“Ban Quản lý dự án đã yêu cầu Tổng thầu đưa nhà sản xuất đoàn tàu (ở Trung Quốc) sang để tìm phương án khôi phục lại. Trách nhiệm và chi phí khôi phục lại màu sắc của đoàn tàu theo thiết kế là trách nhiệm của Tổng thầu. Chi phí để khôi phục lại màu sắc đoàn tàu bị vẽ bậy không đến mức 1 triệu USD như một số thông tin đăng tải," lãnh đạo Ban quản lý dự án đường sắt nhấn mạnh.
Sáng ngày 26/12/2017 vừa qua, toa tàu và đầu tàu của dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông (Hà Nội) bị đối tượng chưa xác định vẽ một số hình ảnh hoặc chữ viết kiểu trầy xước, nguệch ngoạc bằng sơn (theo phong cách Graffiti) lên thành tàu.
Ban quản lý dự án đường sắt nhận được thông tin từ tổng thầu EPC (Công ty hữu hạn Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc) về việc có đối tượng đột nhập vào công trường nhà ga Cát Linh dùng sơn vẽ lên đoàn tàu.
Ban đã cử cán bộ ra kiểm tra thực tế hiện trường đồng thời chỉ đạo Tổng thầu EPC báo cáo cụ thể sự việc nêu trên tới cơ quan chức năng. Hiện cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra, rà soát hiện trường, điều tra sự việc.
“Đây là hành động làm phá hoại tài sản quốc gia. Tổng thầu Trung Quốc đã đề nghị công an vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm minh việc làm này,” đại diện Ban quản lý dự án đường sắt khẳng định.
Bên cạnh đó, Ban quản lý dự án đường sắt đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu Tổng thầu lập tức tăng cường công tác bảo vệ trên toàn công trường, đồng thời có văn bản hỏa tốc gửi Công an thành phố Hà Nội và công an các quận nơi có dự án đi qua để hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự, an toàn, ngăn ngừa hiện tượng phá hoại tài sản công trình làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.
Theo lãnh đạo Ban quản lý dự án đường sắt, hình ảnh ngoại thất và nội thất của tàu đã được trưng cầu lấy ý kiến người dân thủ đô, sau khi nhận được sự ủng hộ và thống nhất về kiểu dáng, màu sắc thì mới quyết định gửi mẫu đi Trung Quốc để đóng đoàn tàu và đưa tàu về dự án.
“Vì vậy, những hình ảnh mới xuất hiện trên đoàn tàu hoàn toàn là bị vẽ trộm, Ban quản lý dự án không có chủ trương thay đổi hình ảnh ngoại thất của đoàn tàu,” lãnh đạo Ban này khẳng định.
Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh-Hà Đông sẽ được đẩy nhanh tiến độ và khai thác vào trong năm 2018 theo đúng cam kết của Tổng thầu Trung Quốc khi mới đây, một trong những vướng mắc quan trọng nhất của việc giải ngân nguồn vốn vay từ Ngân hàng phía Trung Quốc đã được tháo gỡ.
Theo lãnh đạo Ban quản lý dự án đường sắt, đến nay khối lượng xây lắp của dự án đã hoàn thành đến 95%. Tuy nhiên, trong năm 2017 do chậm nguồn vốn bổ sung 250 triệu USD (khoảng 5.650 tỷ đồng) nên tiến độ công trình này bị chậm.
“Ngày 28/12 vừa qua, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Emximbank) đã chính thức thực hiện thủ tục giải ngân nguồn vốn bổ sung 250,6 triệu USD cho dự án nên Ban đã yêu cầu Tổng thầu bố trí nhân lực, lập kế hoạch từng tuần, từng tháng và bố trí vốn thanh toán cho các nhà thầu phụ; khẩn trương ký kết các hợp đồng còn lại với nhà thầu phụ,” lãnh đạo Ban quản lý dự án đường sắt cho biết.
Để sớm đưa dự án về đích và khai thác, vận hành, trước đó, Tổng thầu Trung Quốc đã có đề xuất phê duyệt, lập lại tiến độ thi công các hạng mục còn lại của dự án và đề ra mốc thời gian hoàn thành các hạng mục chính.
Cụ thể, công tác xây dựng nhà ga và đường ray hoàn thành vào tháng 3/2018; trang trí kiến trúc Depot vào tháng 4/2018; hệ thống thiết bị và đào tạo thao tác thiết bị vào tháng 4-5/2018; vận hành chạy thử kỹ thuật kể từ ngày 2/9/2018 (thời gian vận hành chạy thử từ 3-6 tháng) và đủ điều kiện để đưa vào vận hành khai thác thương mại từ tháng 11/2018 (thời điểm khai thác thương mại phụ thuộc vào đơn vị tiếp nhận và quản lý vận hành khai thác).
Theo tiến độ lập lại này, dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông sẽ chậm khoảng 11 tháng so với kế hoạch gần đây là chạy thử kỹ thuật vào tháng 10/2017 và khai thác thương mại vào giữa năm 2018./.