Kiến nghị gỡ vướng đầu tư cho Intel
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đề xuất của nhà đầu tư cho dự án giai đoạn 2 của Công ty Intel Products Việt Nam.
Trước đó, đầu năm 2021, Tập đoàn Intel có thông báo đầu tư thêm 475 triệu USD vào Intel Products Việt Nam (IPV) - nhà máy lắp ráp và kiểm định (ATM) có quy mô phòng sạch lớn nhất trong hệ thống Intel toàn cầu.
Đây là khoản đầu tư mới, bên cạnh khoản đầu tư 1 tỷ USD trước đó của Intel, để xây dựng cơ sở sản xuất thử nghiệm và lắp ráp chip hiện đại nhất tại Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) - dự án đã được công bố lần đầu vào năm 2006, nâng tổng vốn đầu tư của Intel tại Việt Nam hiện tại lên tới 1,5 tỷ USD.
Theo ông Kim Huat Ooi, Phó Chủ tịch Sản xuất và Vận hành kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Intel Products Việt Nam, khoản đầu tư bổ sung nhằm giúp tăng cường sản xuất các sản phẩm 5G của Intel, bộ xử lý Intel Core với Công nghệ Intel Hybrid và bộ xử lý Intel Core thế hệ thứ 10. Theo thống kê, tính đến cuối năm 2020, Intel Products Việt Nam đã mang hơn 2 tỷ sản phẩm đến tay khách hàng trên toàn thế giới. Trong đó, Intel Products Việt Nam là một phần quan trọng trong chuỗi sản xuất của Intel trên toàn thế giới.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, TPHCM đã báo cáo Thủ tướng về chính sách ưu đãi cho dự án tăng vốn đầu tư của Công ty Intel Products Việt Nam giai đoạn 2. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư phối hợp các bộ, ngành và TPHCM có ý kiến về đề xuất này. Trên cơ sở đánh giá hiệu quả giai đoạn 1, tác động giai đoạn 2 của dự án cùng những vấn đề liên quan, TPHCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận đề xuất của nhà đầu tư cho dự án giai đoạn 2 của Công ty Intel Products Việt Nam.
Tiếp nhận để bảo tồn giá trị lịch sử, kiến trúc
Cùng với đề xuất tháo gỡ khó khăn về đầu tư, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng kiến nghị vấn đề liên quan đến quản lý tài sản của các doanh nghiệp nhà nước, các công ty liên doanh có giá trị lịch sử, kiến trúc, vị trí đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Cụ thể, theo quyết định của Thủ tướng, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn TNHH MTV (Saigontourist) thuộc nhóm cổ phần hóa, nhà nước giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, Saigontourist đang quản lý 4 khách sạn có giá trị lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật ở trung tâm thành phố. Đó là Khách sạn Bến Thành - Rex Hotel, Khách sạn Cửu Long - Majestic Hotel, Khách sạn Hoàn Cầu - Continental Hotel và Khách sạn Kim Đô.
Ngoài ra, các doanh nghiệp nhà nước TPHCM thuộc diện cổ phần hóa đang có 29 khoản vốn góp liên doanh bằng quyền sử dụng đất. Đây là các khoản bên Việt Nam góp vốn bằng giá trị tiền thuê đất (trong một thời gian xác định) với các tổ chức nước ngoài để thành lập các công ty liên doanh.
Các khu đất công ty liên doanh đang sử dụng, bên cạnh những giá trị bảo tồn còn có vị trí quan trọng mang tính đảm bảo an ninh - quốc phòng. Do vậy, Nhà nước cần thiết phải quản lý 4 khách sạn và phần vốn góp tại các liên doanh này.
Từ đó, TPHCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương thành lập một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc TPHCM, để tiếp nhận, quản lý đối với 4 khách sạn thuộc Saigontourist và các khoản góp vốn liên doanh nêu trên, khi các doanh nghiệp nhà nước (bao gồm Saigontourist) thực hiện cổ phần hóa.
Một phương án khác là chấp thuận chủ trương không thực hiện cổ phần hóa Saigontourist, khi Thủ tướng phê duyệt danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2021 - 2025.