TPHCM - Hàng hóa ùn ứ tại cảng

Để kéo giảm ùn tắc giao thông, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 66/2011 hạn chế xe tải lưu thông vào khu vực nội thành từ 6 giờ đến 24 giờ. Sau gần 1 tháng triển khai, nhiều lãnh đạo cảng biển và DN bày tỏ sự đồng tình với giải pháp cải thiện giao thông của TP, tuy nhiên cũng tha thiết mong TP sớm có phương án giúp DN giải phóng hàng trăm ngàn tấn hàng đang ùn ứ tại các cảng, do thời gian xe lưu thông ra vào cảng quá ngắn.

Để kéo giảm ùn tắc giao thông, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 66/2011 hạn chế xe tải lưu thông vào khu vực nội thành từ 6 giờ đến 24 giờ. Sau gần 1 tháng triển khai, nhiều lãnh đạo cảng biển và DN bày tỏ sự đồng tình với giải pháp cải thiện giao thông của TP, tuy nhiên cũng tha thiết mong TP sớm có phương án giúp DN giải phóng hàng trăm ngàn tấn hàng đang ùn ứ tại các cảng, do thời gian xe lưu thông ra vào cảng quá ngắn.

Hàng ứ tại cảng ngày càng nhiều

Sáng 24-11, con đường Bùi Văn Ba dẫn vào cảng Tân Thuận 2 vắng vẻ hơn mọi hôm. Thực tế này khác hẳn so với cách đây hơn nửa tháng, khi đó từng đoàn xe tải rồng rắn nối đuôi ra vào cảng “ăn hàng” 24/24 giờ. Vào sâu trong khu vực kho bãi hay tại cầu cảng, không khí làm việc càng im ắng hơn.

Theo Quyết định 66 của UBND TPHCM, đoạn đường từ Khu chế xuất Tân Thuận - Huỳnh Tấn Phát - cầu Phú Mỹ - tỉnh  lộ 25B - cảng Cát Lái hoặc các cảng ICD và ngược lại không được lưu thông, trong khi đó tuyến đường này chiếm 80% số lượng hàng hóa ra, vào Khu chế xuất Tân Thuận.

Bình thường Tân Thuận 2 là một trong những cảng hoạt động khá nhộn nhịp, giờ cao điểm luôn có 200 nhân viên thường trực bốc dỡ hàng hóa. Tuy nhiên, hiện nay trong gần một buổi sáng chúng tôi ghi nhận chỉ có vài chục nhân viên.

Ông Trần Khánh Lâm, Phó Giám đốc cảng Tân Thuận 2, cho biết cảng đang ùn ứ khoảng 20.000 tấn hàng trong khi công nhân thiếu việc làm suốt nửa tháng qua. Trước tình trạng hàng hóa dồn ứ, nhiều tàu lớn chọn cảng khác khiến Tân Thuận 2 phải tinh giảm nhân viên, cắt giảm giờ làm việc.

Hoạt động xuất nhập hàng hóa đình trệ, kho bãi không còn chỗ chứa, hàng chục ngàn tấn thép cuộn nằm phơi ngoài trời nhiều ngày đã hoen rỉ, nhiều chủ hàng phàn nàn”.

Cũng lâm vào tình cảnh tương tự, cảng Biển Đông gần đó đang hoạt động cầm chừng. Ông Nguyễn Bảy, Giám đốc cảng, than: “Đã một tuần qua chúng tôi chưa thể giải phóng xong 3.000 tấn gạo trên 1 con tàu, mọi khi chỉ cần 1-2 ngày là xong”.

Tại cảng Lotus, tình trạng hàng hóa ứ đọng còn nặng hơn. Toàn bộ mặt bằng cảng rộng hơn 15ha đã lấp đầy container. Các thiết bị chuyên dụng như cần cẩu, xe nâng, xe đầu kéo, xe chụp container… đều nằm bất động.

Ông Dương Thanh Khang, Phó Giám đốc khai thác cảng Lotus, không giấu được lo lắng: “Trung bình mỗi tháng cảng Lotus tiếp nhận 100.000-150.000 tấn sắt thép, nông sản, hàng tiêu dùng... Do lượng xe ra vào cảng nhận hàng quá ít nên cảng Lotus đang “ngập” 100.000 ngàn tấn hàng. Nếu không giải phóng được hàng trong vài ngày tới, cảng buộc phải ngưng tiếp nhận tàu”.

Nhiều cảng khác như Rau Quả, Nhà Rồng - Khánh Hội… cũng gặp khó khăn trong việc giải phóng hàng hóa, trong đó chủ yếu là những loại hàng nông sản, thực phẩm đông lạnh khó bảo quản.

Kế hoạch sản xuất đảo lộn

Cảng Tân Thuận 2 vừa đầu tư 50 tỷ đồng để mua thiết bị và xe cẩu siêu trường, siêu trọng. Hiện nay những thiết bị này đang đứng trước nguy cơ “trùm mền”, trong khi trung bình cảng phải trả nợ và khấu hao thiết bị, máy móc hơn 100 triệu đồng/ngày.

