'Tiên ông' bước ra từ cổ tích

(ĐTTCO) - PGS Nhà giáo ưu tú Chu Xuân Diên vừa bước vào tuổi cửu tuần. Ông được xem là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian hàng đầu nước ta.

PGS. Chu Xuân Diên với đồng nghiệp các thế hệ.
PGS. Chu Xuân Diên với đồng nghiệp các thế hệ.

Không chỉ góp phần đặt nền móng, định hướng, giải quyết những vấn đề về văn học dân gian, văn hóa dân gian và văn hóa, ông còn có công dịch thuật, đào tạo nhiều thế hệ sinh viên trưởng thành từ Bắc chí Nam.

Mê tục ngữ và say cổ tích từ thầy Chu Xuân Diên

Người nhỏ thó. Bước đi nhẹ nhàng thanh thoát. Gương mặt thanh tú đôn hậu. Mắt sáng. Vầng tráng cao. Dáng tiên ông đạo cốt. Đó là hình ảnh thầy Chu Xuân Diên ở trong tôi từ thuở sinh viên. Sau bao năm giờ gặp lại mừng thầy thượng thọ 90 tuổi, hình ảnh ấy vẫn còn đậm nét như từ… cổ tích ở trong tôi.

Dù thời gian bào mòn sức lực, thầy yếu đi nhiều nhưng vẫn còn đó sự tinh anh của một bậc giáo sư đạo cao đức trọng, một chuyên gia nghiên cứu văn hóa dân gian học hàng đầu, một trí thức uyên bác làm việc không biết mệt mỏi và tận hiến.

Từ khi còn là cậu học trò ở quê nhà Phú Yên, tôi đã mê đắm cuốn Tục ngữ Việt Nam do Chu Xuân Diên biên soạn chung với Lương Văn Đang và Phương Tri. Điều gây cho tôi thích thú là phần tác giả Chu Xuân Diên nghiên cứu, phân tích, giải thích nội dung và sự mâu thuẫn của nhiều câu tục ngữ, sự phân biệt giữa tục ngữ và thành ngữ với những luận điểm khác nhau của các nhà khoa học.

Cuốn sách mở ra trong tôi một chân trời mới từ những điều gần gũi mà mẹ tôi hay đúc kết thành một câu tục ngữ hay thành ngữ sau những câu chuyện đời thường. Về sau tôi mới biết công trình Tục ngữ Việt Nam là một trong những dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp nghiên cứu văn học dân gian của ông.

chu-xuan-dien-1-668.jpg

Năm 1987, tôi vào học năm thứ nhất Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp TPHCM. Đây cũng là năm tác phẩm Tuyển tập truyện cổ tích Việt Nam do Chu Xuân Diên chủ biên xuất bản. Lần đầu tiên sinh viên chúng tôi được đọc truyện cổ tích từ di sản tổ tiên một cách có hệ thống.

Đọc say mê. Đọc có khi quên giờ lên lớp. Thú vị hơn, 2 năm sau, chúng tôi lại được đọc công trình nghiên cứu Truyện cổ tích dưới mắt các nhà khoa học của Chu Xuân Diên, do chính Trường Đại học Tổng hợp TPHCM ấn hành năm 1989. Cuốn sách mở rộng tầm nhìn, mang lại nhiều kiến thức mới mẻ về truyện cổ tích thế giới bằng những góc nhìn khác nhau của các nhà khoa học và từ sự phân tích sắc sảo, cách hành văn lôi cuốn của thầy Chu Xuân Diên.

“Trong gia tài truyện cổ tích của mỗi dân tộc, có phần sáng tạo riêng của dân tộc đó, có những cốt truyện riêng của dân tộc đó. Nhưng trong gia tài truyện cổ tích của mỗi dân tộc còn có những cốt truyện có tính chất quốc tế, nghĩa là những cốt truyện mà một số dân tộc khác, thậm chí hầu hết các dân tộc trên thế giới cũng đều có”. Nhà nghiên cứu Chu Xuân Diên đã viết như vậy và ông minh chứng bằng những truyện cổ tích quen thuộc với người Việt Nam.

