Tính cách của người may mắn

(ĐTTCO) - “Những người may mắn thường gặp được bạn đời hoàn hảo, đạt được những điều mong muốn trong cuộc sống, tìm thấy sự nghiệp viên mãn và sống một cuộc đời hạnh phúc và ý nghĩa. 
Tính cách của người may mắn
Thành công của họ không phải do làm việc đặc biệt chăm chỉ, tài năng xuất chúng hay đặc biệt thông minh. Thay vào đó, họ dường như có khả năng kỳ lạ là có mặt đúng nơi, đúng lúc và tận hưởng nhiều hơn số phần may mắn của họ”.
Phát hiện thú vị này đã được GS. tâm lý học người Anh Richard Wiseman thuộc Đại học Hertfordshire (Anh), chia sẻ trong phần mở đầu cuốn sách “The Luck Factor” (tạm dịch: Yếu tố may mắn) mà ông là tác giả, sau khi dành hơn thập niên để thực hiện cuộc khảo sát và nghiên cứu trên hàng trăm cá nhân trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề, độ tuổi khác nhau để tìm hiểu về quy luật may mắn của con người.
Theo GS. Wiseman, những người may mắn thường tin rằng những cơ hội họ gặp được là kết quả của sự may rủi thuần túy. Nghiên cứu của ông cho thấy những cơ hội có vẻ may rủi này là kết quả của mẫu hình tâm lý những người may mắn. Cách suy nghĩ và hành xử của họ khiến họ có nhiều khả năng hơn những người khác khi đứng trước những cơ hội tình cờ trong cuộc sống. Ông khám phá ra những kỹ thuật những người may mắn sử dụng để tối đa hóa vai trò những cơ hội dường như may rủi trong cuộc sống của họ. Ông cũng nhận ra rằng khả năng “ở đúng nơi, vào đúng lúc” tùy thuộc vào việc người đó có ở trạng thái tâm trí phù hợp hay không. 
Tính cách của người may mắn ảnh 1 Mô hình 5 chiều kích của tính cách con người
Những phát hiện trong công trình nghiên cứu của GS. Wiseman càng thú vị hơn, khi chúng ta liên hệ với sự kiện xảy ra cuối tháng 2 vừa qua có 2 người may mắn là bé gái 2 tuổi - cư dân của một chung cư ở Hà Nội - và người thanh niên lái taxi tải chở hàng Nguyễn Ngọc Mạnh. Khi phát hiện bé gái bất ngờ bò từ trong nhà, trèo ra lan can và treo mình lơ lửng ở tầng 12, một số người dân ở tòa nhà bên cạnh đã hô hoán. Đúng lúc này, Mạnh tình cờ có mặt ở gần đó, không chút do dự anh trèo lên tường rào leo lên mái tôn dốc và tìm cách cứu bé. Trong lúc ngước lên phía trên để đoán điểm rơi của cháu bé, anh đã trượt té vì mái tôn trơn. Khi lùi lại phía sau thì bé rơi xuống, anh rướn người đến phía trước, tay chạm được vào bé. Lực rơi quá mạnh khiến em bé đè vào tay anh rồi nảy bật lên, bản thân anh cũng ngã xuống, sau đó anh lao đến phía bé gái, ôm lấy bé rồi đưa xuống mặt đất...