Tuy nhiên, việc ùn ứ hàng hóa không chỉ là nỗi lo của các cảng, mà nhiều chủ hàng cũng đang như “ngồi trên lửa” vì phải gánh thêm nhiều chi phí hàng lưu kho bãi (khoảng 30.000 đồng/1 container/1 ngày), phí vận tải tăng 10-15%, kế hoạch sản xuất gián đoạn, bị phạt do trễ hạn giao hàng…

“Chúng tôi kẹt 6.000 tấn thép cuộn tại cảng Lotus trong 10 ngày qua. Theo kế hoạch, lượng thép này chúng tôi nhập về để sản xuất thép ống theo đơn đặt hàng của khách hàng trong nước và xuất sang Campuchia. Chưa lấy được hàng, chúng tôi thiệt đơn, thiệt kép bởi chi phí phát sinh, lao động nghỉ việc, thiếu nguyên liệu sản xuất và thất tín với đối tác. Cứ đà này, chúng tôi rất khó hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm nay” - ông Nguyễn Văn Hiền, đại diện Công ty Thép Việt Thành (Tân Túc, huyện Bình Chánh TPHCM), than thở.

Theo đại diện nhiều cảng và DN, việc hạn chế giờ xe tải lưu thông tại một số tuyến đường vào nội thành và cấm xe tải trên vài tuyến đường ở quận 7 chính là nguyên nhân khiến xe tải không thể ra vào những cảng này.

Ông Dương Thanh Khang chia sẻ: “Tôi thấu hiểu những nỗ lực của lãnh đạo TP trong công tác chống ùn tắc giao thông. Tuy nhiên TP cần nghiên cứu kỹ lưỡng những tác động trên thực tế của quy định mới. Hiện quy định xe tải chỉ được ra vào cảng 6 giờ trong đêm đã hạn chế rất nhiều việc khơi thông hàng hóa, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất chung của nhiều cảng và DN”.

Tổ chức lại giao thông hợp lý

Theo ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TPHCM, để DN  không bị đảo lộn kế hoạch sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa, TP cần điều chỉnh lại quy định về thời gian cấm xe tải nặng lưu thông đối với các tuyến đường ra vào nội đô, cho phép xe chạy từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau.

Bởi vì sau thời điểm 22 giờ, mọi hoạt động trên đường phố ít diễn ra, giao thông thông thoáng, xe tải nặng lưu thông không ảnh hưởng nhiều đến việc đi lại của người dân.

Do kho bãi không còn chỗ chứa, hàng cập cảng buộc phải để trên tàu. Ảnh: M. TUẤN

Do kho bãi không còn chỗ chứa, hàng cập cảng buộc phải để trên tàu. Ảnh: M. TUẤN

Như vậy sẽ tạo điều kiện cho công ty, xí nghiệp, kho hàng, lực lượng lao động thu xếp được giờ làm việc tốt hơn, sinh hoạt của người lao động ít xáo trộn, hạn chế được một phần đáng kể phí phát sinh DN phải nộp cho các hãng tàu nước ngoài do trễ hạn lưu container.

Đồng thời sẽ phát huy được năng lực vận chuyển hàng hóa của các DN. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu tiếp tục cho phép xe tải nặng được phép lưu thông trên tuyến đường liên cảng: xa lộ Hà Nội - cầu Sài Gòn - Nguyễn Hữu Cảnh - Tôn Đức Thắng - Nguyễn Tất Thành và ngược lại trong khung từ 9-16 giờ hàng ngày, vì hầm Thủ Thiêm đã kết nối đại lộ Đông Tây.

Ông Chung cũng đề nghị, không hạn chế thời gian lưu thông đối với đường Trần Xuân Soạn (đoạn từ đường Huỳnh Tấn Phát đến cầu Rạch Ông, quận 7). Hàng ngày có một khối lượng hàng hóa rất lớn từ các cảng Vict, Bến Nghé, Khánh Hội được vận chuyển qua tuyến đường này đến các bến bãi hàng dọc bờ sông trên đường. Do xe vận tải bị hạn chế thời gian nên ảnh hưởng lớn đến tiến độ trung chuyển hàng hóa về miền Tây qua con đường này.

Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TPHCM, Công ty TNHH MTV Cảng Sài Gòn đã có văn bản kiến nghị Sở GT-VT TPHCM và các khu quản lý giao thông trực thuộc thay đổi phương án lưu thông. Mới đây, Sở GT-VT TPHCM đã làm việc với lãnh đạo các cảng gặp khó khăn trong việc lưu thông hàng hóa để báo cáo lên UBND TP tìm biện pháp tháo gỡ.

Do đây là thời điểm các DN chạy nước rút để hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh cả năm, nên tình trạng ùn ứ hàng hóa tại cảng cần được sớm giải quyết. Nếu không khó khăn này không chỉ ảnh hưởng đến DN mà còn ảnh hưởng đến kinh tế của TPHCM.

Các tin khác