Nhiều năm qua, TPHCM luôn cho thấy sức hấp dẫn của một trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam. TP luôn là điểm đến của các doanh nghiệp nước ngoài, là nơi được đánh giá cao về môi trường kinh doanh. Đại diện Tổng lãnh sự Anh và Thụy Sĩ tại TPHCM đã chia sẻ những cảm nhận về sức quyến rũ tại trung tâm kinh tế Việt Nam.
Sức mạnh năng động
Theo Tổng lãnh sự Anh tại TPHCM, ông Douglas Barnes, khi ông nhậm chức vào năm 2012 đúng thời điểm nền kinh tế Việt Nam bị tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Triển vọng kinh doanh khi đó không mấy khả quan, không còn nhiều khoản đầu tư chảy vào Việt Nam, nhiều dự án bị đình hoãn.
Tuy nhiên, 3 năm qua đã chứng kiến một sự thay đổi rất tích cực, đặc biệt trong năm 2014. Có được điều này, theo ông Douglas Barnes, là nhờ sự phục hồi của kinh tế toàn cầu kết hợp với việc Việt Nam giải quyết được các vấn đề kinh tế của riêng mình, như vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Nhưng điều đang làm cho Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài nằm ở gói cải cách của Chính phủ.
Từ việc nới lỏng quy định để các nhà bán lẻ nước ngoài được phép thâm nhập thị trường cho đến những cải cách về đầu tư, tài chính, đất đai, tất cả đã góp phần làm gia tăng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong nửa đầu năm 2015 cao hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Sự biến chuyển này có thể thấy rõ thông qua số lượng các dự án xây dựng đang được tiến hành tại TPHCM. Hầu như không có đường phố nào ở trung tâm TP không có bóng dáng của những công trình đang xây dựng. Từ các tòa nhà văn phòng mới, chung cư, cửa hàng bán lẻ cho đến hệ thống đường sắt đô thị, tất cả đều cho thấy sự lạc quan về tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của trung tâm kinh tế Việt Nam. Sức mạnh của TPHCM nằm ở sự năng động và nhiệt huyết kinh doanh của người dân” - Douglas Barnes nói.
Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải tiếp Thủ trướng Liên hiệp Vương quốc Anh |
Một điểm nữa cũng được ông Douglas Barnes nhắc đến là ấn tượng mạnh với thái độ làm việc và tính cầu thị trong công việc của người dân TPHCM. Điều này đặt thách thức với chính quyền TP làm sao để tiếp tục khai thác và phát huy sức mạnh của nguồn nhân lực có kỹ năng này, để góp phần vào sự phát triển của TP.
Theo bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh năm 2014, TPHCM đứng thứ 4 bảng tổng sắp. Đây là sự đánh giá cao dành cho TPHCM nhưng không vì thế TP cảm thấy thỏa mãn bởi vẫn còn 3 tỉnh, thành khác xếp trên về năng lực cạnh tranh. Làm sao để tăng cường sức cạnh tranh, thu hút được đầu tư nhiều hơn là điều TPHCM phải hướng đến.
Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Vì thế, nhu cầu về nhân tài phục vụ cho nền kinh tế tri thức sẽ ngày một tăng. TPHCM cũng giống như bất kỳ nơi nào khác cần phải tạo một môi trường hấp dẫn để những người giỏi cảm thấy muốn sống và làm việc, cống hiến.
Ngoài ra, TP cũng phải là nơi cung cấp lực lượng lao động có kỹ năng trong bối cảnh đòi hỏi của các nhà tuyển dụng đang ngày càng khắt khe hơn. Do đó, để thành công, những cải tiến trong giáo dục, đặc biệt là đào tạo nghề sẽ rất quan trọng. Cần tập trung đầu tư mạnh hơn cho giáo dục-đào tạo để có được lực lượng lao động lành nghề.
Tốc độ phát triển của nền kinh tế toàn cầu hiện rất nhanh. Trong bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào, khả năng cạnh tranh đang ngày càng dựa vào sự linh hoạt và phản ứng nhanh với hoàn cảnh thay đổi. Không thay đổi sẽ bị tụt hậu. TPHCM cần bắt kịp với sự thay đổi đó và tiến hành những cải cách từ luật pháp đến những quy định. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục tạo môi trường kinh doanh và môi trường sống tốt để nhà đầu tư và các doanh nghiệp có thể phát triển.
Cửa ngõ giao thương
Có thể nói, TPHCM đang được xem là điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Anh. Các doanh nghiệp Anh, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính như HSBC, Standard Chartered và Prudential đã chọn TPHCM là điểm khởi đầu thâm nhập thị trường.
Tổng lãnh sự Anh chia sẻ, trong buổi dự lễ khai trương cửa hàng thứ hai của Marks and Spencers, công ty thời trang của Anh, tại trung tâm thương mại Crescent Mall, đại diện Marks and Spencers cho biết đến năm 2020 sẽ mở thêm 20 cửa hàng nữa tại Việt Nam. Những thương hiệu nổi tiếng khác như hãng xe hơi Mini, Land Rover/Jaguar cũng đã có đại lý tại TPHCM.
Trong khi đó, Hiệp hội các Doanh nghiệp Anh tại Việt Nam (BBGV) cũng đang nỗ lực thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp Anh tại TPHCM phát triển thương mại. Bản thân Tổng lãnh sự quán Anh cũng thường xuyên trao đổi với UBND TPHCM, kết nối với các sở, ban, ngành TP để thúc đẩy quan hệ thương mại song phương.
