Nhận “nhiệm vụ” hưởng tiền lời
Liên tục trong những ngày vừa qua, nhiều người sử dụng thiết bị di động có hệ điều hành iOS tại TP.HCM nhận được nhiều tin nhắn mang nội dung như nhau. Chị H.Khanh (Q.3, TP.HCM) cho biết gần đây, ước tính mỗi ngày có hơn chục tin nhắn chào mời “đổ bộ” vào Macbook của chị mà không có cách nào ngăn chặn. Nội dung tin nhắn: “Xin chào, bạn có muốn tìm công việc bán thời gian không?
Với mức lương 5 triệu - 30 triệu 1 tháng, mỗi ngày ít nhất 500k không phí phụ thu. Công việc đơn giản, làm tại nhà. Nếu bạn muốn tham gia với công việc này xin hãy liên hệ ngay với Zalo ID: 849027xxxxx dưới 23t xin vui lòng không tham gia. Sao chép liên kết vào trình duyệt: https://zalo.me/849027xxxxx 1 đến 1 dịch vụ”. Hầu hết các tin nhắn chỉ khác nhau ở số điện thoại để liên hệ qua Zalo.
Lừa đảo qua tin nhắn vẫn đang tấn công người dùng. M.P - T.X |
Thử liên hệ với một số điện thoại từ tin nhắn nêu trên thì được giới thiệu là nhân viên tư vấn khách hàng của một tập đoàn hiện đang sở hữu lượng khách hàng đông đảo trên nhiều lĩnh vực. Nhân viên này cho biết, trong năm nay để phát triển cho ứng dụng mới phát hành, tập đoàn này đã tổ chức 1 sự kiện chạy data lưu lượng khách hàng truy cập và giao dịch trên nền tảng sắp phát hành.
Công việc của người tham gia sẽ là tải ứng dụng của tập đoàn trên và đăng ký tài khoản để giúp nhà phát hành tăng lượng đăng ký. Sau đó, hằng ngày sẽ được tham gia nhận nhiệm vụ của nhà phát hành với mức hoa hồng hấp dẫn trong suốt quá trình sự kiện diễn ra.
Cụ thể, khách hàng phải mua 1 gói nhiệm vụ có giá trị là 150.000 đồng, 300.000 đồng và 500.000 đồng, tương ứng lần lượt với gói Nhiệm vụ A khi hoàn thành sẽ rút được tiền ở mức 220.000 đồng; Nhiệm vụ B khi hoàn thành sẽ rút được tiền ở mức 400.000 đồng và Nhiệm vụ C khi hoàn thành rút được 650.000 đồng. Một người có thể nhận 3 lượt làm nhiệm vụ trong 1 ngày. Nhưng làm xong lượt nào thì rút lượt đó và nhận nhiệm vụ tiếp theo thì nạp tiếp và làm trong suốt quá trình diễn ra. Khi hỏi “nhiệm vụ là gì”, người này chỉ nói “rất dễ nhưng phải tham gia thử thì mới biết”…
Như vậy, giả sử một người cứ bỏ ra 500.000 đồng để thực hiện Nhiệm vụ C thì thu về là 650.000 đồng, mức lãi kiếm được là 150.000 đồng. Giả sử một ngày thực hiện đủ 3 lần nhiệm vụ, số tiền kiếm được là 450.000 đồng, tương ứng 10 ngày kiếm được 4,5 triệu đồng. Nhưng hoàn toàn chưa biết khi nào quá trình này sẽ chấm dứt.
Hay gần đây cũng xuất hiện tin nhắn có nội dung giới thiệu tuyển dụng từ các trang thương mại điện tử lớn. Ví dụ, một tin nhắn nêu: “Mình là giám đốc marketing của Tiki, hiện tại cửa hàng Tiki cần tuyển số lượng lớn nhân viên chuyên đặt hàng để nâng cao số lượng giao dịch và thứ hạng của cửa hàng.
Chỉ cần có kinh nghiệm mua sắm trực tuyến, mỗi ngày bạn có thể dễ dàng kiếm 800.000 đồng bằng điện thoại di động và tiền lương sẽ được quyết toán ngay trong ngày. Nếu bạn muốn tham gia công việc này vui lòng add tài khoản Zalo của giám đốc marketing: 847023xxxxx”; “Thời gian rảnh rỗi anh chị có muốn tham gia kiếm tiền cùng S. không. Không cần vốn mỗi ngày kiếm lợi nhuận từ 30.000 - 3 triệu. Mời anh chị vào tham khảo ạ!”...
Trả lời Thanh Niên, đại diện bộ phận hỗ trợ nhà bán hàng trên Tiki khẳng định: “Tiki không liên quan các cá nhân như Nguyễn Hoài Phương - người tự xưng là Giám đốc Marketing Tiki trong các tin nhắn mạo danh gửi đến điện thoại người dân gần đây. Đây hoàn toàn là hình thức mạo danh sàn thương mại điện tử để lừa đảo và lợi dụng tín nhiệm”.
