Hiện đại, tiện ích
Lâu nay, khi nói đến các di sản kiến trúc-lịch sử, chúng ta thường nói đến các công trình được tạo dựng từ đầu 1865 đến khoảng 1920 mang phong cách kiến trúc châu Âu, trong đó phải kể đến như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP, Dinh xã Tây (nay là trụ sở UBND TPHCM), Nhà hát lớn, Tòa án nhân dân, Khách sạn Continental…
Nhưng có dòng sản phẩm kiến trúc được tạo dựng sau năm 1954 theo trường phái hiện đại, tuy số lượng các công trình mang dấu ấn không nhiều nhưng lại được sử dụng rất hữu dụng cho đến ngày hôm nay. Giai đoạn sau 1954, ở Sài Gòn xuất hiện đội ngũ đông đảo kiến trúc sư (KTS) được đào tạo bài bản từ Mỹ, Pháp, Italia và trong nước.
Trong số đó có nhiều KTS danh tiếng như Ngô Viết Thụ, Tô Công Văn, Phạm Văn Thắng, Nguyễn Quang Nhạc, Nguyễn Hữu Thiện, Nguyễn Bá Lăng, Bùi Quang Hanh… Chính họ đã đặt nền móng cho một nền kiến trúc hiện đại mang tính quốc tế nhưng vẫn giữ được tinh thần dân tộc và phù hợp với khí hậu nhiệt đới.
Từ 1954-1975 do nhiều lý do như chiến tranh, khả năng tập trung nguồn tài chính và nhân lực bị hạn chế, số công trình xây dựng có tầm cỡ không nhiều. Ngoài sân bay Tân Sơn Nhất, cầu Sài Gòn, Xa lộ Biên Hòa, Xa lộ Đại Hàn, ở Sài Gòn xuất hiện một số công trình kiến trúc hiện đại, được coi là điểm nhấn của nội thị.
Cụ thể khoảng 13 công trình kiến trúc được coi có giá trị như Tòa đại sứ quán Mỹ (đã bị xóa sổ), Dinh Độc Lập (1966 - nay là Dinh Thống Nhất), Bệnh viện Thống nhất (1972), Bệnh viện Chợ Rẫy (1974), các khách sạn Caravelle (1957), Palace (1972), Rex (1959), Arc-en-ciel ở Chợ Lớn, Viện trao đổi văn hóa với Pháp (IDECAF), Ngân hàng tín dụng trên đường Hàm Nghi, Thư viện khoa học Tổng hợp (1967), Chùa Xá Lợi (1958), Chùa Vĩnh Nghiêm (1971).
Đặc điểm chung của các công trình này là tính chất hiện đại về thiết kế, vật liệu xây dựng và tính thích nghi. Vào thời kỳ này Sài Gòn đã nhập các loại vật liệu xây dựng mới từ Mỹ, Nhật Bản như betong, thép, nhôm, kính, inox, gạch men, gỗ nhân tạo và các thiết bị nội thất hiện đại (thang máy, máy điều hòa nhiệt độ), cùng với đó là các kỹ thuật thi công, máy móc hiện đại, cho phép các KTS và kỹ sư xây dựng những tòa nhà cao tầng, hoành tráng.
Ngay chùa Vĩnh Nghiêm so với các chùa khác vào thời ấy được coi có thiết kế rất hiện đại, sử dụng vật vật liệu xây dựng mới, các bố cục không gian chức năng rất hợp lý so với các chùa truyền thống, nhất là việc xử lý các luồng không khí đối lưu tạo thông thoáng, dù đông người vẫn không cảm thấy bức bối ngộp thở.
Nhìn chung các công trình này theo trường phái “Chủ nghĩa công năng”, hướng đến tiện ích, sử dụng triệt để phục vụ đời sống, không trang trí rườm rà, màu sắc đơn giản, ngôn ngữ kiến trúc rành mạch, đường nét dứt khoát, ngang bằng sổ thẳng. Việc trang trí nếu có không phải là “duy mỹ” thuần túy mà phục vụ cho những chức năng khác.