Chẳng hạn, truyện Tấm Cám của nước ta lại vốn phổ biến trên toàn thế giới mà nhiều nước gọi bằng cái tên Cô Tro Bếp hoặc Cô Lọ Lem, với hơn 500 dị bản. Và chỉ riêng ở Việt Nam, ngoài truyện Tấm Cám của người Việt còn có khá nhiều cốt truyện tương tự của các dân tộc thiểu số anh em: Mông, Chàm, Tày, Nùng, Thái, Hơ Rê, Sơ Rê…

Hay truyện Nói dối như Cuội, theo thống kê của 2 nhà bác học Johannes Bolte người Đức và Georg Polivka người Czech từ năm 1915 hơn 50 nước khắp các châu lục có cốt truyện tương tự. Còn ở nước ta, ngoài truyện Nói dối như Cuội của người Việt còn có cốt truyện tương tự của các tộc người Mường, Tày, Gia Rai, Hơ Rê, Sê Đăng, Khmer…

Hình ảnh người thầy mang dáng “tiên ông đạo cốt”

Dù tôi không theo chuyên ngành văn học dân gian nhưng hình ảnh bậc thầy Chu Xuân Diên “tiên ông đạo cốt” vẫn luôn sống động trong tôi với tất cả sự kính trọng. Tình cảm ấy của tôi đối với thầy tự nhiên như đối với các thầy cô cao niên khác của ngành Ngữ văn: Hoàng Như Mai, Lê Đình Kỵ, Cao Xuân Hạo, Nguyễn Lộc, Trần Thanh Đạm, Mai Cao Chương, Nguyễn Tri Tài, Nguyễn Khuê, Nguyễn Khắc Thi, Nguyễn Đức Dân, Đinh Lê Thư, Nguyễn Thị Hoa, Huỳnh Như Phương, Võ Văn Nhơn, Lê Tiến Dũng…

Trong bài viết Nhà nghiên cứu Chu Xuân Diên từ năm 2010, Nguyễn Xuân Kính đã cho biết: “Chu Xuân Diên là người mê nhạc cổ điển, có nguyện vọng được nghiên cứu và giảng dạy văn học nước ngoài. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp đại học, ông lại được phân công giảng dạy văn học dân gian.

Điều dễ nhận thấy là, trong hơn bốn chục năm qua, cùng với bước đi của ngành, ông luôn luôn là một trong số ít người đứng ở vị trí đề xuất hoặc góp phần giải quyết những vấn đề lý luận về văn học dân gian nói riêng, về văn hóa dân gian nói chung. Ông thuyết phục mọi người bằng vốn tri thức phong phú, bằng sự cập nhật những thông tin mới”.

Nhà nghiên cứu văn học dân gian Nguyễn Ngọc Quang, nguyên Trưởng khoa Ngữ văn và Báo chí Trường Đại học Khoa học Xã hội-Nhân văn TPHCM, cho rằng trong sự nghiệp nghiên cứu, giảng dạy đại học và sau đại học của thầy Chu Xuân Diên đã truyền lửa cho hàng ngàn sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh, mà không ít người đã thành giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ.

Cũng theo ông Quang: “Các công trình của PGS. Chu Xuân Diên, như những ai có dịp học hoặc đọc đều nhận thấy có ý nghĩa khoa học, đánh dấu những giai đoạn trong khoa nghiên cứu văn hóa dân gian và văn học dân gian ở nước ta cũng như của chính sự nghiệp nghiên cứu khoa học của ông. Với những đóng góp trong khoa học và giáo dục đại học gần nửa thế kỷ qua, PGS. Chu Xuân Diên thực sự là một trong những chuyên gia thuộc những thế hệ đầu trong lĩnh vực văn hóa, văn hóa dân gian của nền khoa học nước nhà”.

Chu Xuân Diên sinh năm 1934 tại tỉnh Bắc Ninh, tốt nghiệp ngành Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội khóa đầu tiên (1956-1959) và được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy văn học dân gian.

Năm 1984, ông được Nhà nước phong học hàm Phó Giáo sư, sau đó là Nhà giáo ưu tú. Đến năm 1986, PGS. Chu Xuân Diên chuyển vào Nam giảng dạy tại Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp TPHCM cho đến khi nghỉ hưu năm 2000, chuyển sang làm Chủ nhiệm Khoa Văn hóa học Trường Đại học Dân lập Văn Hiến.

PGS. Chu Xuân Diên đã xuất bản hơn 20 công trình, tiêu biểu như: Giáo trình văn học dân gian (biên soạn chung, 2 tập - 1972, 1973); Tục ngữ Việt Nam (biên soạn chung- 1975); Sáng tác thơ ca dân gian Nga (dịch chung, 2 tập - 1983); Tuyển tập truyện cổ tích Việt Nam (biên soạn chung - 1987); Truyện cổ tích dưới mắt các nhà khoa học (1989); Văn hóa dân gian (folklore) và phương pháp nghiên cứu liên ngành (1995); Cơ sở văn hóa Việt Nam (2002); Tuyển tập V.IA. Propp (dịch chung, 2003-2005); Mấy vấn đề về văn hóa và văn học dân gian Việt Nam (2004); Nghiên cứu văn hóa dân gian: Phương pháp, lịch sử, thể loại (2008)…

Các tin khác