Tình hình kinh tế vĩ mô chưa có nhiều điểm sáng, quá trình tái cấu trúc nền kinh tế (bao gồm tái cấu trúc đầu tư công, tái cấu trúc DNNN và tái cấu trúc ngân hàng) vẫn chưa có nhiều chuyển biến vì đây là những vấn đề mang tính chiến lược dài hạn...
Đã thế từ đầu năm đến nay, NĐT liên tiếp đón nhận những thông tin tiêu cực như số lượng doanh nghiệp phá sản, hàng tồn kho tăng cao, giá trị sản xuất công nghiệp và tăng trưởng GDP thấp, báo động nợ xấu và thanh khoản ngân hàng, một số lãnh đạo cấp cao của ngân hàng thương mại bị khởi tố do dính dáng đến việc kinh doanh trái phép...
Đây là những nguyên nhân chính để giải thích cho tình trạng lình xình của TTCK trong thời gian qua. Bối cảnh vĩ mô quyết định đến hoạt động vi mô, nên khi còn đó những thông tin tiêu cực kể trên thì giá trị giao dịch trầm lắng trên TTCK cũng là điều dễ hiểu.
Thời điểm này NĐT nên tính đến đầu tư trong dài hạn. Ảnh: LÃ ANH |
NĐT hẳn đã quen thuộc với triết lý của NĐT huyền thoại Warren Buffett (người Hoa Kỳ): "Hãy tham lam khi thị trường sợ hãi và hãy sợ hãi khi thị trường tham lam". Nghĩa là lúc thị trường thuận lợi, thăng hoa vẫn ẩn chứa rủi ro, nguy cơ khôn lường, còn lúc thị trường khó khăn lại xuất hiện cơ hội cho những NĐT biết “đãi cát tìm vàng”.
Những thông tin tiêu cực quá lớn đã lấn át khiến cho NĐT quên đi rằng vẫn còn đó những khía cạnh tích cực như lạm phát đã giảm rõ rệt (dự kiến 9% cho cả năm - đang nằm trong tầm kiểm soát) so với mức lạm phát 18,58% năm 2011; tỷ giá ổn định quanh mức USD/VNĐ = 21.000 đồng; dự trữ ngoại hối 9 tháng năm 2012 trên 20 tỷ USD so với mức 9 tỷ USD cuối năm 2011, thể hiện tiềm lực tài chính quốc gia đang tăng; thông tin xử lý vi phạm trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng ngày càng nhiều cho thấy những kẽ hở của pháp luật, cơ chế giám sát, quản lý còn lỏng lẻo, nhưng nhìn theo khía cạnh tích cực thể hiện quyết tâm chính trị để dẹp bỏ các "nhóm lợi ích"... Các diễn biến tích cực này là tiền đề để ổn định kinh tế vĩ mô, TTCK cũng theo đó mà phát triển.
Hiện tại, TTCK Việt Nam đang ở giai đoạn khó khăn, mất dần sự quan tâm của mọi người, các nhà đầu cơ giao dịch kiếm lợi trong ngắn hạn, thực hiện bán khống làm mất ổn định thị trường. Nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp hoạt động tốt, không ngừng tăng trưởng, kinh doanh có lợi nhuận ổn định hàng năm, nợ phải trả/nguồn vốn ở mức thấp hay vừa phải, giá thị trường thấp hơn giá trị sổ sách, chỉ số P/E thấp.
Thí dụ, CP BBC (CTCP Bibica) BCTC tại thời điểm 30-9-2012 thể hiện tỷ lệ nợ phải trả/nguồn vốn là 25,6%, giá trị sổ sách là 36.461 đồng, trong khi giá thị trường cùng thời điểm là 14.800 đồng, giá thị trường ngày 14-11-2012 là 16.000 đồng. Về lý thuyết, nếu CTCP Bibica không hoạt động kinh doanh mà bán tài sản theo giá trị sổ sách vào thời điểm 30-9-2012, NĐT đã có tỷ suất sinh lợi là 146,3%. Đầu tư là kiếm lời khi mua chứ không phải khi bán đã thể hiện rõ ở CP BBC.
Tương tự, giá thị trường/giá trị sổ sách < 1 đang diễn ra ở nhiều CP như AGF, BHS, DQC, KDC, REE, ABT, DHG, IMP... Đây chính là cơ hội cho NĐT dài hạn.
Theo quan điểm của tôi, NĐT đầu tư vào chứng khoán thời điểm này mới đúng bản chất của NĐT. Cần phải theo dõi thông tin, tình hình tài chính, am hiểu về doanh nghiệp, chấp nhận mạo hiểm bỏ vốn đầu tư và chờ đợi thời gian lâu dài để thu hồi vốn và lợi nhuận.
Tỷ suất sinh lợi dao động từ 20%/năm trở lên là NĐT đã hài lòng vì gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng lãi suất chỉ có 13%/năm kỳ hạn 13 tháng. Đã qua rồi cái thời NĐT tranh nhau mua CP dễ dàng kiếm lợi qua từng ngày, tỷ suất sinh lợi lên tới 200-500%/năm, chẳng khác nào chơi trò đỏ đen, làm gì có kiểu đầu tư nào dễ dàng hái thành quả như vậy mà tồn tại lâu dài.