TPHCM mỗi năm giảm 700ha đất nông nghiệp

(ĐTTCO)- Sở NN&PTNT TPHCM vừa cho biết,  diện tích  đất sản xuất nông nghiệp Thành phố ngày càng giảm, mỗi năm bình quân giảm gần 700 ha. 

TPHCM mỗi năm giảm 700ha đất nông nghiệp
Để hạn chế quá trình suy giảm đất nông nghiệp, TP đã hạn chế mở rộng phát triển và chuyển đổi đất nông nghiệp quy mô lớn, nhờ đẩy mạnh các hoạt động khuyến nông, tập trung vào các chương trình chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống và đẩy mạnh áp dụng công nghệ, cải tiến kỹ thuật canh tác, cơ giới hóa trong sản xuất, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông nghiệp cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp.
Giá trị sản xuất bình quân nông - lâm - ngư nghiệp TP tăng đều qua các năm, GRDP nông lâm thủy sản năm 2021 ước đạt 8.086 tỷ đồng. Bình quân giai đoạn 2012 - 2021, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 4,2%/năm. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp của TP tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học; giảm diện tích trồng lúa, mía, muối hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện, đặc thù của nền nông nghiệp đô thị của TP như hoa lan, cây kiểng, cá cảnh, bò thịt lai, chim yến và thủy sản đặc sản.
TP đã hình thành một số mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả. Cụ thể, hiệu quả khi chuyển từ trồng lúa (lợi nhuận bình quân đạt 17 triệu đồng/ha/năm) sang trồng bắp sinh khối (lợi nhuận bình quân đạt 33 triệu đồng/ha/năm) gấp gần 2 lần so với trồng lúa; sang trồng rau các loại (lợi nhuận bình quân đạt 300-600 triệu đồng/ha/năm) gấp 17-35 lần so trồng lúa; sang trồng lan các loại (lợi nhuận bình quân đạt 800-1.000 triệu đồng/ha/năm) gấp 45-60 lần so với trồng lúa; sang nuôi tôm sú (thâm canh, bán thâm canh) lợi nhuận đạt gấp 10-25 lần so với trồng lúa.
Khi chuyển từ trồng mía (lợi nhuận bình quân đạt 10 triệu đồng/ha/năm) sang trồng mai nguyên liệu (lợi nhuận bình quân đạt 700 triệu đồng/ha/năm) gấp hơn 40 lần so với trồng mía.
Tuy nhiên, tỉ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế TP ngày càng giảm dần do nhiều nguyên nhân khách quan đặc biệt là chưa có nhiều giải pháp khai thác hết tiềm năng đất đai nông nghiệp TP về chính sách hỗ trợ, quy hoạch, chuyển giao tiến bộ, cơ giới hóa...; chưa thật sự phát huy tiềm lực ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng tỉ lệ diện tích ứng dụng công nghệ cao, đưa tỉ lệ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sinh học, đặc biệt đối với các sản phẩm chủ lực TP: rau, hoa, cây kiểng, bò sữa, heo, nước lợ và sản phẩm tiềm năng cá cảnh ứng dụng công nghệ cao.
Dù vậy ngành nông nghiệp TP còn phải đối đầu với nhiều khó khăn như tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, biến đổi khí hậu dẫn đến xâm nhập mặn, khô hạn… quy mô sản xuất hiện nay còn manh mún, chưa hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, do đầu tư phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị đòi hỏi vốn đầu tư lớn, trong khi nguồn đầu từ của người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp hạn chế, tiếp cận vốn vay ngân hàng khó khăn; nguồn nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn ngày càng thiếu; thủ tục đầu tư xây dựng các công trình phục vụ mô hình nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp đô thị trên đất sản xuất nông nghiệp còn nhiều vướng mắc chậm được tháo gỡ; kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa theo kịp yêu cầu đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học.

Các tin khác