Thước đo giá trị của người Tà Ôi
Nghệ nhân Mai Thị Hợp, người vừa đại diện cho các nghệ nhân, thợ dệt dèng A Lưới vinh dự đón nhận Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, kể về nghề dệt dèng truyền thống bằng một tình cảm dạt dào, tự hào, đầy lôi cuốn. Dèng có giá trị đặc biệt trong đời sống văn hóa người Tà Ôi.
Không chỉ làm quần, áo, váy, khăn cho người thân trong gia đình, con gái Tà Ôi khi lấy chồng phải có một bộ váy, áo bằng dèng. Khi mất, người Tà Ôi phải được chôn cùng bộ quần áo dèng mới được “tổ tiên đón nhận”. Dèng cũng là lễ vật không thể thiếu trong các lễ hội quan trọng của đồng bào.
“Người Tà Ôi xưa quan niệm, dệt dèng là thước đo để cộng đồng đánh giá sự khéo léo, đảm đang của người con gái khi lập gia đình. Ngoài thời gian canh tác nương rẫy, thiếu nữ Tà Ôi thường ngồi bên khung cửi để bà, mẹ hoặc các chị gái dạy dệt dèng. Những tấm dèng mang vẻ đẹp hoang sơ núi rừng trên nền mảng màu rất đậm, lấy màu đen, đỏ và xanh làm chủ đạo, họa tiết hoa văn trên mỗi tấm dèng có từ cổ xưa, được giải thích là mặt trời, ngọn núi, con sông, con dốc, loại cây, các loài muông thú hoặc linh vật mà người dân ở đây có cách gọi tên riêng.
Nghệ nhân Mai Thị Hợp (phải) hướng dẫn kỹ thuật dệt dèng truyền thống của người Tà Ôi.
Dèng dệt bằng sợi hoặc hạt cườm óng ánh tạo biểu tượng giao hòa giữa con người với đất trời, tùy theo mắt quan sát và trí tưởng tượng người dệt. Đó là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo trong kho tàng văn hóa người Tà Ôi” - nghệ nhân Mai Thị Hợp chia sẻ.
Giữa nhà cộng đồng ở A Lưới có hàng chục phụ nữ tuổi từ 20 đến 60 là thành viên HTX dệt dèng A Lưới, người ngồi khom lưng tỉ mẩn dệt dèng, người sửa soạn chuẩn bị cho chuyến lưu diễn quảng bá di sản dèng Tà Ôi tại Thụy Sĩ lần thứ 3. Khung dệt dèng Tà Ôi kết cấu từ những khúc tre hoặc gỗ rời, khá đơn giản và gọn nhẹ. Trong đó, thân hình (phương dọc) và đôi chân (hai đường chéo) trở thành “bộ khung” chính.
Số còn lại hơn 10 thanh gỗ và tre nứa (theo phương ngang) mắc sợi thông qua sự luồn lách khéo léo của đôi bàn tay. Độc đáo nhất là việc nhả hạt cườm trong lúc dệt, tạo hoa văn nổi trên tấm dèng. Đây là kỹ nghệ dệt duy nhất trong hệ thống nghề dệt thổ cẩm tại Việt Nam.
“Các công đoạn đều làm bằng phương pháp thủ công, nên người thợ dệt siêng mất khoảng 1 tuần, nếu làm thêm vài việc khác nữa mất 10 ngày, có khi nửa tháng mới xong tấm dèng” - nghệ nhân Hồ Can Hoa, đội trưởng đội sản xuất HTX Dệt dèng A Lưới nói, và cho biết người Tà Ôi còn có hẳn công nghệ nhuộm sợi hoàn toàn bằng các loại cây cỏ. Từ những sợi dệt màu trắng, người ta vào rừng đào củ achat (một loại cây leo) về xắt lấy nước nhuộm bông thành màu đỏ.
Tương tự, củ cây leo prac tạo màu vàng. Màu đen dùng vỏ ốc suối giã nhỏ, ủ với cây tarom. Màu nâu được tước từ vỏ cây leo a-ngươn, phơi khô rồi se lại thành sợi. Hạt cườm xưa kia lấy từ hạt cây a rạc, mọc trong rừng. Loại cây này có hạt như hạt tiêu, khi phơi khô rất cứng và có lỗ ở tâm, rất tiện để xâu thành chuỗi trang trí trên dèng. Cườm làm từ chì nấu chảy và đổ thành từ hạt nhỏ tạo lỗ để xâu cũng được người Tà Ôi sử dụng từ rất sớm.
