Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Phạm Đức Hải thông tin tại buổi họp báo
Chiều 3-3, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM họp báo, cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn và các vấn đề dư luận quan tâm dưới sự chủ trì của Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, kiêm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Phạm Đức Hải.
Học sinh có kết quả âm tính sẽ được đến trường
Thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Phạm Đức Hải cho biết, tính đến 18 giờ ngày 2-3, TPHCM ghi nhận 539.836 trường hợp mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố, bao gồm 538.902 trường hợp trong cộng đồng, 934 trường hợp nhập cảnh.
Hiện đang điều trị 4.576 bệnh nhân, trong đó có 305 trẻ em dưới 16 tuổi, 58 bệnh nhân nặng đang thở máy, 7 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 2-3, có 879 bệnh nhân nhập viện, 549 bệnh nhân xuất viện, 2 trường hợp tử vong. Tổng số mũi vaccine đã triển khai tiêm đến ngày 2-3 là 8.117.846 mũi 1, 7.343.044 mũi 2, 674.046 mũi bổ sung và 4.082.382 mũi nhắc lại.
Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng Phòng chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT TPHCM) cho biết, đơn vị đã phối hợp với Sở Y tế có cuộc họp giao ban quán triệt, chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở giáo dục cố gắng tiếp tục triển khai các hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục, tăng cường kiểm soát dịch Covid-19 trong điều kiện dịch Covid-19 đang rất phức tạp trong các cơ sở giáo dục.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục phải đảm bảo duy trì hai hình thức dạy học vừa trực tiếp và trực tuyến để đảm bảo việc học tập cho những học sinh chưa thể đến trường học trực tiếp. Khi những học sinh này quay trở lại trường học tập trực tiếp, các trường phải rà soát lại và có kế hoạch bồi dưỡng cho những học sinh này.
Cũng theo ông Trịnh Duy Trọng, hiện nay các cơ sở giáo dục đã có quy định thống nhất về xử lý F1, F0. Cụ thể, khi trong lớp có 1 F0 thì y tế địa phương và cơ sở giáo dục sẽ phối hợp với nhau để xác định F1. Chỉ tiến hành xét nghiệm cho các đối tượng F1 khi có những biểu hiện và triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19.
“F1 nếu đã được tiêm vaccine thì chỉ cách ly ở nhà 5 ngày, còn chưa tiêm vaccine thì cách ly ở nhà 7 ngày. Sau thời gian cách ly, F1 xét nghiệm nếu âm tính thì sẽ được đến trường”, ông Trịnh Duy Trọng thông tin và cho biết, phụ huynh tự xét nghiệm nhanh tại nhà vào ngày thứ 5 đối với học sinh đã tiêm vaccine và ngày thứ 7 đối với học sinh chưa được tiêm vaccine và thông báo kết quả xét nghiệm cho giáo viên chủ nhiệm bằng hình ảnh kết quả xét nghiệm qua email hoặc qua zalo, tin nhắn… Trường hợp phụ huynh không có điều kiện xét nghiệm nhanh, phụ huynh có thể đến trạm y tế thực hiện và nhân viên y tế sẽ thông báo kết quả cho nhà trường qua hình thức trên. Kết quả âm tính gửi cho giáo viên chủ nhiệm là đủ điều kiện cho học sinh quay trở lại trường học.
Sẵn sàng tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi
Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), Sở Y tế đã chuẩn bị kế hoạch tiêm chủng cho trẻ 5-11 tuổi. Theo đó, tất cả trẻ từ 5 dưới 12 tuổi sinh sống học tập tại TPHCM đều được tiêm.
Dự kiến 970.000 trẻ gồm 3 nhóm đối tượng (trẻ đi học tiêm tại trường học, do cơ sở giáo dục, y tế địa phương sắp xếp và do ngành giáo dục lập danh sách; trẻ không đi học tiêm tại điểm tiêm cố định, lưu động do UBND các quận huyện, TP Thủ Đức bố trí và do Sở LĐTB-XH cung cấp danh sách; trẻ đang được điều trị tại các cơ sở y tế do các bệnh viện tiêm).
“Nguyên tắc triển khai tiêm từ lứa tuổi 11,10, 9 tuổi trở xuống dần. Dự kiến mũi 1 tiêm trong 10 ngày. Khi đủ thời gian tiêm mũi 2 sẽ tiêm mũi 2 và thời gian cũng diễn ra trong 10 ngày. Công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất”, ông Nguyễn Hồng Tâm thông tin.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM thông tin tại buổi họp báo
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch và phục hồi kinh tế TPHCM đang cùng với Sở Y tế theo sát tình hình dịch diễn ra trên địa bàn thành phố và đặt ra mục tiêu cố gắng phấn đấu trong 2 tuần tới sẽ vượt qua đỉnh dịch.
Để làm được điều đó, các đơn vị, UBND quận huyện, TP Thủ Đức và phường, xã, thị trấn phải thực hiện nghiêm đánh giá cấp độ dịch tại địa phương và khắc phục ngay điểm yếu của mình; kiểm soát tốt tình hình, phấn đấu vùng cam thành vùng vàng, và vùng vàng thành vùng xanh…
“Thành phố tiếp tục thực hiện mở đợt cao điểm mới bảo vệ người có nguy cơ từ nay đến hết 31-3. Đi từng ngõ, gõ từng nhà, cập nhật thêm các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ, tức là người trên 65 tuổi kèm theo bệnh nền, tầm soát người thuộc nhóm nguy cơ cao để kịp thời phát hiện F0; chủ động phát hiện người trong nhóm này chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều để vận động, thuyết phục tiêm cho đủ liều. Hạn chế lây lan cho nhóm người nguy cơ cao từ người thân trong gia đình”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai nhấn mạnh.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, TPHCM cũng sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp hạn chế lây lan từ trẻ em sang người thuộc nhóm nguy cơ và có hướng dẫn chăm sóc tại nhà cho trẻ mắc Covid-19. Tất cả trẻ dưới 12 tuổi có triệu chứng (sốt) cần được khám và tầm soát Covid-19. Với các hộ gia đình không đủ điều kiện cách ly riêng trẻ mắc Covid-19 với người thuộc nhóm nguy cơ cao, thì nên cho trẻ nhập viện và điều trị.
Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, dự kiến quý 3-2022 tuyến Metro số 1 sẽ chạy vận hành thử đoạn trên cao và đầu quý 4-2022 sẽ vận hành thương mại. Công trình lớn sẽ hoàn thành năm nay, chào mừng 30-4 và Quốc tế Lao động 1-5. Bên cạnh đó, sở phối hợp chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công thông xe cầu Thủ Thiêm và sẽ thông xe vào dịp 30-4. Cùng với đó, đường Tôn Đức Thắng, mặt đường sẽ được tái lập trước thông xe cầu Thủ Thiêm 2. Ngày 8-3 sẽ khai trương tuyến xe buýt đầu tiên từ Bến xe buýt Sài Gòn đến Vinhomes Grand Park (TP Thủ Đức). Sẽ có 4 tuyến tiếp tục trong năm 2022. |