Thị trường tiếp tục điều chỉnh trong tuần giao dịch cuối cùng của năm 2022 với thanh khoản sụt giảm và thấp hơn mức trung bình của 20 phiên gần nhất. Điều này phản ánh tâm lý nghỉ Tết dương lịch sớm của nhà đầu tư.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 13,25 điểm (-1,3%) xuống 1.007,09 điểm, trái lại HNX-Index tăng rất nhẹ 0,01 điểm và chốt năm ở mức 205,31 điểm.
Giá trị giao dịch trên sàn HoSE giảm 34,4% so với tuần trước đó và đạt 45.855 tỷ đồng tương ứng khối lượng giao dịch 2.574 triệu cổ phiếu, giảm 35,8%. Giá trị giao dịch trên HNX là 4.594 tỷ đồng, giảm 26,4% với khối lượng 322 triệu cổ phiếu, giảm 28,2%.
Khối ngoại mua ròng tuần thứ tám
Theo báo cáo từ Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội, thị trường điều chỉnh trong tuần qua khiến cho phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu đều sụt giảm.
Theo đó, nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu giảm mạnh nhất với 2,1% giá trị vốn hóa. Với các cổ phiếu tiêu biểu thuộc ngành tài nguyên cơ bản, như HPG (-1,9%), HSG (-2,1%), NKG (-1,2%)... và ngành hóa chất, như DGC (-0,2%), DCM (-4,7%), CSV (-1,6%)...
Kế đến là nhóm cổ phiếu dịch vụ tiêu dùng giảm mạnh thứ hai với 2% giá trị vốn hóa, chủ yếu do sự sụt giảm của các doanh nghiệp thuộc ngành bán lẻ, như MWG (-6,3%), FRT (-2,8%), DGW (-4,2%)...
Diễn biến giao dịch theo ngành:
(Nguồn: SHS)
Ngoài ra, nhóm tài chính giảm 1,6% giá trị vốn hóa, trong đó các cổ phiếu thuộc ngành bất động sản đều giảm, như NVL (-7,3%), HPX (-9,8%), VIC (-2,4%)... và ngành chứng khoán cũng đi xuống với SSI (-3,3%), HCM (-5,7%), VND (-3,6%), VCI (-2,9%)...
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng mất 1,2% giá trị vốn hóa đồng thời gây nên áp lực cho thị trường chung, các mã tiêu biểu như CTG (-1,4%), TCB (-6,3%), VPB (-2,5%), MBB (-3,7%), ACB (-3,9%)..., cộng thêm các cổ phiếu hàng tiêu dùng (-0,9%) và công nghệ thông tin (-0,6%) có mức giảm nhẹ hơn.
Lội ngược dòng nước, nhóm cổ phiếu dược phẩm và y tế (+1%) và dầu khí (+0,8%) đi lên.
Ông Nguyễn Đình Thắng, chuyên viên phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội, cho biết trong tuần, các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng tuần thứ tám liên tiếp trên hai sàn với tổng cộng giá trị mua ròng đạt gần 2.284 tỷ đồng. Trong đó, mã chứng khoán HPG được mua ròng nhiều nhất với 19,9 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là STB và VND lần lượt 11 triệu cổ phiếu và 9,1 triệu cổ phiếu. Trong khi, PDR là mã chứng khoán bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với 8,2 triệu cổ phiếu.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 1/2023 phân kỳ so với chỉ số cơ sở VN30 trong phiên cuối tuần tăng khá mạnh, qua đó thu hẹp mức cơ bản âm xuống còn 0,69 điểm.
Theo ông Thắng, động thái này cho thấy các nhà đầu tư đang kỳ vọng thị trường sẽ hồi phục trong tuần đầu tiên của năm mới.
VN-Index giữ mốc hỗ trợ tâm lý 1.000 điểm
Phiên giao dịch cuối cùng trong năm 2022 kết thúc với sự giảm điểm nhẹ, VN-Index chốt năm ở mức 1.007,09 điểm và giảm 491,19 điểm (- 32,78%) trong cả năm.
Như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2022 chủ yếu vận động trong xu hướng giảm điểm và kết thúc năm VN-Index vẫn chưa thoát khỏi kênh xu hướng trung hạn này.
“Kết thúc một năm giao dịch đầy biến động với kết quả kém khả quan nhưng ở những tuần cuối năm chúng tôi nhận thấy một số tín hiệu tích cực bắt đầu hình thành để có thể hy vọng thị trường bước vào năm mới 2023 với kỳ vọng khả quan,” ông Thắng nói.
Trên cơ sở đó, ông Thắng chỉ ra các nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng, nhiều cổ phiếu chủ chốt đã bước vào giai đoạn tích lũy chờ thời cơ. Thêm vào đó, VN-Index giữ được mốc hỗ trợ tâm lý 1.000 điểm và có thể hy vọng thị trường sẽ thoát được kênh điều chỉnh trong thời gian tới nếu VN-Index tiếp tục vận động trên 1.000 điểm thêm một thời gian nữa.
Ông Thắng đánh giá, phiên giao dịch cuối cùng của năm dương lịch đã kết thúc đồng thời thị trường chứng khoán cũng sắp có kỳ nghỉ tết âm lịch trong thời gian ngắn sắp tới. Với những diễn biến như hiện tại, VN-Index chưa có nhiều cơ hội trong ngắn hạn, thậm chí đang vận động trong kênh điều chỉnh trung hạn.
