áp lực rất lớn cho thủy điện Sông Ba Hạ là "chốt chặn" cuối cùng trên bậc thang sông Ba. Lúc đó, chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên buộc phải ra lệnh hồ thủy điện Sông Ba Hạ xả ở mức độ rất lớn là 9.400m3/s dù lũ ở hạ du đang dâng cao, nhưng không còn cách nào khác cả" - ông Hiệp nói.

Tại kỳ họp HĐND tỉnh Phú Yên diễn ra từ ngày 7 đến 9-12, ông Huỳnh Lữ Tân - bí thư Thành ủy Tuy Hòa - đề nghị phải chỉ đạo làm rõ vì sao chưa hết mùa mưa mà các hồ chứa thủy điện trên sông Ba lại tích đầy nước như vừa rồi, "truy" trách nhiệm để bồi thường, hỗ trợ và tìm ra giải pháp căn cơ cho câu chuyện thủy điện xả lũ gây ngập lụt nặng hạ du này.

Thủy điện không thể mạnh ai nấy xả - Ảnh 2.

Đồ họa: TUẤN ANH

Giám sát xả lũ, cách nào?

Ông Lưu Trung Nghĩa - giám đốc Sở NN&PTNT, phó trưởng ban thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai - nói rằng đối với những lần xả lũ lớn trước đây của các hồ chứa thuộc Gia Lai, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh này có báo cho Phú Yên. 

"Còn vừa rồi 4 hồ chứa trên này chỉ xả tổng lưu lượng 530m3/s nên chúng tôi thông báo theo cơ chế chủ hồ" - ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cũng thừa nhận rằng lâu nay Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai chỉ nhận được đề xuất về lưu lượng sẽ xả lũ của các chủ hồ, sau đó sẽ hội ý hội đồng tư vấn để thống nhất cho xả bao nhiêu, thời điểm nào chứ bản thân ông không giám sát chính xác lượng nước lũ về bao nhiêu, xả đi bao nhiêu, có hay không xin ít xả nhiều.

"Sau trận lũ vừa rồi, trong cuộc họp trực tuyến với Bộ NN&PTNT, tôi đã đề xuất cần sớm trang bị đồng bộ phần mềm giám sát việc xả lũ của các hồ thủy lợi, thủy điện để cơ quan quản lý, vận hành xả lũ biết được chính xác lượng lũ đến, lũ đi" - ông Nghĩa cho biết thêm.

Cũng theo ông Nghĩa, trong quy trình vận hành liên hồ chứa đã được phê duyệt, Gia Lai có 9 hồ, nhưng có 5 hồ thủy điện nhỏ Đắk Srông thì Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh không "quản" được lượng xả vì những thủy điện này không có cửa xả lũ, mà nước lũ về bao nhiêu thì tự tràn qua đập và đổ về hạ du.

Theo ông Trần Hữu Thế, để việc phối hợp thông tin vận hành xả lũ liên hồ sắp tới tốt hơn, Phú Yên sẽ sớm có kế hoạch họp với lãnh đạo UBND hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk. 

Sở NN&PTNT phối hợp với Sở TT&TT số hóa bản đồ ngập lụt của tỉnh, xây dựng app điện thoại di động cung cấp cho người dân, để khi có cảnh báo xả lũ lưu lượng bao nhiêu thì vùng nào bị ngập, trong thời gian mấy giờ, để dân chủ động thông tin và di dời tài sản, sơ tán tránh lũ an toàn.

Trong khi chờ đợi những sự đổi thay cần có thời gian dài hơn, ông Lê Tấn Hổ - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên - đề nghị sắp tới cần kiên quyết đối với các chủ hồ. 

Theo đó, cảnh báo mưa, lũ ở mức bao nhiêu, phải xả nước trước để hồ nào cũng đảm bảo dung tích phòng lũ. Phải cử người đi kiểm tra việc xả lũ đón lũ đó, rồi khi vận hành xả lũ cũng phải kiểm tra xem họ xả có chính xác lưu lượng đó hay không.

"Chủ tịch UBND tỉnh còn phải báo cáo cho trung ương để có chỉ đạo phối hợp liên hồ cả lưu vực sông Ba tại Gia Lai nữa, chỉ có vậy mới giảm ngập lụt cho hạ du hiệu quả được" - ông Hổ đề xuất.

Thủy điện không thể mạnh ai nấy xả - Ảnh 3.

Thủy điện Đắk Mi 4 (tỉnh Quảng Nam) xả lũ lưu lượng 2.000m3/s tháng 11-2020 - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

 

Những trận lũ lớn do thủy điện xả lũ tại Phú Yên

* Ngày 3-11-2009: Do ảnh hưởng cơn bão số 11, thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ với lưu lượng lớn nhất 14.450m3 làm mực nước các sông Ba lên rất nhanh, gây lũ lụt lớn ở hạ du khi nước sông Ba tại Củng Sơn và tại Phú Lâm đều vượt báo động cấp 3 từ 1,45-4,15m.

* Từ ngày 1 đến ngày 3-11-2010: Do mưa lớn nên các thủy điện Sông Ba Hạ, Sông Hinh, Krông H’năng đều xả lũ, với thủy điện Sông Hinh là 2.700m3/s, Sông Ba Hạ là 6.120m3/s và Krông H’năng là 2.008m3/s. Hạ du sông Ba ngập lụt vượt báo động cấp 3 từ 0,11-0,35m.