Chẳng hạn, mặt tiền của Bệnh viện Thống Nhất sử dụng bức tường hoa gió, không chỉ làm đẹp còn che chắn nắng và gió, góp phần làm nổi bật khối nhà. Có thể nói, các công trình xây dựng giai đoạn này ảnh hưởng triết lý thực dụng của người Mỹ “cái đẹp là cái có ích”, nên hầu như không có diện tích và bố cục thừa. Bất cứ không gian dù nhỏ hẹp, lối đi, ban công, ô cửa trổ ra hay thảm cỏ đều được tính toán kỹ lưỡng và mang lại lợi ích cho người sử dụng.
Đậm hồn cốt văn hóa truyền thống
Đậm hồn cốt văn hóa truyền thống
Trong 12 công trình này, hầu hết có kiến trúc khối hộp vuông hay chữ nhật chồng lên nhau theo chiều thẳng đứng như các khách sạn Caravelle, Palace, hay xếp kế nhau theo phương vị ngang như Thư viện Tổng hợp, nhưng chúng quyện vào với nhau và với các công trình xung quanh rất hài hòa, có tính thẩm mỹ cao.
Một số công trình kiến trúc hiện đại nhưng lại mang được hồn cốt văn hóa truyền thống, chẳng hạn mặt tiền của Dinh Độc Lập được thiết kế theo hình dáng các đốt tre, trúc vừa để che nắng, giảm nhiệt từ bên ngoài, vừa hạn chế tầm nhìn trực diện vào bên trong nội thất của dinh; hay mặt tiền của Thư viện Tổng hợp được trang trí bằng hình các linh vật rồng, phượng cách điệu. Thực tế, các công trình này không quá độc đáo về kiến trúc, nhưng ai có dịp đến tham quan đều có ấn tượng, bởi mỗi công trình mang lại vài hình ảnh không quên.
Chẳng hạn, Bệnh viện Thống Nhất gây ấn tượng về đường dốc cong hai bên dẫn vào tầng 1 với mái đón lớn ở ngay sảnh ra vào giống như vòng tay ôm, vừa tạo thuận tiện cho người bệnh và xe cộ tiếp cận với bệnh viện, vừa tạo ra cảnh quan đẹp, thân thiện. Hay mặt vát của khách sạn Rex, mặt đứng cong của khách sạn Palace cũng tạo ấn tượng mạnh.
Với tính hữu dụng và tính hợp lý, sau năm 1975 các công trình này được đưa vào sử dụng đúng công năng thiết kế ban đầu vốn có của nó. Do nhu cầu phát triển, ở những địa điểm này xây chèn thêm các công trình mới ở khách sạn Caravelle, hay cải tạo sân thượng ở khách sạn Rex, những công trình khác được giữ nguyên trạng, chỉ sơn phết, sửa chữa duy tu. Sau hơn 50 năm những công trình này vẫn đang sử dụng trong tình trạng còn tốt.
Đặc biệt, trong quá trình chỉnh trang, cải tạo TP, nhiều công trình cũ phải phá bỏ, nhưng 12 công trình này vẫn được giữ lại nguyên trạng, ngoại trừ cổng vào chùa Vĩnh Ngiêm phải di dời vào 3m do mở rộng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
Sau năm 1990, TPHCM mọc lên nhiều công trình xây dựng hiện đại, cao tầng như Bitexco, Landmark 81, cùng các khu chung cư lớn của Vinhomes, Novaland… mà nếu so với nó, 12 công trình có trước 1975 quả rất khiêm tốn.
Tuy nhiên, hình ảnh của chúng đã in đậm trong ký ức rất nhiều người, nhất là người Sài Gòn đang định cư ở nước ngoài, mỗi khi trở về nước họ đều dạo qua những công trình này để tìm về ký ức một thời. Công bằng mà nói, các công trình này không chỉ có giá trị mang tính lịch sử của một giai đoạn, đến nay chúng vẫn còn giá trị sử dụng, giá trị thẩm mỹ.
Tính chất hàn lâm và kinh điển của kiến trúc của chúng và các tác giả xứng đáng có một vị trí trong danh mục các công trình kiến trúc cần bảo tồn của TPHCM, khi chỉ mươi năm nữa chúng sẽ trở thành di sản quý báu hơn 100 năm tuổi.