Tổ chức đi học khi trường học an toàn

(ĐTTCO) - Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, cho rằng nếu hết tháng 4-2020 mà điều kiện thuận lợi thì có thể tổ chức đi học vào giữa tháng 5-2020 với điều kiện trường học đáp ứng tiêu chí an toàn trước dịch Covid-19. 

Ngoài ra, TPHCM cũng cần tính toán lộ trình nới lỏng các yêu cầu tụ tập đông người. Song, để các hoạt động ở TPHCM trở lại bình thường trong bối cảnh các nước vẫn có dịch thì người dân thành phố tiếp tục góp sức giữ cho TPHCM không có dịch.

 Chiều 13-4, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức buổi giao ban trực tuyến về tình hình phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.

Tham dự tại điểm cầu Thành ủy TPHCM có các đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy.

Tại điểm cầu UBND TPHCM có các đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19; Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: Tổ chức đi học khi trường học an toàn ảnh 1Cuộc họp giao ban trực tuyến về tình hình phòng chống dịch bệnh Covid-19 chiều 13-4, tại điểm cầu Thành ủy TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Sản xuất phải đảm bảo an toàn

Phát biểu chỉ đạo tại buổi giao ban, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhận định, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục cảnh giác.

Theo đồng chí, thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh như ngăn chặn nguy cơ lây lan từ bên ngoài, phát hiện và cách ly kịp thời các trường hợp có nguy cơ trong nước và thực hiện phòng ngừa tích cực (đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay, giãn cách xã hội).

Kết quả này đến từ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đúng đắn và đặc biệt là sự tham gia tích cực của toàn dân. Trong kết quả này, TPHCM đã đóng góp rất quan trọng.Cùng với đó, từ khi phát sinh dịch bệnh đến nay có 38 tỉnh - thành (chiếm 60%) của cả nước chưa có người mắc Covid-19. Nếu tính các trường hợp có người mắc và được điều trị khỏi bệnh thì hiện nay có 45 tỉnh - thành (chiếm 71%) không còn người mắc.

Lúc cao điểm, TPHCM có 54 người mắc và trong bệnh viện lúc cao điểm có 42 bệnh nhân (hiện nay còn 14 bệnh nhân đang điều trị trong bệnh viện). Song, trong tổng số 1.200 giường bệnh mà TPHCM đã chuẩn bị sẵn sàng thì chỉ 1,2% giường bệnh cần dùng, tức trên 98% giường bệnh chưa sử dụng.

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, ngành y tế cùng các ngành, các quận - huyện của TPHCM đã triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh một cách kỷ luật, đã giữ được sự bình yên của TPHCM. Tuy nhiên, nguy cơ lớn nhất hiện nay vẫn còn tồn tại, là từ các cơ sở, doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo đồng chí, chủ trương đánh giá rủi ro lây nhiễm dịch bệnh (theo bộ tiêu chí của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM) đã được triển khai đến tất cả các quận - huyện. Điều này là hết sức quan trọng, vì sau khi các doanh nghiệp tự đánh giá, các địa phương sẽ kiểm tra, đánh giá.

Việc kiểm tra này sẽ giúp các doanh nghiệp có thể sản xuất với điều kiện nguy cơ lây nhiễm thấp nhất. “Phải đảm bảo được yêu cầu này thì hoạt động sản xuất mới tiếp tục trở lại”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh và yêu cầu tiếp tục tập trung thực hiện bộ chỉ số đánh giá rủi ro lây nhiễm dịch bệnh tại các doanh nghiệp với tinh thần sản xuất phải đảm bảo an toàn.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần phấn đấu đến ngày 25-4 tất cả các doanh nghiệp đều phải tự đánh giá. Từ đó, các quận - huyện, đơn vị liên quan rà soát, ký xác nhận để đến tháng 5-2020, TPHCM có thể an tâm hơn khi doanh nghiệp tiếp tục hoạt động.

Xây dựng tiêu chí đánh giá trường học an toàn 

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thông tin, TPHCM hiện đã giải tỏa hầu hết các khu cách ly tập trung. Tuy vậy, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM cần chủ động rà soát lại và tính toán khu vực cách ly mới, làm nơi dự trữ để khi xảy ra lây nhiễm cục bộ thì có nơi thực hiện cách ly đối với các trường hợp có nguy cơ. Cụ thể, TPHCM phải trả lại ký túc xá của Đại học Quốc gia TPHCM nên cần tính toán khu cách ly có sức chứa vài ngàn chỗ ở nơi khác, như ở các đơn vị bộ đội.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: Tổ chức đi học khi trường học an toàn ảnh 2Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, phát biểu chỉ đạo tại buổi giao ban trực tuyến về tình hình phòng chống dịch bệnh Covid-19, chiều 13-4. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Chính phủ sẽ có quyết định về những nội dung cụ thể thực hiện trong thời gian tới.

Riêng TPHCM bên cạnh việc duy trì các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thì cần chủ động suy nghĩ về phương án đi học trở lại sao cho an toàn.