“Nên, khả năng VN-Index giảm điểm vẫn có thể xảy ra, do đó với nhà đầu tư ngắn hạn giai đoạn này nên hết sức cẩn trọng trong việc giải ngân, cơ hội tích lũy chỉ đến khi VN-Index tiếp tục duy trì được trên 1.000 điểm thêm một khoảng thời gian nữa để thoát khỏi kênh điều chỉnh xuống,” ông Thắng nói.
Trên bình diện quốc tế, thị trường chứng khoán toàn cầu đã khép lại một năm đầy sóng gió. Những đợt tăng lãi suất liên tiếp và quyết liệt của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cộng thêm lạm phát cao dai dẳng và tình trạng thị trường đầu cơ giá xuống trên các thị trường phái sinh, đã khiến các chỉ số chứng khoán lớn điêu đứng suốt cả năm.
Ông Nghiêm Phú Cường, chuyên viên Phòng nghiên cứu khách hàng cá nhân - Khối nghiên cứu Thị trường trong nước, Công ty Chứng khoán MB, cho biết thị trường chứng khoán kết thúc năm 2022 với mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Nhịp sụt giảm mạnh do tác động của rủi ro chính sách, lạm phát cao và mức độ nghiêm trọng của khủng hoảng thanh khoản. Song, điểm sáng của thị trường lại thuộc về khối ngoại khi họ quay lại mua ròng hơn 1,2 tỷ USD sau 2 năm bán ròng liên tiếp.
Về kỹ thuật, ông Cường nhận định VN-Index chủ yếu dao động trong xu hướng đi ngang trong vòng 1 tháng qua với ngưỡng hỗ trợ là đường trung bình động 50 ngày. Trong tuần đầu tiên của năm mới, dự báo thanh khoản trên thị trường sẽ tiếp tục ở mức thấp với khả năng thị trường sẽ kiểm định lại mức đáy tháng 12 ở vùng 986 điểm.
(Nguồn: MBS)
“Trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ và thanh khoản tiếp tục sẽ ở mức thấp, báo cáo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong quý 4 sẽ là tín hiệu để nhà đầu tư lấy làm căn cứ cho quyết định giải ngân trong giai đoạn đầu năm. Mặt khác, các nhà đầu tư cân nhắc lựa chọn cơ hội ở các cổ phiếu trong nhóm ngành lớn, như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thép, dầu khí, điện…với xu hướng giao dịch chờ thông tin kết quả kinh doanh,” ông Cường nói.
Mặt bằng giá cổ phiếu về mức hấp dẫn
Với góc nhìn trung và dài hạn, sau một năm vận động trong xu hướng đi xuống, mặt bằng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán đã giảm mạnh và trở nên hấp dẫn hơn.
Theo ông Thắng, trong năm tới, thị trường sẽ còn phải đối diện với nhiều thách thức như lãi suất tăng cao, nguồn tiền rẻ cạn dần, kinh tế toàn cầu vẫn chưa có tín hiệu tích cực..., song mặt bằng giá cổ phiếu đã chiết khấu về mức hấp dẫn như hiện tại cũng mở ra những cơ hội đầu tư nắm giữ trung và dài hạn.
Việc lựa chọn danh mục cổ phiếu đầu tư trung dài hạn cần tiến hành cẩn trọng và kỹ lưỡng, nhà đầu tư nên tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, các cổ phiếu dẫn đầu ngành và vẫn duy trì được tăng trưởng lợi nhuận và tiếp tục có kỳ vọng tăng trưởng trong năm tới.
“Như vậy, thị trường kết thúc một năm giao dịch không khả quan nhưng những tín hiệu tích cực đã dần xuất hiện trong giai đoạn giao dịch cuối năm. Điều này mở ra hy vọng trong năm mới 2023, thị trường chứng khoán sẽ vận động tích cực hơn và đem đến cơ hội giải ngân cho nhà đầu tư ngắn và trung, dài hạn,” ông Thắng kỳ vọng.
Về điều này, ông Cường đánh giá thị trường năm 2023 sẽ tập trung nhiều vào câu chuyện “dòng tiền khi nào sẽ trở lại” trong bối cảnh tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp sẽ gặp thách thức do kinh tế thế giới suy thoái, trong nước lãi suất tăng, điều kiện tài chính thắt chặt hơn và chi phí đầu vào cao. Tuy nhiên, lợi nhuận của các ngân hàng thương mại đang ổn định hơn, do được hỗ trợ bởi “nhu cầu” tín dụng mạnh và nguồn thu lớn hơn từ các dịch vụ.
Song, ông Cường cũng lưu ý về khoản 515.000 tỷ đồng trái phiếu phi ngân hàng sẽ đáo hạn trong 2 năm tới. Mặc dù tổng dư nợ trái phiếu không quá cao so với tín dụng toàn hệ thống, nhưng lãi suất tăng và hạn chế về thanh khoản sẽ ảnh hưởng đến bảng cân đối của các nhà phát triển bất động sản trong thời gian tới. Và, VN-Index dự báo đạt 1.200 điểm năm 2023 trong kịch bản cơ sở.
Mới đây, Tổ chức J.P. Morgan công bố báo cáo phân tích về triển vọng đầu tư chứng khoán ASEAN năm 2023. Theo đó, hai thị trường được ưa thích trong khu vực ASEAN năm tới là Việt Nam và Indonesia. Cụ thể, các ngành được đánh giá cao là công nghệ thông tin, ngành hàng tiêu dùng và những ngân hàng có chất lượng tốt và vốn mạnh, tuy nhiên nhóm vật liệu và năng lượng không được đánh giá cao.