Về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, Anh và Việt Nam đang có những bước tiến lớn. Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Anh David Cameron đã có cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. Cả 2 nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác trong giáo dục và đào tạo trong mối quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực của 2 nước.
Trong 20 năm qua, Hội đồng Anh đã có sự hợp tác thành công và hiệu quả với Bộ Giáo dục-Đào tạo, các sở giáo dục và đào tạo ở cấp tỉnh, thành trong các lĩnh vực khác nhau. Theo Hiệp định đối tác chiến lược Việt Nam-Anh, giáo dục là 1 trong 5 lĩnh vực 2 bên thực hiện để thúc đẩy mối quan hệ song phương. Tổng Lãnh sự quán Anh và Cơ quan Thương mại và đầu tư Anh (UKTI) luôn mong muốn hợp tác chặt chẽ với Sở Giáo dục-Đào tạo TPHCM để từ đó Anh có thể đóng góp được nhiều hơn trong việc hỗ trợ phát triển chất lượng nâng cao tiêu chuẩn của giáo dục của TP.
Trong khi đó, đại diện của Tổng lãnh sự quán Thụy Sĩ tại TPHCM cho rằng TPHCM là cửa ngõ, trung tâm kinh tế của Việt Nam. TP có lợi thế đa dạng lĩnh vực kinh doanh từ khai mỏ, nông nghiệp, chế biến lương thực, công nghiệp và kỹ thuật cơ khí, xây dựng đến du lịch, tài chính và dịch vụ hậu cần.
Tăng trưởng kinh tế của TPHCM cũng rất cao, như năm 2011, GDP đạt khoảng 10%, gấp 1,5 lần so với mức trung bình của cả nước. Lâu nay, TPHCM luôn là nơi có môi trường kinh doanh tốt và khu vực kinh tế tư nhân năng động. Thời gian gần đây, TPHCM đã phát triển đúng hướng khi tập trung nhiều hơn vào phát triển dịch vụ (chiếm đến 60% GDP), các ngành công nghiệp và xây dựng (39% GDP). TPHCM cũng là nơi dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chiếm khoảng 30% FDI của cả nước. Hơn nữa, việc đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng hiện nay như hệ thống metro, khu đô thị mới Thủ Thiêm... cũng góp phần vào sự tăng trưởng của kinh tế TP.
Khu Đông - cửa ngõ giao thương của TPHCM với hạ tầng hoàn chỉnh. Ảnh: LONG THANH |
Phát triển đúng hướng
Tổng lãnh sự Anh tin tưởng mối quan hệ hợp tác giữa Anh và TPHCM sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Trong chuyến thăm TP của Thủ tướng Anh David Cameron tháng 7 vừa qua, bên cạnh 3 vị bộ trưởng là phái đoàn 28 doanh nghiệp của Anh. Họ đều là chủ tịch hoặc CEO của các doanh nghiệp. Điều này đã cho thấy sự quan tâm của doanh nghiệp Anh đối với TPHCM.
Ông Douglas Barnes cho biết: “Thỏa thuận về nguyên tắc Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam ký kết vừa qua là một bước tiến trong quan hệ 2 bên và nhờ đó sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa về thương mại và đầu tư giữa Anh và Việt Nam. TPHCM sẽ là nơi các doanh nghiệp Anh có thể tìm thấy môi trường đầu tư thuận lợi cho các lĩnh vực có thế mạnh như tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, phát triển cơ sở hạ tầng, dầu và khí đốt”.
Môi trường đầu tư năng động, lợi thế về mặt địa lý (gần các trung tâm kinh tế khác trong khu vực như Bangkok, Singapore hay Kuala Lumpur) cùng với lực lượng lao động có kỹ năng, truyền thống của một vùng đất kinh tế, môi trường cho người nước ngoài sinh sống được đánh giá cao, đã biến TPHCM trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, trong đó có Thụy Sĩ.
Đến nay, Thụy Sĩ đã đầu tư vào Việt Nam khoảng 2 tỷ USD với hơn 100 dự án ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Thụy Sĩ là nhà đầu tư lớn thứ 4 của châu Âu tại Việt Nam, trên cả Đức và Italia. Hầu hết dự án FDI của Thụy Sĩ đều tập trung ở TPHCM và các tỉnh lân cận như Đồng Nai và Bình Dương.
Với lợi thế vị trí dễ tiếp cận, lao động có kỹ năng và cơ sở hạ tầng tốt, các doanh nghiệp Thụy Sĩ đã đầu tư vào TPHCM như công nghệ thông tin, dịch vụ hậu cần và thiết kế. Hiện Thụy Sĩ có 36 dự án FDI tại TPHCM, còn các dự án FDI về sản xuất của Thụy Sĩ tập trung ở Đồng Nai và Bình Dương. Hiện có khoảng 60 công ty Thụy Sĩ đặt văn phòng đại diện tại TPHCM và các tỉnh, thành lân cận, tạo khoảng 10.000 công ăn việc làm.
Theo Cơ quan Hải quan Thụy Sĩ, năm 2014, Thụy Sĩ xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam trị giá 436 triệu USD, trong khi nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam là 987,48 triệu USD. Tháng 6 vừa qua, với việc khai trương Tổng lãnh sự quán tại TPHCM, Thụy Sĩ kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa 2 nước mạnh mẽ hơn nữa, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp Thụy Sĩ tại miền Nam Việt Nam.