* Từ ngày 5 đến ngày 11-11-2010: Lưu lượng xả lớn nhất ở thủy điện Sông Ba Hạ là 4.468m3/s, Sông Hinh: 2.500m3/s, Krông H’năng: 1.000m3/s làm lũ sông Ba xấp xỉ báo động cấp 3.

* Từ 17 đến 19-11-2010: 3 thủy điện nêu trên xả lũ. Lũ sông Ba gần đạt báo động cấp 3.

* Ngày 3-11 và ngày 13-12-2016: Các thủy điện trên sông Ba xả lũ, nên hạ lưu sông lũ lên vượt báo động cấp 3, trong đó đợt 1 vượt 07-1,35m, đợt 2 vượt 0,31-0,8m, gây ngập lụt diện rộng nhiều nơi.

* Ngày 30-11-2021: Thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ lưu lượng lớn nhất 9.400m3/s, thủy điện Sông Hinh: 2.054m3/s. Lũ sông Ba vượt báo động cấp 3 từ 1,11 đến 4,22m, gây ngập nhanh, ngập sâu và diện rộng tại 6 huyện, thị xã, TP của Phú Yên.

* Ông Nguyễn Hoàng Hiệp (thứ trưởng Bộ NN&PTNT, phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai):

Xây thêm hồ thủy lợi để tăng dung tích cắt lũ

Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Ba hiện nay nghiêng về an toàn hồ đập mà chưa nghiêng về cắt giảm lũ hạ du.

Toàn bộ lưu vực sông Ba rộng 13.000km2, trong đó 280 hồ chứa thủy lợi, thủy điện có dung tích chứa tới 1,6 tỉ m3, nhưng chỉ có 6 hồ có thiết kế cắt giảm lũ với tổng dung tích 530 triệu m3. Dung tích cắt lũ này là quá nhỏ, hầu như không cắt lũ nổi.

Có 2 giải pháp xử lý tồn tại trong xả lũ liên hồ gây ngập lụt.

Thứ nhất là phải tính toán lại quy trình vận hành xả lũ liên hồ chứa ở toàn bộ lưu vực sông Ba, tính toán chi tiết là hồ nào xả vào lúc nào để cắt lũ bớt cho các hồ bậc thang bên dưới và xả phải xen kẽ nhau...

Thứ hai là Bộ NN&PTNT nghiên cứu nâng dung tích hồ chứa, giao một số hồ thủy điện xây mới các hồ thủy lợi để tăng dung tích cắt lũ lên tối thiểu phải 1 tỉ m3 mới có thể cắt lũ lâu dài cho hạ du.

Phải làm rõ trách nhiệm vụ xả lũ gây ngập lụt

Kết thúc phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Phú Yên khóa VIII ngày 9-12, bà Cao Thị Hòa An - phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên - cho biết nhiều đại biểu tại kỳ họp cho rằng các hồ thủy điện, thủy lợi trên bậc thang sông Ba đồng loạt xả lũ dồn dập mà chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong việc vận hành liên hồ chứa khu vực sông Ba thuộc 2 tỉnh Phú Yên và Gia Lai.

Người dân cũng không được thông báo đủ thời gian cần thiết để chủ động phòng tránh lũ.

"HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tiếp thu ý kiến của các đại biểu, chỉ đạo rà soát đánh giá làm rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan, làm rõ trách nhiệm để chấn chỉnh, khắc phục. Đồng thời sớm quan tâm các giải pháp hỗ trợ người dân vùng bị thiệt hại, ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất..." - bà An nói.

Đồng thời đề nghị UBND tỉnh này kiến nghị với Chính phủ chủ trì, tổ chức cuộc họp liên tỉnh để làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan, khắc phục những bất cập của quy trình vận hành xả lũ liên hồ chứa.

Trong đợt lũ từ ngày 30-11 đến 2-12, Phú Yên bị thiệt hại nặng với 8 người chết, 58.000 ngôi nhà bị ngập, nhiều hệ thống thủy lợi, giao thông... hư hỏng nặng, tổng thiệt hại ước khoảng 440 tỉ đồng.

Các hồ chỉ tham gia cắt, giảm lũ...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngô Mạnh Hà - phó cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ TN&MT - cho biết từ năm 2010 đến nay, Bộ TN&MT đã xây dựng và hoàn thiện 11 quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông lớn, quan trọng.

Tại khu vực miền Trung, các lưu vực như sông Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn - Hà Thanh và sông Ba được vận hành theo cơ chế liên hồ đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu thiệt hại do mưa, lũ gây ra đối với khu vực hạ du các lưu vực sông lớn.

Bộ TN&MT cũng quy định các hồ phải dành một dung tích cố định, khoảng 1,27 tỉ m3 và lớn nhất là 2 tỉ m3 của các hồ trên 5 lưu vực sông nêu trên.

Tuy nhiên, các hồ chứa ở khu vực này có quy mô, năng lực điều tiết nước không lớn nên chỉ có thể tham gia cắt, giảm lũ chứ không thể chống lũ được.

"Tổng dung tích hữu ích các hồ chứa chỉ vào khoảng 4,59 tỉ m3, chỉ chiếm khoảng 15% tổng lượng dòng chảy mùa lũ trên 5 lưu vực sông nêu trên. Và với điều kiện địa hình dốc, mưa lũ tập trung nhanh, cộng với điều kiện mưa lũ kéo dài, việc kiểm soát lũ là tương đối khó khăn" - ông Hà thông tin.

Các tin khác