Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Võ Thanh Sang (ảnh), Phó cục trưởng Cục Thống kê TPHCM, để tìm hiểu rõ hơn về cách thống kê, đưa ra các con số này.
* PHÓNG VIÊN: Thưa ông, toàn TPHCM có gần 2,6 triệu hộ dân nhưng chỉ còn 39 hộ dân không có nhà ở. Nhiều người không tin vào con số “quá đẹp” này. Cách tính của Cục Thống kê TPHCM ra sao?
* Ông VÕ THANH SANG: Cục Thống kê TPHCM dựa vào tiêu chí của Bộ Xây dựng làm việc với Tổng cục Thống kê. Nhà ở là một công trình xây dựng gồm 3 bộ phận: sàn, mái, tường và được dùng để ở. Trường hợp nhà bè trên sông nếu có đầy đủ 3 bộ phận sàn, mái và tường thì cũng được tính là nhà ở nếu riêng biệt và có lối vào trực tiếp.
Có nơi ở chưa thành căn nhà, nhưng có vách, có lối đi riêng như một số trường hợp sống ở gầm cầu thang mà có vách, có cửa ra vào thì chúng tôi cũng tính là có nơi ở. 39 hộ không có nhà ở là những hộ sống ở lều, lán trại, vỉa hè, gồm 1 hộ ở quận 1, 1 hộ ở quận 4 và 37 hộ ở huyện Cần Giờ.
Chúng tôi thống kê không dựa trên tình trạng sở hữu nhà. Người sống ở nhà trọ, những người ở nhờ nhà cha mẹ, ở ké nhà người thân… vẫn tính là có nơi ở. Nói chính xác thì đây là thống kê về nơi ở. Riêng người lang thang xin ăn, người sinh sống tại các cơ sở xã hội, chúng tôi tính là nhân khẩu đặc thù.
* Thưa ông, trong 99,3% hộ đang sống trong nhà ở kiên cố và bán kiên cố, có bao nhiêu hộ được sống trong nhà ở kiên cố, bao nhiêu hộ sống trong nhà ở bán kiên cố?
* Chúng tôi chưa có con số cụ thể.
* Luật Hôn nhân và Gia đình quy định tuổi kết hôn là 20 tuổi với nam, 18 tuổi với nữ. Tuy nhiên, ngành thống kê lại thống kê tỷ lệ đã từng kết hôn của người… từ 15 tuổi trở lên. Thống kê việc kết hôn của người mới 15 tuổi để làm gì, thưa ông?
* Việc thống kê tình trạng hôn nhân của người từ 15 tuổi trở lên là cách làm theo khái niệm của Liên hiệp quốc đưa ra, chứ không phải riêng của Việt Nam. Thống kê từ 15 tuổi bởi có người lỡ sống với nhau từ rất trẻ, người dân tộc thiểu số kết hôn sớm. Chúng tôi thống kê cũng không dựa trên giấy đăng ký kết hôn mà căn cứ vào tình trạng chung sống thực tế.
* Thống kê chuyện hôn nhân ngay từ 15 tuổi, liệu có phải là sự mặc định TPHCM còn nạn tảo hôn? Mặt khác, theo Bộ luật Hình sự, tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, tội cưỡng dâm với người từ đủ 13 tuổi đến 16 tuổi sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự. Thưa ông, đã thống kê tình trạng hôn nhân của người từ 15 tuổi, vậy Cục Thống kê TPHCM có phát hiện được tỷ lệ tảo hôn, giao cấu với người chưa thành niên?
* Không. Cục Thống kê TPHCM không làm vấn đề này.
* Nếu vậy, qua thống kê, ông có thể cho biết chính xác ở TPHCM, bao nhiêu đàn ông - tất nhiên là người trưởng thành - không thích lấy vợ, bao nhiêu đàn bà thích sống độc thân?
* Cái đó cần phân tích sâu. Chúng tôi sau này sẽ có phân tích hết: độ tuổi kết hôn là bao nhiêu, nhóm tuổi nào có vợ có chồng nhiều nhất, nhóm nào độc thân nhiều nhất.
* TPHCM thường thông tin nếu tính cả người tạm trú, đến sinh sống, làm việc, học tập, du lịch thì thành phố có khoảng 13 triệu dân. Qua điều tra, ngành thống kê xác định TPHCM có gần 9 triệu dân. Vì sao có sự khác biệt này, thưa ông?
* Ngành thống kê tính số người ở TPHCM trên cơ sở người thực tế thường xuyên ăn ở tại các hộ dân từ 6 tháng trở lên - tính đến thời điểm điều tra, không phân biệt họ có hay không có hộ khẩu thường trú. Có những người mới đến TPHCM chưa được 6 tháng nhưng xác định sẽ ăn ở ổn định lâu dài tại TPHCM thì cũng vẫn được tính.
Những trường hợp người ở tỉnh tới TPHCM làm công nhân, buôn bán sáng đi tối về, hoặc tới khám chữa bệnh thì chúng tôi không tính. Nếu tính hết cả những người này thì có thể số người ở TPHCM lên tới 13 triệu người, chưa tính khách du lịch.
Con số không được diễn giải thuyết phụcthì đó là sự gian lận Tổng điều tra dân số và nhà ở TPHCM năm 2019 đưa kết quả sơ bộ nhưng có nhiều con số cần được làm sáng tỏ, thuyết phục hơn. Điều tra là để phát hiện ra các vấn đề để giải quyết. Nhà ở là một vấn đề quan trọng. Nếu toàn TPHCM chỉ còn 39 hộ dân không có nhà ở, thì phải chăng, chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn TPHCM đã hoàn thành nhiệm vụ? Chất lượng nhà ở cụ thể của người dân, từng nhóm dân cư ra sao? Con số 99,3% hộ dân ở nhà kiên cố và bán kiên cố là rất cao, nghe rất ổn. Nhưng cần lưu ý, giữa nhà kiên cố và nhà bán kiên cố, tính chất khác nhau hoàn toàn. Khi đo lường chất lượng nhà ở, cần có sự tách bạch, có phân tích sâu hơn, để xem rõ đối tượng hưởng thụ các loại nhà là ai, khả năng chuyển đổi, nâng cấp nhà ra sao? Nếu không diễn giải được con số một cách chuẩn xác để ra bức tranh chi tiết, mà nhập chung lại để ra một con số “rất ổn”, thì đó là một sự lập lờ gian lận. Việc thống kê hôn nhân của người từ 15 tuổi là áp dụng cứng nhắc quy định trong thống kê. Thống kê tình trạng biết đọc, biết viết, đi học… lấy mốc 15 tuổi là hợp lý; nhưng thống kê hôn nhân lại lấy độ tuổi từ 15 để cho ra kết quả 65,7% người dân từ 15 tuổi trở lên đã từng kết hôn, 34,3% chưa từng kết hôn là không hợp lý. Luật đã quy định tuổi kết hôn là 18 (nữ) và 20 (nam), như vậy, màng chắn đầu tiên để lọc ra chính xác bao nhiêu người kết hôn phải là mốc 18 tuổi với nữ và 20 tuổi với nam. Nếu cần biết thêm về việc kết hôn sớm, thì có thể thống kê phụ thêm. Từ đó mới có thể biết chính xác xu hướng, tình trạng kết hôn của người dân TPHCM; bao nhiêu người trưởng thành đã, hoặc vẫn chưa lập gia đình. Chuyện kết hôn là rất quan trọng, ảnh hưởng tới nhiều vấn đề khác của xã hội. Chuyên gia nghiên cứu xã hội LÊ VĂN THÀNH |