Do vậy, TPHCM đã thành lập các tổ công tác triển khai ngay cơ chế này với những dự án đang kêu gọi đầu tư.
Hiệu quả từ những dự án BOT, BT
Trước khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) 2020 có hiệu lực, TPHCM đã huy động nguồn lực xã hội đầu tư các dự án hạ tầng (khoảng 10.000 tỷ đồng) theo hình thức Hợp đồng BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao).
Các dự án này đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao điều kiện sống của người dân, đảm bảo an toàn giao thông, giảm kẹt xe, tăng cường lưu thông hàng hóa. Đơn cử dự án cầu dây văng Phú Mỹ nối quận 7 và TP Thủ Đức, có tổng chiều dài toàn tuyến gần 10km, trong đó phần cầu dài 2,5km.
Dự án do Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ làm chủ đầu tư, thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT ký với UBND TPHCM, tổng mức đầu tư là 2.510 tỷ đồng.
Cầu Phú Mỹ - một trong những dự án được đầu tư theo hình thức BOT. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Việc xây dựng cầu đã giúp tăng năng lực giao thông cho TPHCM và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; đồng thời giải quyết tình trạng ách tắc giao thông tại các khu vực trung tâm thành phố, các khu vực giữa quận 4, 7, huyện Nhà Bè, Bình Chánh và TP Thủ Đức, giải tỏa cơ bản tình trạng ách tắc giao thông cho khu vực trung tâm thành phố do các phương tiện vận tải ra vào các cảng không phải đi qua khu vực nội thành.
Ngoài ra, cầu Phú Mỹ còn nối kết trục Đông - Tây thành phố, đáp ứng năng lực thông xe khoảng 8.400 xe/giờ.
Đối với hình thức thanh toán bằng quỹ đất và tiền, TPHCM đã thực hiện thành công dự án xây dựng đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (nay là đường Phạm Văn Đồng, dài 13,6km). Tổng mức đầu tư xây dựng tuyến đường là 186 triệu USD (vốn nhà đầu tư) và chi phí giải phóng mặt bằng là 6.783 tỷ đồng (vốn ngân sách TPHCM). Dự án do Công ty GS & EC (Hàn Quốc) đầu tư theo hình thức BT.
Đây là dự án thí điểm đầu tiên do nhà đầu tư nước ngoài thực hiện theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng. Tuyến đường đưa vào sử dụng không chỉ đem lại bộ mặt mới cho đô thị, góp phần giải quyết hàng loạt vấn đề về giao thông, tăng tính kết nối đồng bộ giao thông trên địa bàn TPHCM mà còn giúp người dân từ các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai đến sân bay Tân Sơn Nhất nhanh chóng hơn.
Ngoài những dự án tiêu biểu nói trên, TPHCM cũng kêu gọi đầu tư thành công hàng loạt công trình, như dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2, cầu Kênh Tẻ 2, cầu Ông Lãnh, cầu Văn Thánh 2, cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Sài Gòn 2…
Thực tiễn đầu tư theo phương thức đối tác công - tư trong thời gian qua cho thấy đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư. Tổng mức vốn đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT đã được huy động trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2020 cho 22 dự án là khoảng 51.040 tỷ đồng.
Sẽ thu hút hàng trăm ngàn tỷ đồng
Sau khi Nghị quyết 98 được ban hành, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, đánh giá, đây là cơ hội cho hạ tầng giao thông TPHCM được đầu tư mạnh mẽ, đem lại hiệu quả thiết thực cho TPHCM.
