Sau vụ tranh chấp và kiện tụng kéo dài ở Trường Đại học Hùng Vương, ngành giáo dục lại tiếp tục nổi sóng với sự kiện Trường Đại học Hoa Sen tổ chức đại hội cổ đông bất thường để thay đổi Hội đồng quản trị và Ban giám hiệu. Những màn đấu khẩu và giằng co giữa các thế lực trong nội bộ Trường Hoa Sen không hẳn vì quyền lợi sinh viên hay vì triết lý giáo dục, mà chủ yếu giải quyết bài toán tiền bạc.
Khởi điểm là Trường Nghiệp vụ tin học và quản lý Hoa Sen, rồi thành Trường Cao đẳng bán công Hoa Sen năm 1999 và nâng cấp lên Đại học Hoa Sen năm 2006. Mọi chuyện rắc rối khi Đại học Hoa Sen chọn mô hình tư thục với tài sản định giá ban đầu khoảng 13 tỷ đồng và… bán 39% cổ phiếu ra xã hội. Các nhà đầu tư quan trọng góp vốn vào có thể kể đến Saigon Co.op, Khách sạn Sài Gòn, Công ty chứng khoán TPHCM - HSC, Công ty iConnect…
Với uy tín đi lên, tài sản của Đại học Hoa Sen cũng lớn thêm. Năm 2013 cổ đông của Hoa Sen được chia cổ tức lên đến 20%. Và cuộc đại hội cổ đông bất thường tổ chức ngày 2-8-2014 đã có không ít ý kiến xoay quanh vấn đề số vốn tích lũy 119 tỷ đồng bị cho là cố ý giấu doanh thu. Một khi môi trường giáo dục chấp nhận luật chơi đóng góp tài chính để phân chia lời lỗ sẽ khó tránh khỏi xung đột. Và một khi trường đại học cũng được xem như một công ty, những bộ óc kinh doanh sẽ chi phối toàn bộ sự phát triển. Ý niệm “giáo dục phi lợi nhuận” ở Đại học Hoa Sen dường như đã đứng trước nguy cơ đổ vỡ.
Những người không là cổ đông của Đại học Hoa Sen chứng kiến mâu thuẫn ở đơn vị giáo dục này chỉ biết thở dài ngao ngán. Thật khó trách giận ai, vì không người nào bỏ tiền đầu tư lại muốn thất thoát hoặc hao hụt. Có buồn là buồn vì nước ta chưa có những tỷ phú thực sự tâm huyết với giáo dục. Nghĩa là, họ không màng đến chuyện kiếm thêm đồng ra đồng vào từ khoản tài chính đã rót vào trường đại học, mà chỉ quan tâm đến hiệu quả đào tạo thế hệ tương lai.
Quá trình hội nhập đang cần nguồn nhân lực chuyên nghiệp. Hệ thống giáo dục đại học vẫn còn nhiều bất cập. Nếu không có chính sách hợp lý, tiền bạc sẽ tiếp tục len vào giảng đường. Khi những nhà đầu tư giáo dục kèn cựa nhau từng xu lợi nhuận, sinh viên lấy gì để tin cậy vào giáo trình và đạo lý. Thật khó dự đoán những hệ lụy phía trước, nếu vội vàng xem giáo dục như một ngành công nghiệp không khói với những nhà đầu tư tỉ mẩn sốt ruột thu chi.