Cháu bé sống sót là điều may mắn nhưng nếu xem kỹ lại các đoạn băng video ở các góc nhìn khác nhau, chúng ta sẽ thấy Mạnh cũng là người may mắn. Điều gì sẽ xảy ra nếu cháu bé rơi xuống trúng người, trúng vùng đầu cổ Mạnh, mà theo tính toán của nhiều giáo viên vật lý, trọng lực rơi ít nhất cũng phải vài trăm kg? Nhưng nếu Mạnh không kịp leo lên mái tôn, cháu bé có thể sẽ tiếp tục rơi từ mái tôn xuống mặt đất và đó có thể là kết cục bi thương. Đến đây, có lẽ phát hiện trong công trình nghiên cứu của GS. Wiseman sẽ giúp chúng ta hiểu được phần nào tình huống diễn ra: Mạnh ở trong trạng thái tâm trí của người muốn tận dụng cơ hội cứu người, dù xác suất thành công rất thấp. Anh đã nhanh chóng leo lên mái tôn, nhìn lên cao để tính toán điểm rơi của cháu bé. Mạnh đã trượt té. Mạnh có thể sai lầm. Mạnh có thể chết vì nỗ lực cứu người của mình. Nhưng anh đã may mắn, ở đúng vị trí, vào đúng thời điểm…       
Các khảo sát của GS. Wiseman cho thấy khả năng của một cá nhân nắm bắt cơ hội trong cuộc sống và trở nên may mắn tùy thuộc rất nhiều vào tính cách của người này. Những người có xu hướng suy nghĩ và hành xử giống nhau được cho có tính cách giống nhau và để tìm hiểu tính cách của người may mắn, ông đã dựa vào mô hình 5 chiều kích của tính cách con người, được nhiều nhà tâm lý học đúc kết và thống nhất trong nhiều thập niên qua. Những chiều kích này đã được tìm thấy ở cả người trẻ và người già, ở nam giới và phụ nữ và trên nhiều nền văn hóa khác nhau.
Chiều kích đầu tiên GS. Wiseman khảo sát được gọi là "Tính dễ chịu" (chữ A trong mô hình). Đây là thước đo đánh giá mức độ người nào đó có thiện ý và sẵn sàng giúp đỡ người khác. Điều thú vị là người may mắn không được điểm cao hơn trong chiều kích A so với người không may mắn. Chiều kích thứ 2 là Sự tận tâm (C), thước đo mức độ người có kỷ luật tự giác, ý chí mạnh mẽ và quyết tâm. Phải chăng những người may mắn gặp nhiều vận may hơn bởi họ làm việc chăm chỉ hơn những người không may mắn? Nhưng một lần nữa, có rất ít sự khác biệt trong điểm khảo sát chiều kích C của những người may mắn và người không may mắn.
Tuy nhiên, các nhóm người được GS. Wiseman khảo sát đạt được những điểm số rất khác nhau về 3 chiều kích còn lại. Nghiên cứu của ông thấy người may mắn đạt điểm cao hơn nhiều so với người không may mắn trong chiều kích “Hướng ngoại” (E). Người hướng ngoại hòa đồng hơn nhiều so với người hướng nội. Họ thích dành thời gian đi thăm bạn bè và đi dự tiệc, có xu hướng bị thu hút bởi những công việc liên quan đến làm việc với người khác. Người hướng nội hướng về phía bên trong nội tậm nhiều hơn. Họ hạnh phúc khi dành thời gian cho riêng mình và cảm thấy mãn nguyện khi tham gia các hoạt động đơn độc hơn, chẳng hạn như đọc một cuốn sách hay.
Những người may mắn rất giỏi trong việc xây dựng sự an toàn và gắn bó lâu dài với những người họ gặp. Họ rất dễ làm quen và hầu hết mọi người đều thích làm bạn với họ. Họ có xu hướng tin tưởng và hình thành mối quan hệ thân thiết với người khác. Kết quả, họ thường giữ liên lạc với số lượng lớn người tự do và đồng nghiệp hơn những người không may mắn, và mạng lưới bạn bè này giúp thúc đẩy cơ hội trong cuộc sống của họ.
Khảo sát của GS. Wiseman cũng cho thấy người may mắn cư xử theo cách tối đa hóa các cơ hội may mắn trong cuộc sống và không bao giờ bỏ cuộc. Có khi họ chỉ cần lần gặp gỡ tình cờ để thay đổi cuộc đời của mình và của người khác. Và đó là trường hợp của chàng thanh niên Nguyễn Ngọc Mạnh đã may mắn có mặt đúng nơi, đúng lúc để làm một việc ý nghĩa cho cộng đồng và xã hội, cứu được một sinh mạng và trở thành tấm gương sáng để nhiều người noi theo. 

Các tin khác