Lừa đảo mạo danh vẫn nở rộ
Ngoài những tin nhắn lôi kéo người dùng qua chiêu có thêm việc làm, tăng thu nhập như trên thì những vụ lừa đảo mạo danh các dịch vụ điện nước, bảo hiểm xã hội, cho vay tiêu dùng… vẫn liên tục diễn ra. Sáng sớm ngày 29.11, anh Nguyễn An Thuyên (TX.Sơn Tây, TP.Hà Nội) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ, tự xưng là nhân viên Công ty điện lực Hà Nội.
Người này thông báo, gia đình anh Thuyên tháng 4 có lắp đồng hồ điện nhưng còn nợ tiền chưa thanh toán. Tổng chi phí lắp đặt là 58 triệu đồng. Nếu không thanh toán sớm, công ty sẽ cắt điện của hộ gia đình. Người này còn đọc đầy đủ họ tên, năm sinh và số chứng minh nhân dân của anh Thuyên. Điều đáng nói là gần đây gia đình anh có liên hệ công ty điện lực nhờ kéo dây nên vụ liên lạc này rất khó để phân biệt thật giả… Rất may, anh Thuyên cảnh giác nên lật tẩy trò lừa đảo này mà không mất tiền.
Một chiêu lừa khác cũng nhắm vào những người đang gặp hoàn cảnh khó khăn sau dịch Covid-19 cần sự trợ giúp. Đó là trường hợp anh L.X.B (Q.4, TP.HCM) được đối tượng mời chào qua Zalo vay theo hình thức mở thẻ tín dụng nội địa VietCredit. Anh được yêu cầu tải app có tên “TinVietCredit.apk”, điền các thông tin cá nhân để được đăng ký mở thẻ. Để hồ sơ vay được duyệt, kẻ lừa đảo đề nghị anh L.X.B chuyển 40 triệu đồng tiền phí bảo lãnh ban đầu, sau khi hồ sơ được duyệt vay thì số tiền này sẽ được trả lại. Anh L.X.B đã chuyển số tiền trên theo tài khoản kẻ gian cung cấp. Sau đó, anh nhận được một đơn duyệt khoản vay sẽ được chuyển về ví điện tử nhưng kẻ gian cũng gây khó dễ cho hay thông tin bị sai nên cần phải chỉnh sửa, phí chỉnh sửa 40 triệu đồng. Lúc này, anh L.X.B mới nghi ngờ thì kẻ gian đã trốn mất.
Tại TP.HCM, từ tháng 7 đến nay, Trung tâm chăm sóc khách hàng Tổng công ty điện lực TP.HCM đã nhận gần 600 cuộc gọi của khách hàng phản ánh việc có số điện thoại lạ, giả danh nhân viên của Tập đoàn điện lực VN, Tổng công ty điện lực TP.HCM thông báo nợ tiền điện với giá trị lớn, vi phạm sử dụng điện, đe dọa cắt điện và yêu cầu cung cấp thông tin, đóng tiền… Cơ quan điện lực khẳng định tất cả những cuộc gọi như vậy đều giả danh nhân viên điện lực để lừa đảo.
Công ty tài chính CP Tín Việt (VietCredit) cho biết ứng dụng “TinVietCredit.apk” là giả mạo để chiếm đoạt tài sản từ người đi vay. Công ty tài chính Fe Credit cũng thông tin ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa còn ghi nhận một số trường hợp người dân vì cần gấp khoản tiền trang trải cuộc sống trong lúc dịch bệnh đã tin vào chiêu lừa “nhận tiền trợ cấp”, cung cấp toàn bộ giấy tờ tùy thân, thậm chí đi cùng đối tượng lừa đảo đến cửa hàng điện máy và trực tiếp ký vào các giấy tờ “nhận tiền trợ cấp” mà không biết thực chất đó chính là hồ sơ vay trả góp các thiết bị điện tử, di động. Đối tượng sau đó bán các tài sản mua được từ hồ sơ vay đứng tên nạn nhân và chiếm đoạt số tiền của công ty tài chính.
Cách đây hơn 1 tuần, chị N. (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã bị kẻ gian lừa lấy mất hơn 625 triệu đồng trong tài khoản sau khi nhận được tin nhắn giả mạo bảo hiểm xã hội để xác nhận thông tin nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp. Cũng trùng hợp là chị đang chờ tin nhắn xác nhận từ trang web của cơ quan bảo hiểm xã hội để đăng nhập và kiểm tra thông tin hướng dẫn cho người lao động trong công ty nên sau khi nhận tin nhắn giả mạo chị đã đăng nhập vào đường link gửi kèm và đã bị mất tiền ngay…
Ông Ngô Tuấn Anh, Phó giám đốc phụ trách an ninh mạng, Tập đoàn Bkav, nhận xét các hình thức, thủ đoạn lừa đảo từ trước đến nay thường dựa vào tình hình thông tin xã hội, kinh tế để xây dựng kịch bản đánh vào sự cả tin nhẹ dạ của nhiều người. Vì vậy, người dân nên hết sức cảnh giác vì kẻ gian liên tục thay đổi hình thức để đánh vào tâm lý, làm mất cảnh giác để lừa tiền.