TPHCM đã có bài học về việc doanh nghiệp hoạt động sản xuất an toàn thì cũng cần tính toán về trường học an toàn. Từ đó, Bí thư Thành ủy TPHCM đề nghị cân nhắc về việc xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn ở các trường học.

Đồng chí đề nghị, Sở Giáo dục - Đào tạo xây dựng bộ tiêu chí đánh giá an toàn về dịch bệnh ở các trường, trong đó các trường đại học trên địa bàn cần phối hợp xây dựng, để đến ngày 30-4 hoàn thành bộ tiêu chí này. “Nếu hết tháng 4-2020 mà điều kiện thuận lợi thì có thể tổ chức đi học vào giữa tháng 5-2020 với tâm thế đã đáp ứng tiêu chí đi học an toàn, trong điều kiện TPHCM vẫn còn người nhiễm hoặc nguy cơ lây nhiễm”.

Cùng với việc đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, phải có lộ trình mở rộng mức độ “tụ tập đông người” để đảm bảo an toàn. “Ví dụ nhà hàng, chúng ta có lộ trình tăng từ từ, lúc nào thì cho đến 50 người, lúc nào thì 100 người cũng như tăng dần ở các hoạt động khác”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân gợi ý và yêu cầu trong quý 2-2020, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM có lộ trình về việc mở rộng mức độ “tụ tập đông người” nhưng vẫn đảm bảo an toàn.

Việc trước mắt, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các địa phương đẩy mạnh triển khai chỉ đạo của thành phố thực hiện các chính sách đối với những người gặp khó khăn, người bán vé số cũng như chăm sóc sức khỏe của người lớn tuổi. Đặc biệt là phải có lộ trình giải ngân hỗ trợ người mất việc làm do dịch Covid-19.

 Đến nay, bình quân trên 1 triệu người dân Việt Nam có 2,6 người mắc, là tỷ lệ rất thấp. Nếu chỉ tính những người đang điều trị trong bệnh viện (118 người) thì trong 1 triệu dân có bình quân 1,2 người đang điều trị. Nếu so với 3.500 giường trong cả nước sẵn sàng điều trị người mắc Covid-19 thì công suất sử dụng hiện vào khoảng 4%, tức còn 96% giường bệnh chưa dùng đến. Như vậy, khả năng sẵn sàng ứng phó dịch bệnh của cả nước còn rất cao và độ dự trữ còn rất lớn.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cảm ơn sự chia sẻ của đồng bào thành phố, của các doanh nghiệp, giúp TPHCM giữ được sự bình yên như hôm nay; đồng thời mong muốn từng người dân thành phố tiếp tục góp sức, tiếp tục sống tích cực hơn trước một chút để giữ cho TPHCM không có dịch và dần tiến tới bình thường hóa các hoạt động như ngày thường, trong bối cảnh xung quanh vẫn có dịch.

Bình luận

Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Các tin khác

Vinmec Đà Nẵng hứa hẹn là điểm đến lý tưởng của du lịch y tế miền Trung

Bệnh nhân Úc thoát cơn đau 2 năm sau 1 giờ phẫu thuật

(ĐTTCO) - Ca phẫu thuật nội soi khớp vai tại Vinmec Đà Nẵng không chỉ mang lại cuộc sống bình thường cho ông Robert Mulligan (67 tuổi, quốc tịch Úc), mà còn mở ra kỳ vọng lớn về Đà Nẵng như một điểm đến du lịch y tế hàng đầu Đông Nam Á.

Du khách Campuchia đến Việt Nam tăng vọt

Du khách Campuchia đến Việt Nam tăng vọt

(ĐTTCO) - Lượng khách trong 6 tháng đầu năm đạt gần 10,7 triệu lượt, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 25,7% so với cùng kỳ năm 2019 thời điểm trước dịch Covid-19.

Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão Danas

Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão Danas

(ĐTTCO) - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 7 giờ ngày 5-7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,3 độ vĩ Bắc; 117,4 độ kinh Đông. Cường độ cấp 8-9, giật cấp 11. 

Cà phê đường tàu: ra quân xử lý, nhưng 'đâu lại vào đó'

Cà phê đường tàu: ra quân xử lý, nhưng 'đâu lại vào đó'

(ĐTTCO) - Tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt – một vấn đề tưởng chừng ai cũng biết, nhưng không ai dẹp được. Và rồi, cái giá phải trả là những vụ tai nạn thương tâm, những sinh mạng bị tước đoạt bởi sự chủ quan, lơ là và cả sự thờ ơ của không ít cá nhân, tập thể. Tuy nhiên vì sao lại bất lực? Vì sao ra quân rồi lại “đâu vào đấy”?

Công an cảnh báo chiêu trò lừa đảo mới của các đối tượng xấu nhân sáp nhập tỉnh, thành phố (Ảnh chụp màn hình)

Chiêu trò lừa đảo mới lợi dụng việc sáp nhập tỉnh thành

(ĐTTCO) - “Cập nhật thông tin quê quán, nơi ở”, “chuyển đổi dữ liệu”, “đồng bộ hóa giấy tờ”... là chiêu trò đang được đối tượng lừa đảo lợi dụng việc sáp nhập các tỉnh thành tung ra nhằm chiếm đoạt tiền, thông tin của người dân.