Các đơn vị thi công đang dồn lực và quyết tâm hoàn thành vào dịp 30-4-2025 thay vì cuối năm 2025 như kế hoạch. Đây là áp lực nhưng cũng là động lực để các bên có liên quan cố gắng, quyết tâm sớm đưa công trình vào phục vụ nhân dân.
Các dự án cải tạo kênh rạch ở TPHCM đã mang lại môi trường sống trong lành, nâng cao đời sống người dân. Nhiều dòng kênh trở nên trong xanh, sạch đẹp hơn, mang lại một diện mạo mới cho thành phố như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, rạch Xuyên Tâm… hiện đang tiếp nối quá trình chỉnh trang đô thị.
Hiện 10/10 gói thầu của dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đã triển khai thi công đồng loạt trên địa bàn 7 quận, huyện. Năm nay tập trung thi công hoàn thành các hạng mục kè, hệ thống thoát nước, đường giao thông, nền công viên và hệ thống chiếu sáng trên toàn tuyến. Theo kế hoạch, năm 2025 sẽ tập trung thi công hoàn thành các hạng mục còn lại.
Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên là dự án trọng điểm thuộc đề án chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2045, kết hợp cùng các dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương - Bến Cát, lưu vực Tây Sài Gòn.
Dự án có chiều dài tuyến 31,46km đi qua địa bàn 7 quận, huyện. Đây là một dự án đi trong lòng đô thị của TPHCM, có rất nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật hiện hữu khác như cầu giao thông, cống băng ngang kênh, đường ống cấp nước…
Công trình cải tạo rạch Tham Lương - Bến Cát giai đoạn 2 được khởi công từ tháng 2-2023 với kỳ vọng giải quyết tiêu thoát nước, chống ngập cho 14.900ha đất của thành phố, giải quyết ô nhiễm, kết nối hạ tầng giao thông các khu dân cư quanh tuyến kênh, tăng năng lực giao thông đường bộ và đường thủy.
Dự án có tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng gồm xây dựng đường bờ kè 63km, nạo vét kênh, xây dựng đường giao thông hai bên bờ giúp giảm áp lực giao thông nội đô. Hiện đơn vị thi công đang dồn lực và quyết tâm hoàn thành vào dịp 30-4-2025, thay vì cuối năm 2025 như kế hoạch.
Đây là áp lực nhưng cũng là động lực để các bên có liên quan cố gắng, quyết tâm sớm đưa công trình vào phục vụ nhân dân, góp phần chỉnh trang đô thị TPHCM trong thời gian tới.