Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2016-2020, thông qua 22 hợp đồng PPP đã ký kết, thành phố huy động được 64.244 tỷ đồng từ khu vực tư nhân để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện ngân sách thành phố còn hạn chế.
Huy động thêm nguồn lực
Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh có sáu dự án PPP đã hoàn thành, đưa vào sử dụng đều phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, hoàn thiện hệ thống giao thông đô thị của thành phố. Ðiển hình, dự án cầu Phú Mỹ, cây cầu dây văng lớn nhất thành phố Hồ Chí Minh nối quận 2 với quận 7, đã giúp việc lưu thông trên quốc lộ 1A từ miền bắc và miền trung đi đồng bằng sông Cửu Long qua địa phận thành phố được rút ngắn, góp phần giảm tải cho hệ thống giao thông cửa ngõ phía đông và phía nam thành phố.
Dự án đường Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài góp phần kết nối các khu công nghiệp, sân bay của thành phố, là tuyến đường huyết mạch phục vụ xuất khẩu, hỗ trợ việc phân luồng và cải thiện hệ thống giao thông trục nam-bắc thành phố. Dự án cầu Sài Gòn 2 trong vòng 18 tháng thi công (hoàn thành sớm ba tháng so với thời gian dự kiến) đã làm giảm ùn tắc giao thông ở khu vực cửa ngõ giao thông phía đông thành phố Hồ Chí Minh. Dự án xây dựng hoàn thành hai tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy đã góp phần đa dạng hóa loại hình giao thông, không chỉ góp phần làm giảm tình trạng kẹt xe mà còn mở ra cơ hội phát triển du lịch trên sông…
Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, thông qua quá trình triển khai thi công các dự án PPP, thành phố đã tiếp nhận được các kỹ thuật mới của nước ngoài trong thiết kế, thi công xây dựng; các kinh nghiệm trong quản lý điều hành dự án được chuyển giao hoặc chia sẻ, qua đó tạo nhiều việc làm cho người lao động, nâng cao năng lực cho đội ngũ kỹ sư, công nhân trong nước…
Cần tháo gỡ nhiều vướng mắc
Trong giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn thành phố vẫn còn 10 dự án PPP chưa hoàn thành và phải chuyển tiếp qua giai đoạn 2021-2025. Khởi công cuối năm 2017 đến tháng 11/2019, dự án vành đai 2, đoạn từ đường Phạm Văn Ðồng đến cầu vượt Gò Dưa (thành phố Thủ Ðức), dài 2,75km, phải ngừng xây dựng vì gặp khó khăn về phụ lục hợp đồng cũng như không có mặt bằng thi công.
Ðại diện Công ty Văn Phú-Bắc Ái (nhà đầu tư dự án) cho biết, công ty đã bỏ ra gần 2.000 tỷ đồng để thi công dự án và bồi thường giải phóng mặt bằng. Trong đó, lãi vay ngân hàng mỗi tháng gần 10 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa nhận được quyết định giao đất, ký phụ lục hợp đồng khiến nhà đầu tư khó khăn về tài chính, công tác hoạch định thi công, nhất là chốt thời gian hoàn thành công trình để bàn giao.
Còn trên công trường thi công cầu Tân Kỳ-Tân Quý (quận Bình Tân) cũng rơi vào cảnh im lìm, không một bóng người, chỉ có cỏ dại mọc um tùm phủ quanh các khối bê-tông, ống thoát nước, sắt thép ngổn ngang. Dự án đã ngừng triển khai từ cuối năm 2018 khi đã xây dựng đạt 70% khối lượng vì thiếu mặt bằng và vướng mắc các thủ tục pháp lý. Nhiều hộ dân sống gần khu vực thi công nhiều lần phản ánh, gần bốn năm qua, công trình bị rào chắn bịt bùng, vào giờ cao điểm, lượng xe lưu thông dồn về hai cầu tạm làm khu vực này thường xuyên bị ùn ứ.
Dự án cầu Bình Triệu 2 (phần 2, giai đoạn 2); dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) hiện cũng đã ngừng triển khai.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng, có ba nguyên nhân chính khiến các dự án PPP chậm tiến độ hoặc ngừng triển khai, đó là thời gian bàn giao mặt bằng chậm; thủ tục hành chính kéo dài, phức tạp và chậm giải ngân nguồn vốn vay tái cấp vốn. Các dự án như xây dựng bốn tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm; cầu Thủ Thiêm 2; đường vành đai 2, đoạn từ đường Phạm Văn Ðồng đến cầu vượt Gò Dưa... đều rơi vào tình trạng không có mặt bằng để thi công. Dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) phải dừng vì không tái cấp được nguồn vốn vay cho chủ đầu tư.
Bà Phan Thị Thắng cho biết thêm, trước khi luật liên quan PPP được ban hành, việc triển khai các dự án PPP được điều chỉnh bởi rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật (khoảng 15 luật, nghị định và 28 thông tư) nên rất phức tạp. Ðó là chưa kể các quy định này lại chưa nhất quán, chưa rõ ràng nên gây nhiều khó khăn cho nhà đầu tư thực hiện các thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Ngoài ra, hầu hết các dự án PPP đều trọng điểm, quy mô lớn đòi hỏi quy trình quản lý, công nghệ thi công phức tạp trong khi năng lực của nhà đầu tư và các đơn vị liên quan của thành phố còn hạn chế. Từ đó dẫn đến các khó khăn vướng mắc chưa kịp thời xử lý triệt để khiến thời gian thi công kéo dài, dự án đội vốn nhiều lần.
Ðể tháo gỡ các vướng mắc cho các dự án PPP đã ký kết, thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Trung ương bổ sung quy định thẩm quyền phê duyệt dự án PPP trên phạm vi hai tỉnh trở lên là Bộ trưởng; bổ sung quy định, hướng dẫn cụ thể cho phép dùng vốn ngân sách thanh toán cho nhà đầu tư phần khối lượng đã thi công (bao gồm cả lãi vay và các chi phí hợp pháp khác) và triển khai tiếp khối lượng còn lại để công trình sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.
Ðối với các dự án đang thi công dang dở, thành phố đã thành lập tổ công tác riêng để cập nhật tình hình hằng tuần, từ đó tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án. Riêng với các dự án PPP trọng điểm đang chuẩn bị đầu tư, HÐND thành phố đã thông qua nguồn vốn để thực hiện nghiên cứu tiền khả thi, lên kế hoạch kêu gọi đầu tư. Trong đó, ưu tiên triển khai sớm các dự án như cầu Thủ Thiêm 4, cầu đường Nguyễn Khoái, cầu đường Bình Tiên...