Tiếng rao trong đêm khuya khoắt là nỗi vất vả, là sự chịu thương, chịu khó, là tiếng lòng của những người phụ nữ mưu sinh, mong có thêm thu nhập lo cho gia đình và các con.
Khi thành phố lên đèn, Hà Nội khoác lên mình vẻ trầm mặc, tĩnh lặng, khác với sự huyên náo, nồng nhiệt ban ngày. Hà Nội về đêm là những ánh đèn đường vàng vọt, là những con phố dài lặng thinh không một bóng người. Và đây cũng là thời điểm tiếng rao đêm của các bà, các mẹ vang lên.
“Ai ăn xôi, bánh khúc đây. Xôi xéo, xôi lạc, xôi dừa, đỗ đen, bánh khúc đây” đã trở thành thanh âm quen thuộc của những người sống ở Hà Nội. Bất kể là đêm hay ngày, tiếng rao ấy luôn được cất lên.
Không biết từ bao giờ, mối lo cơm, áo, gạo, tiền lại trở thành gánh nặng khiến những người phụ nữ này lại quên đi ngày 20/10, ngày dành cho chính họ.
Với đồ nghề đơn giản là một chiếc xe đạp cũ kỹ, cùng với một chiếc thúng tre chất đầy những thức quà nào là bánh khúc, đủ các loại xôi… chị Nguyễn Thu Thủy (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) lại rong ruổi trên mọi con đường, ngõ ngách Hà Nội.
Ngày nào cũng vậy, chị Thủy luôn trong guồng quay của công việc. Một ngày chị chia làm 2 ca bán hàng sáng, tối. Buổi sáng bắt đầu từ 4h đến 9h, còn buổi tối từ 17h đến 1h đêm ngày hôm sau, thời gian còn lại chị lại chuẩn bị nguyên liệu để đồ xôi và dành chút thời gian chợp mắt. Tất cả thức quà này đều do một tay chị làm. Ấy vậy mà chị không biết mệt. Với chị, niềm vui đơn giản là bán sạch hàng.
“Tôi ngủ khoảng 2 tiếng buổi trưa và 2 tiếng buổi tối. Làm nhiều thành quen, cũng không thấy mệt nữa. Cứ bán được hàng lại thấy vui, hết mệt”, chị Thủy chia sẻ.
Mối tối, chị Thủy đồ khoảng 6kg gạo nếp làm xôi và 30 chiếc bánh khúc, còn sáng bán 3-4kg xôi, chục quả bánh khúc. Những ngày đắt hàng chị được về sớm, những hôm ế, chị mong đêm thật dài để còn nán lại bán thêm.
Ngày nào chị Thủy cũng bán đến 1h sáng mới về
Những khu vực nào tập trung nhiều các bạn trẻ hay chợ búa là chị Thủy có mặt. Ngày lãi nhiều nhất là khoảng 150.000 -200.000 đồng. Với chị, số tiền này vừa đủ, bù lại cho những hôm ế hàng.
Gần 20 năm buôn bán bánh khúc và xôi dạo, nhất là bán đêm hôm tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Rút kinh nghiệm, chị chọn cho mình những cung đường lớn và có nhiều ánh đèn đường.
“Đã có lần, tôi gặp phải dân nghiện mua hàng, sau đó bùng tiền, nhưng tôi chẳng dám đòi. Thế nên, thay vì đi vào những ngõ ngách nhỏ, không ánh đèn đường, tôi thường chọn những cung đường lớn để buôn bán”, chị Thủy nói.
Ở ngã 3 đường Trần Phú – Nguyễn Văn Lộc là điểm bán bánh khúc nóng quen thuộc của chị Nguyễn Thị Hiền (Mỹ Đức, Hà Nội). Thay vì đi khắp các ngõ ngách, chị nghĩ rằng nên tạo một điểm bán quen thuộc, để khách quen chỉ cần ra đoạn đường này là thấy chị.
12h đêm, khi con đường tấp nập Trần Phú (Hà Đông) lặng tiếng xe cộ và người qua lại. Những ánh đèn đường cũng dần tắt lịm, chị Hiền vẫn ngồi ở đó, bên cạnh chiếc xe đạp rách và thúng hàng đã chuẩn bị sẵn là lúc chị bắt đầu bán hàng đêm.
Góc bán hàng quen thuộc của chị Nguyễn Thị Hiền
Chị Hiền tâm sự “Tôi và chồng lên Hà Nội làm ăn, ở quê chẳng có ruộng nương mà cấy cày nữa. Để có tiền nuôi 2 đứa con ăn học, chồng đi làm thợ, còn tôi làm bánh khúc bán. Tôi ngồi ở điểm bán hàng này lâu lắm rồi, dù chẳng lời lãi là bao, nhưng âu đây cũng là công việc mà mình thạo và thêm chút thu nhập đỡ đần gia đình”.
Bánh khúc ở Hà Nội thường có giá 15.000 đồng, nhưng chị Hiền chỉ bán 10.000 đồng/bánh. Thế nên người mua hàng cũng thường tìm đến chị. Đêm hôm đi chơi hay đi làm về muộn, khách hàng thường ghé điểm bán bánh khúc và xôi lạc của chị để mua.
Dù là ngày lễ, chị Thủy, chị Hiền và cả những người phụ nữ đang vất vả mưu sinh ngoài kia vẫn cần mẫn với công việc. Khi được hỏi về kỷ niệm nhớ nhất trong ngày 20/10, các chị cũng chỉ lắc đầu, cười xòa. Bởi với các chị, ngày đó cũng là ngày quá đỗi bình thường. Ngày lễ đó không có hoa, không có quà, vẫn là ngày chị đồ xôi, nấu bánh khúc để bán hàng. Niềm vui duy nhất chính là bán đắt hàng, là nhìn thấy các con vui khỏe, chăm ngoan học hành.