(ĐTTCO)- Sáng nay 31-3, UBND TPHCM đã họp với các sở ngành về tình hình kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm 2017 và nhiệm vụ trọng tâm Quý II-2017.
![]() |
Trong 3 tháng đầu năm, kinh tế TP tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, đạt 7,46% (cùng kỳ tăng 7,08%).
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, trong quý I-2017, thành phố thu hút được 574,71 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tăng 56,7% so với cùng kỳ.
Trong đó, cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 141 dự án, với tổng vốn đầu tư 133 triệu USD; 42 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư 89 triệu USD.
TPHCM cũng chấp thuận cho 401 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp trong các doanh nghiệp TP với tổng vốn góp đăng ký đạt 352 triệu USD.
Trong quý I-2017, TPHCM có 7.947 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 99.475 tỷ đồng (so cùng kỳ tăng 14% về số lượng doanh nghiệp và tăng 61,7% về vốn đăng ký).
Ngoài ra, có 10.970 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, trong đó vốn điều chỉnh bổ sung tăng 49.453 tỷ đồng.
Về nhiệm vụ trong Quý II, TP đưa ra nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo đó, về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi nhất cho phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp, trọng tâm là rà soát, hoàn thiện, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan…; tập trung hỗ trợ hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; tổ chức tuyên truyền, giới thiệu các chính sách hỗ trợ của Thành phố để thúc đẩy Hộ kinh doanh cá thể chuyển sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp.
Tổ chức tiếp xúc để nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là khó khăn về vốn, mặt bằng và đổi mới công nghệ. Giới thiệu, hướng dẫn cho doanh nghiệp tiếp cận các cơ chế, chính sách (Chương trình kế nối cung - cầu, kết nối doanh nghiệp - ngân hàng, kích cầu thông qua đầu tư, bình ổn thị trường…), để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đổi mới công nghệ, đầu tư chiều sâu để tăng năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của ngành, sản phẩm công nghiệp.
Củng cố và phát triển thị trường bán lẻ trong nước trên địa bàn Thành phố, chủ động ứng phó với những thách thức từ sự thâm nhập vào thị trường trong nước của các Tập đoàn kinh doanh bán lẻ lớn, đa quốc gia trên thế giới.
Cải thiện tính minh bạch của môi trường kinh doanh nhằm giảm bớt và xóa bỏ các chi phí không chính thức mà doanh nghiệp đang phải gánh chịu. Tăng cường các hoạt động và chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp như: hỗ trợ thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, hỗ trợ doanh nghiệp giao lưu kinh doanh, các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến du lịch…