Thực tế này đã và đang mở ra nhiều cơ hội thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Kết hợp cung ứng sản phẩm hỗ trợ
Ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham), cho biết nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam đã đạt được hiệu quả tích cực. Cụ thể, thời gian thực hiện thủ tục hành chính giảm mạnh; dịch vụ hành chính công điện tử được áp dụng tại nhiều tỉnh thành, nhất là những tỉnh, thành phố tập trung nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh… Điều này đã giúp minh bạch thông tin chủ trương, chính sách của Chính phủ và các tỉnh, thành.
Ngoài ra, thông qua thủ tục hành chính công điện tử cũng giúp theo dõi chính xác tiến độ giải quyết những vấn đề của doanh nghiệp. Nhờ các thay đổi trên, Việt Nam trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư FDI.
Theo Bộ KH-ĐT, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam 9 tháng năm 2023 ước đạt 15,91 tỷ USD, là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 9 tháng trong 5 năm qua. Hiện có nhiều tập đoàn lớn trên toàn cầu đã hiện diện tại Việt Nam như: Apple, Qualcomm, Nike, Morgan Stanley, Intel, GE, ACORN International, General Dynamics, Google.
Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ, cho biết, cùng với việc doanh nghiệp FDI có xu hướng đổ mạnh vào Việt Nam, đồng nghĩa nhu cầu cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong các chuỗi cung ứng công nghiệp cũng tăng lên. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp Việt Nam chủ động kết nối để “chọn lọc” chuỗi cung ứng tham gia, gia tăng giá trị sản phẩm từ việc cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, các cụm linh kiện đa chi tiết.
Đơn cử, thay vì doanh nghiệp in ấn chỉ cung cấp tem nhãn thì có thể kết hợp với doanh nghiệp có công nghệ ép nhựa để thiết kế mặt mạ sản phẩm hoàn chỉnh cung ứng cho sản phẩm điện tử, gia dụng. Hoặc với những sản phẩm cơ khí chế tạo vốn chỉ cung ứng ốc vít thì cũng có thể kết hợp hoàn chỉnh với linh kiện liên quan, tạo thành cụm sản phẩm trước khi chuyển giao cho doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đầu cuối…
Ở góc độ khác, những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thành viên của Hội Cơ khí - Điện TPHCM đã từng bước đầu tư dây chuyền sản suất, nâng cao năng lực cạnh tranh và cung ứng ngày càng đa dạng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho rất nhiều doanh nghiệp FDI trong nước và xuất khẩu.
Gỡ khó chính sách, tăng sức cạnh tranh
Bên cạnh nhiều thuận lợi thì cũng phải thừa nhận rằng doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đang gặp khó khi xu hướng thị trường đang thay đổi theo hướng cần cung ứng sản phẩm, linh kiện phục vụ cho ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo, y tế kỹ thuật cao, công nghiệp điện tử…
Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sản xuất tại Công ty TNHH Việt Nhật, Bình Dương |
Theo bà Lê Nguyễn Duy Oanh, trong tháng 9 vừa qua, UBND TPHCM đã tổ chức đoàn 20 doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo Việt Nam sang kết nối giao thương tại triển lãm cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại TP Osaka, Nhật Bản. Đây là những doanh nghiệp đã có kinh nghiệm dày dạn về năng lực cung ứng sản phẩm hỗ trợ cho doanh nghiệp FDI.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp tham quan chuyến đi nhận xét, các doanh nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đã có sự chuyển đổi nhanh để bắt kịp xu hướng cung ứng mới về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ như các sản phẩm cơ khí phục vụ cho vận hành trí tuệ nhân tạo, y tế kỹ thuật cao, công nghiệp điện tử. Điều này đang đặt ra rất nhiều thách thức với các doanh nghiệp Việt. Trước thực tế trên, các doanh nghiệp đã kiến nghị lãnh đạo UBND TPHCM sớm tháo gỡ các khó khăn.
“Doanh nghiệp cần thành phố bố trí quỹ đất đầu tư xây dựng nhà máy với chi phí hợp lý hoặc hỗ trợ chi phí thuê đất. Kế đến là chọn lọc, kết nối giao thương để doanh nghiệp kịp thời hoàn thiện năng lực sản xuất, chuyển đổi phù hợp với nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, thành phố cần chủ động thu hút đầu tư ngành nguyên vật liệu sản xuất để giảm áp lực chênh lệnh giá cho doanh nghiệp. Thực hiện được 3 giải pháp trên doanh nghiệp sẽ giảm áp lực vốn, chi phí sản xuất. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng tính khả thi cho chiến lược mở rộng quy mô sản xuất”, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TPHCM nói.
Về nội tại, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải thay đổi khi “chọn lọc” đối tác cung ứng. Theo bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, doanh nghiệp Việt có ưu thế cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cơ khí, nhất là sản phẩm liên quan đến nguyên liệu nhôm, đồng, nhựa… được ưa chuộng rất lớn tại thị trường Hoa Kỳ, Nhận Bản, Hàn Quốc.
Cùng với nỗ lực chuyển mình, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn trong việc tiếp cận thị trường, đối tác. Đặc biệt, Bộ Công Thương sớm chỉ đạo tham tán thương mại tại các nước hỗ trợ rà soát nhu cầu thị trường và kịp thời cung cấp cho doanh nghiệp trong thời gian tới.