Dèng đi muôn nơi
Dèng đi muôn nơi
Trải qua nhiều công đoạn với biết bao nhiêu mồ hôi, công sức mới có được tấm dèng trước khi thành sản phẩm. Trong khi đó, hàng may công nghiệp dưới xuôi đổ lên rẻo cao A Lưới ngày một nhiều khiến những chiếc váy, áo bắt mắt bằng dèng của phụ nữ Tà Ôi cứ thưa dần trong các lễ hội truyền thống.
“Đến năm 2005, hầu hết bản làng Tà Ôi, chủ yếu sinh sống ở khu vực biên giới Việt - Lào chỉ lác đác vài người cố giữ nghề dệt dèng, quanh quẩn với vài mẫu mã cũ kỹ để may áo, khố, khăn, tấm treo, gùi... Trong khi cây bông làm sợi có sẵn từ núi rừng dần cạn kiệt khiến nghề dệt dèng ngắc ngoải trước nguy cơ thất truyền. Là người con của đồng bào Tà Ôi, lại là cán bộ Hội Phụ nữ xã A Đớt, mình hiểu rất rõ cái giá của sự mất mát này. Nhưng nếu chỉ để phục vụ trong gia đình với những mẫu mã đơn điệu, dèng khó có chỗ trên thị trường” - nghệ nhân Mai Thị Hợp bày tỏ.
Để vực dậy nghề dệt dèng truyền thống, chị đã kết nối những nghề nhân nắm giữ tuyệt chiêu dệt dèng lớn tuổi trong vùng, đồng thời mời một số nữ cán bộ trẻ tại địa phương, bàn cách khôi phục và phát huy nghề dèng. Mọi người thử nghiệm và thay thế hạt cườm từ chì sang hạt nhựa, sợi bông bằng sợi công nghệ sản xuất hiện đại với nhiều màu sắc và chất lượng phù hợp. Những tấm dèng dệt bằng nguyên liệu mới ra lò, ngay cả những nghệ nhân khó tính nhất trong vùng cũng tấm tắc khen bởi sự đột phá trên từng sợi chỉ, đường nét.
Nhưng nghệ nhân Mai Thị Hợp và các cộng sự lại đối mặt với những thách thức lớn hơn. Trong đó, khó nhất là tập hợp những người trẻ trong vùng truyền dạy nghề, không phân biệt dân tộc. Song luật tục xưa nay, người Tà Ôi không truyền nghề dèng cho người ngoài. Kiên trì thuyết phục người thân và các nghệ nhân trong vùng, các chị băng rừng, lội suối vận động chị em phụ nữ thạo nghề trở lại dệt dèng, vừa truyền nghề cho người chưa biết, bằng việc thành lập các HTX dệt dèng A Đớt và thị trấn A Lưới. Họ còn chủ động tham gia các hội chợ triển lãm trong nước và các kỳ Festival Huế để giới thiệu, quảng bá về nghề dệt dèng.
Tại Festival nghề truyền thống Huế 2015, dèng Tà Ôi lần đầu lên sân khấu thời trang qua bộ sưu tập của nhà thiết kế Minh Hạnh, khiến các chuyên gia đến từ ban tổ chức lễ hội quốc tế dệt may tại TP Clermont-Ferrand (Pháp) khi chứng kiến phải thốt lên đây là sản phẩm duy nhất, rất độc đáo và phù hợp với xu thế thời trang hiện đại của thế giới.
Những tấm dèng A Lưới còn là nguyên liệu tạo ra hàng lưu niệm như ví, túi xách... Trung bình mỗi tấm dèng bán từ 300.000 đến 1,5 triệu đồng. Nhờ đó thu nhập bình quân tăng thêm 2-3 triệu đồng/tháng/người, góp phần cải thiện kinh tế cho các hộ làm nghề. Những học trò đầu tiên, cùng người thầy là nghệ nhân Mai Thị Hợp góp phần chấn hưng nghề dèng, như Hồ Thị Phước, Lê Thị Luận, Hồ Can Hoa…
Khung dệt dèng Tà Ôi đã được mang sang Pháp, Thụy Sĩ, Ấn Độ, Philippines, Nhật Bản… trình diễn, được khách hàng thích thú vì nét độc đáo của sản phẩm với chất liệu tự nhiên, bền, đẹp, hoa văn tinh xảo.