Tò he - Đồ chơi lung linh ký ức

Tò he - Đồ chơi lung linh ký ức

Xưa ở chợ quê, góc phố thường có những hàng tò he, đặc biệt vào dịp trước Tết Nguyên đán. Các bà, các mẹ khi đi chợ thường không quên ghé hàng tò he mua về làm phần thưởng cho con trẻ. Tò he xưa sau khi chơi là ăn được, nên được gọi là đồ ăn - chơi. Nhưng mấy chục năm nay, với sự “tấn công” ồ ạt của các loại đồ chơi, bánh kẹo,… tò he bị “đánh bật” về dĩ vãng.

Ấy nhưng, thật may mắn, đâu đó vẫn còn những người yêu nghề, giữ được nghề tò he, trong đó có vợ chồng anh Đậu Bá Thắng (sinh năm 1983) và chị Lê Thị Chiên (sinh năm 1986, ở xã Vạn Thắng, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa).

Vợ chồng anh Đậu Bá Thắng và chị Lê Thị Chiên

Chị Lê Thị Chiên vốn sinh ra ở làng nghề tò he Xuân La (Phú Xuyên, Hà Nội). Sau khi lấy chồng, chị đem theo nghề truyền thống vào quê chồng và cùng chồng gây dựng nghề tò he.

Clip Tò he - Đồ chơi lung linh ký ức

Chị Chiên chia sẻ, tò he còn gọi là “con giống bột”, “đồ chơi chim cò”,… được làm bằng bột gạo nếp. Làm tò he có nhiều công đoạn, nhưng công phu nhất là khâu làm bột nặn. Ngày xưa bột nặn chủ yếu là gạo nếp, còn ngày nay thành phần chính là đất nặn pha bột nếp. Bột nặn đủ chuẩn phải đạt các yêu cầu như: mịn, dẻo, khi nặn bột không dính tay. Đặc biệt, người nặn tò he phải có “hoa tay” thì những thứ đồ mình làm ra mới có hồn, sinh động.

Nếu ngày xưa, tò he là những con vật thân thương như con công, gà, heo, trâu, bò,… thì ngày nay các mặt hàng phải rất phong phú để đáp ứng thị hiếu của các bạn nhỏ. Để có nhiều sản phẩm hấp dẫn, vợ chồng anh Thắng chị Chiên phải xem các bộ phim hoạt hình, truyện tranh nổi tiếng; tìm hiểu các loại rô bốt, siêu nhân… từ đó tạo nên những sản phẩm tò he.

Với “gian hàng di động”, vợ chồng anh Thắng chị Chiên rong ruổi khắp nơi, từ các cổng chợ, cổng trường cho đến các điểm du lịch, vui chơi giải trí, ngày hội, nhất là các ngày lễ, tết. Không chỉ phục vụ trong tỉnh Thanh Hóa, vợ chồng anh chị còn đưa gian hàng của mình đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Về dự định tương lai, vợ chồng anh Thắng chị Chiên sẽ xây dựng tò he thành sản phẩm OCOP của địa phương. Ước mơ của anh chị không chỉ đưa tò he thành sản phẩm mang lại thu nhập, mà quan trọng nhất là gìn giữ được nghề truyền thống của ông cha.

Các tin khác