Theo ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM, năm học 2022-2023, TPHCM tăng khoảng 21.825 học sinh. Đây chỉ là con số dự kiến, vì kinh nghiệm của những năm trước cho thấy sau ngày tựu trường, thậm chí sau ngày khai giảng, học sinh vẫn tiếp tục đến lớp và các nhà trường vẫn tiếp tục nhận học sinh.
Ông Minh cho biết mỗi năm TPHCM tăng khoảng 40.000 học sinh, tập trung nhiều ở bậc tiểu học. Thực trạng này chủ yếu ở một số quận huyện đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, kéo theo tình trạng dân số cơ học tăng cao, như TP Thủ Đức, quận 12, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn…
Chẳng hạn năm học 2022-2023, quận Bình Tân sẽ có thêm 4.400 học sinh so với năm trước. Tính ra, mỗi năm quận phải xây dựng thêm ít nhất 3 trường mới với quy mô 30 phòng học/trường mới đáp ứng được chỗ học như mong muốn.
Trước tình hình trên, các quận, huyện của TPHCM phải giải quyết bằng nhiều cách khác nhau. Những phương cách thường thấy là tăng thêm sĩ số cho mỗi lớp. Theo quy chuẩn của Bộ GD-ĐT mỗi lớp có 35 học sinh, nhưng nay với không gian như thế phải nhồi số đầu học sinh lên đến 50-60.
Một cách khác là tổ chức thêm lớp mới, giảm tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày xuống để dành chỗ cho các lớp mới thành lập này. Nhưng cách thức này gặp khó vì các trường thiếu giáo viên, do một phần các trường không được tăng thêm biên chế, phần khác số giáo viên nghỉ việc tăng nhanh; ngoài ra trường thành lập lớp mới thiếu giáo viên làm chủ nhiệm, trước mắt là thiếu giáo viên nhạc, họa, thể thao.
Một cách thức khác được đề cập đến là cho học sinh học vào ngày thứ bảy và chủ nhật. Nhưng như thế sẽ gặp phản ứng của phụ huynh và Quốc hội phải sửa Luật Giáo dục.
Vấn đề quan tâm nhất ở đây là làm sao tăng được không gian học cho học sinh, tức xây thêm trường mới, lớp mới. Việc xây trường mới, lớp mới ở các quận nội thành cũ (14 quận) là vô cùng nan giải, vì đất trống dành cho giáo dục đã hết không xây trường mới được (trong khi cho khách sạn, cao ốc lúc nào cũng có?).
Bởi lẽ, xây trường mới không chỉ là các phòng học, còn phải có các công trình phụ, đảm bảo mỗi đầu học sinh 12-16m2. Việc xây thêm lớp mới cũng nan giải không kém, vì các trường nội thành đều có khuôn viên nhỏ, nếu xây thêm không còn chỗ chơi cho các cháu.
Trước tình hình này Hà Nội và TPHCM đều tính đến các giải pháp tạm thời và hướng đến căn cơ hơn. Đó là, các trường có khuôn viên nhỏ có thể làm thêm lớp tạm bằng cách xây thêm lớp học bằng nhà thép tiền chế, loại nhà này xây dựng nhanh, tháo dỡ nhanh và giá thành rẻ. Có thể làm 2 đến 3 tầng, tầng trệt hoàn toàn để trống cho học sinh có chỗ chơi, tập thể dục và các sinh hoạt tập thể.
Hoặc các trường cần tính đến phương án bỏ các dãy lớp học trệt (trường nào cũng có), chuyển sang thành nhà cao tầng, có thể xây nhiều khối nhà mới với nhiều tầng có thang máy. Phương án này là tái cấu trúc lại các trường học theo hướng “nén” và hiện đại, tuy phải bỏ ra chi phí lớn nhưng đổi lại trong khuôn viên trường có giới hạn nhưng chứa thêm được nhiều học sinh và có nhiều không gian chức năng dành cho các hoạt động khác nhau. Đây là phương án hoàn toàn khả thi, chỉ cần 0,5ha là có thể thực hiện được việc tái cấu trúc này.
Ở khu vực nội thành TPHCM về cơ bản vẫn giữ các trường cũ trước 1975, nhưng ở Hà Nội đã tiến hành xây dựng các trường mới, khang trang trên nền trường cũ.
Một phương án khác căn cơ hơn và phổ biến ở một số TP các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã thực hiện. Đó là xây các khu trường học lớn cho hàng ngàn học sinh với đầy đủ tiện nghi. Điều quan trọng nhất của giải pháp này là xuất phát từ quan điểm bỏ việc xây dựng trường học phục vụ một địa bàn và học sinh đi học theo địa bàn dân cư truyền thống, mà xây dựng các khuôn viên trường học lớn (campus), không tính đến đơn vị hành chính hay lãnh thổ. Sau nữa là chuyển việc xây dựng trường học truyền thống có quy mô nhỏ sang tổ hợp giáo dục có quy mô lớn, đa chức năng phục vụ cho cả một vùng.
Hãy hình dung như sau: TPHCM tìm một khu đất lớn chừng 4-5ha ở Bình Tân hay Hóc Môn, rồi tiến hành xây dựng khu trường học cho 15.000- 20.000 học sinh tiểu học, trung học cơ sở. Đây sẽ là tổ hợp nhà cao tầng hiện đại, có hệ thống lớp học, các công viên, hồ bơi, thư viện, phòng thí nghiệm, phòng thực hành, sân thể thao, nhà ăn công nghiệp…
Kiểu học tập trung này có rất nhiều lợi ích là tiết kiệm được đất, nguồn lực xây trường học tập trung, không bị phân tán nhỏ lẻ, việc điều phối giáo viên trong việc dạy thuận tiện, học sinh ở bất kỳ đâu trong TP có quyền học ở đây không phụ thuộc vào hộ khẩu, địa bàn. Điều quan trọng là cần có hệ thống xe bus đưa đón học sinh theo điểm gom để cha me yên tâm gửi con vào học. Đồng thời, cần có một bộ máy quản lý chuyên nghiệp cho khu đô thị học sinh này đảm bảo các tiêu chí an toàn, tiện ích, xanh, sạch, đẹp.
Nếu có dịp đến các nước phát triển trên thế giới, chúng ta thấy hình ảnh mỗi sớm mai học sinh tiểu học tự ra bến xe bus đón học sinh đến trường không cần đến cha mẹ đưa rước. Chúng học tập, sinh hoạt trong các trường có đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục toàn diện.
TPHCM và Hà Nội có thể làm được không? Chắc chắn làm được và phải đi theo hướng này mới giải quyết một cách căn cơ bài toán sĩ số gia tăng hàng năm. Tuy nhiên, muốn làm được mô hình này, lãnh đạo TP phải có tầm nhìn xa, có quyết tâm chính trị cao và quyết tâm dành đất cho giáo dục và đầu tư thích đáng về nhân lực, tài chính cho những khu đô thị giáo dục lớn (School town). Nếu không tính đến chỉ 5 năm nữa không còn đất cho xây trường và chuyện cơi nới lớp học, tăng sĩ số sẽ vẫn là “điệp khúc” hàng năm không bao giờ chấm dứt.