Sau khi tăng mạnh vào tháng trước do lực đẩy chính của việc tăng học phí, tháng này, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của thành phố Hồ Chí Minh đã quay đầu giảm ở mức 0,03% so với tháng trước.
Như vậy, sau 10 tháng, CPI của thành phố đã tăng 2,38%.
Ở một gốc so sánh khác, so với cùng tháng năm trước, CPI vẫn tăng 2,96%.
Việc CPI quay đầu giảm điểm đã gây bất ngờ cho khá nhiều người bởi trong 4 năm gần đây tháng 10 chỉ số CPI luôn tăng so với tháng trước.
CPI chung tháng này âm là bởi có tới 5/11 nhóm hàng chính giảm giá so với tháng trước trong đó có những nhóm hàng chiếm trọng số cao như hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhà ở và vật liệu xây dựng…
Hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã giảm tháng thứ 2 liên tiếp ở mức 0,08%, trong đó lương thực giảm 0,01%, thực phẩm giảm 0,15% và ăn uống ngoài gia đình tiếp tục không đổi so với tháng trước.
Trong đà giảm giá của thực phẩm cộng với giá xăng, dầu liên tục giảm trong thời gian qua nhiều chuyên gia dự báo giá của nhóm hàng quan trọng này sẽ không tăng cao thậm chí còn duy trì đà giảm trong thời gian tới. Nếu vậy, tác động đến chỉ số chung sẽ thấp và khả năng CPI năm 2014 về đích dưới mức mục tiêu kế hoạch hoàn toàn có thể xảy ra.
Cũng do ảnh hưởng của giá xăng dầu giảm, chỉ số giá nhóm giao thông giảm 1,11% trực tiếp do giá xăng, dầu các loại giảm. Giá cước vận tải hành khách của các hãng taxi hay xe khách chưa được điều chỉnh theo.
Cũng cùng nguyên nhân do giá xăng dầu, chỉ số giá nhà ở, vật liệu xây dựng giảm 0,09% trong khi nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép giảm 0,02% do nhu cầu mua sắm các bộ đồ đồng phục người dân đã giảm sau khi các trường đã nhập học.
Ở chiều ngược lại, một số trường học trên địa bàn thành phố mới áp dụng khung học phí mới theo lộ trình đã khiến chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 1,28% so với tháng trước.
Các nhóm hàng khác dao động nhẹ dưới 0,1%.
Trong tháng, theo diễn biến của giá thế giới, hai mặt hàng đặc biệt không được tính vào chỉ số giá là vàng và đô la Mỹ lại diễn biến trái chiều khi lần lượt ghi nhận ở các mức giảm 1,35% và tăng 0,23% so với tháng trước.