Tộc người sống xanh quyết bảo vệ rừng

(ĐTTCO) - Đồng bào Arem (xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), nổi tiếng cách sống xanh với rừng già di sản Phong Nha - Kẻ Bàng.

Rừng sưa cổ thụ trên núi đá được người Arem bảo vệ.
Rừng sưa cổ thụ trên núi đá được người Arem bảo vệ.

Quê hương họ là nơi có nhiều hang động nhất Việt Nam, trong đó có Sơn Đoòng trứ danh. Sống giữa thiên nhiên kỳ hoa dị thảo, họ không vắt kiệt tài nguyên rừng mà luôn giữ lại cho muôn đời sau.

Bảo vệ rừng nhận tiền tỷ

Sâu bên trong khu rừng di sản Phong Nha - Kẻ Bàng là quê hương của đồng bào Arem. Họ sống giữa thiên nhiên núi rừng sâu thẳm hàng vạn đời nay. Cuộc sống đã định canh định cư ở cây số 39, đường 20 Quyết Thắng, nhưng kiến thức bản địa của họ về núi rừng nơi đây là sự thông minh hiếm gặp. Bởi cách họ bảo vệ rừng tốt và không để mất rừng.

20 năm trước, Phong Nha - Kẻ Bàng được đón nhận là di sản thiên nhiên thế giới, ông Nguyễn Tấn Hiệp lúc đó là Giám đốc lo cách nào để giữ rừng. Bồi hồi nhớ lại ông kể: “Ban đầu chúng tôi rất lo vùng lõi nằm trong vùng dân cư đồng bào Arem. Nhưng sau thời gian quan sát, người Arem không phá rừng, họ khai thác sản vật ngoài gỗ rất khoa học.

Tổ ong họ lấy một phần nhỏ, phần còn lại để giữ đàn ong và lấy cho các mùa sau. Các cây ăn quả, dây song mây… họ lấy vừa đủ dùng cho nhu cầu thực tế, không khai thác tận kiệt. Cá suối cũng không bắt vô tội vạ, lợn rừng mỗi năm săn vài con cho nhu cầu thịt tươi trong bản, không phục vụ buôn bán.

Tôi lên đặt vấn đề bảo vệ rừng, già làng bảo người Arem không bao giờ để mất rừng, miễn có gạo là được. Thế là người Arem được giao bảo vệ rừng di sản, đổi lại họ được cấp lương thực”.

toc-5-3978.jpg
Cây cỏ đỏ, loại thần dược uống vào rất khỏe của người Arem.

Ông Đinh Hoe, Chủ tịch UBND xã Tân Trạch nhớ lại: “20 năm trước, được phân giữ 100ha rừng, bà con giữ rất tốt. Sau tăng lên 500ha, rồi 1.000ha. Đều là rừng già nguyên sinh, mỗi lần đi tuần không dựng lán ở mà phải ở trong các vách đá, hang đá nhằm bảo vệ rừng như cách cha ông xưa đã giữ rừng. Hồi đó khó khăn, Nhà nước chở gạo lên trả công nên bà con cũng ấm cái bụng”.

Từ năm 2010 trở lại đây, công việc giữ rừng của người Arem ngày càng tốt hơn, Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã quyết định giao xã Tân Trạch giữ hơn 4.228ha rừng đặc dụng, rừng vùng lõi di sản. Mỗi năm trả cho người Arem hơn 1 tỷ đồng.

“Bây giờ Nhà nước trả công bằng tiền, phân về từng hộ dân để bà con sử dụng. Ruộng nương đủ cái ăn nên trả công bằng tiền cho dân bản chi trả các nhu cầu sinh hoạt của cuộc sống. Tuy còn khó khăn nhưng số tiền rất đáng kể và hữu ích đối với dân bản Arem và bản Đoòng” - ông Đinh Hoe tâm sự.

Những vị thuốc từ kỳ hoa dị thảo

Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, cho biết khu vực giữ rừng của người Arem là nơi dồi dào các giống loài thực vật, cũng như đa dạng động vật bậc nhất do là vùng lõi di sản và nhờ công giữ rừng tốt của người dân nơi đây.

Theo các số liệu, người Arem sở hữu khu rừng có gần 3.000 loài thực vật tạo thành rừng xanh trên núi đá vôi. Rừng ở đây như vườn treo kỳ vĩ, các nhà khoa học nói nơi đây có 10 kiểu rừng treo khắp các rặng núi.

toc-7-7933.jpg
Cây cỏ đỏ, loại thần dược uống vào rất khỏe của người Arem.

Theo già làng Đinh Rầu, trong rừng có các vị thuốc chữa bệnh đau bụng, thuốc nam chữa những bệnh phong hàn, tê thấp, sâm dấn đại bổ cho người đau ốm, cây cỏ đỏ chữa lành cho phụ nữ mới sinh. Hoa quả cũng trải nhiều trên các tầng rừng, từ chôm chôm, ổi, mít rừng, cam dại… đều có thể ăn được.

“Toàn rừng tốt, toàn thuốc nam tốt, toàn cây cũ, quả… quý hiếm. Nấm quý, sâm bản địa, rồi các loài cây chữa bệnh gan, dạ dày… có cả. Đây là kho thuốc lớn không chỉ cho Arem sử dụng đời này còn cả muôn đời sau nên cần bảo vệ tốt nhất”- già Đinh Rầu nói.

Bên cạnh sự phong phú của các loài thực vật hữu ích, trong không gian rừng của người Arem còn có 1.394 loài động vật các nhà khoa học đã kiểm đếm, tất cả đều giao cho họ quản lý, bảo tồn. Có những loài quý hiếm họ không được sát hại, có những loài họ săn bắn theo cách riêng để có chất tươi cho cuộc sống sinh tồn.

“Săn bắn với người Arem vừa là cuộc sống, vừa để phát triển sự cường tráng cho thanh niên, cũng như thể hiện sự chiến đấu với dã thú. Mỗi năm chỉ săn chừng 5 con lợn rừng cho cả bản, chủ yếu là những con đến phá nương rẫy đồng bào” - ông Đinh Hoe cho biết.

Xa các đô thị văn minh, xa những ánh điện công nghiệp nhưng đồng bào Arem có trí khôn giữ rừng rất tốt bằng bản ngã của ông cha truyền lại. Chủ tịch UBND xã Đinh Hoe tự hào: “Rừng còn là người Arem còn, do đó người Arem từ nhỏ đến lớn ai cũng giữ rừng như giữ tính mạng của mình. Đói ăn có thể chịu đựng được nhưng mất rừng là mất hệ sinh thái, mất các loài do cha ông để lại, nước suối không còn sẽ khát và con người sẽ chết khát. Vậy nên người Arem thề mãi bảo vệ rừng”.

Hiện Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đang thống kê, nhằm tiếp tục giao tiếp lượng lớn diện tích rừng cho bà con Arem giữ. Việc này ngoài nhằm tăng thu nhập cho bà con Arem, còn chi trả tín chỉ carbon cho người dân.

Như ông Phạm Hồng Thái từng khẳng định: “Người Arem là linh hồn của rừng di sản, là cốt cách giữ rừng bằng truyền thống của họ, là cách sống xanh hàng vạn đời, nên giao thêm rừng cho họ là giao việc cho những người đầy trí tuệ, khí chất, tương kính với rừng xưa. Đó cũng là “tín chỉ” để sau này phân thêm rừng cho người Arem có thêm thu nhập tiền tỷ từ nhân cách “sống xanh” của cộng đồng nhỏ bé mà bền dai này”.

Các tin khác