Theo đó, về kế hoạch triển khai, thành phố sẽ thanh toán ngay cho nhà đầu tư nhằm giảm chi phí phát sinh lãi vay với hàng loạt dự án: xây dựng cầu Cần Giờ, tổng mức đầu tư dự kiến 12.500 tỷ đồng; xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái, tổng mức đầu tư dự kiến 2.812 tỷ đồng; nâng cấp mở rộng đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ nút giao An Phú đến đường Vành đai 2), tổng mức đầu tư dự kiến 1.124 tỷ đồng; mở rộng đường Ung Văn Khiêm và xây dựng nút giao Đài Liệt sĩ, tổng mức đầu tư dự kiến 3.196 tỷ đồng; xây dựng nút giao thông ngã tư Bốn Xã, tổng mức đầu tư dự kiến 1.727 tỷ đồng…
Theo ông Phan Công Bằng, thay vì trước đây các hình thức đầu tư là BOT hoặc BT (đổi đất lấy hạ tầng), thì nay các nhà đầu tư của các dự án nói trên sẽ được thanh toán bằng tiền mặt. Đây là hình thức đầu tư rất mới.
Đối với dự án theo hợp đồng BOT, trong quá trình nghiên cứu xác định danh mục dự án áp dụng cơ chế của Nghị quyết 98, TPHCM sẽ tổ chức lấy ý kiến đồng thuận của người dân nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của người dân, tránh tạo gánh nặng về thuế, phí và tình trạng khiếu kiện...
Xa lộ Hà Nội được nâng cấp và mở rộng. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Bên cạnh đó, TPHCM sẽ nghiên cứu ban hành một số quy định, như nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án để đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT; tổ chức lựa chọn đầu tư các dự án giao thông theo thứ tự ưu tiên phù hợp với hình thức đầu tư dựa trên lợi thế, đặc điểm của từng tuyến đường cũng như tính cấp thiết, liên thông trong hệ thống giao thông khu vực hiện hữu và theo định hướng quy hoạch.
Về danh mục các dự án đầu tư theo hình thức BOT sẽ triển khai trong thời gian tới, Sở GTVT TPHCM cho biết sẽ có các dự án: mở rộng quốc lộ 1, với tổng mức đầu tư sơ bộ 12.876 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 (đoạn từ nút giao An Sương đến đường vành đai 3), khoảng 1.200 tỷ đồng; mở rộng quốc lộ 13, hơn 12.190 tỷ đồng; xây dựng hoàn chỉnh và kéo dài trục Đông - Tây về phía Nam nối ra đường Vành đai 3, khoảng 13.837 tỷ đồng; mở rộng trục đường Bắc - Nam, 54.204 tỷ đồng; xây dựng cầu đường Bình Tiên (đoạn từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh), khoảng 6.218 tỷ đồng; đầu tư xây dựng đường trên cao số 5 (đoạn từ nút giao Trạm 2 đến nút giao An Sương), dự kiến khoảng 15.405 tỷ đồng.
“Nhằm thực hiện hàng loạt dự án này, với chính sách mới từ Nghị quyết 98, TPHCM sẽ thu hút khoảng 100.000 tỷ đồng xã hội hóa theo hình thức hợp đồng BOT”, ông Phan Công Bằng thông tin.
* Ông TRẦN QUANG LÂM, Giám đốc Sở GTVT TPHCM:
Sẽ giải ngân khoảng 30.000 tỷ đồng cho các dự án giao thông
Với hàng loạt dự án khởi động lại, cộng với các dự án khởi công mới, ngành giao thông thành phố sẽ đạt kỷ lục trong giải ngân về vốn đầu tư công - với khoảng 30.000 tỷ đồng cho các dự án giao thông.
Sau khi bố trí đủ vốn ngân sách cho các chương trình, dự án, nhiệm vụ trong tổng số vốn đầu tư công trung hạn ngân sách TPHCM đã được Quốc hội quyết định, trường hợp có tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn tăng thu ngân sách, HĐND TPHCM phân bổ cho các chương trình, dự án, nhiệm vụ mới và bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, báo cáo Quốc hội kết quả vào giữa kỳ và cuối kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn.
* Ông LƯƠNG MINH PHÚC, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM:
Tái khởi động nhiều dự án cầu, đường
Sau khi Nghị quyết 98 có hiệu lực, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM sẽ khẩn trương triển khai hàng loạt dự án cầu đang tạm dừng thi công do vướng giải phóng mặt bằng.
Cụ thể, cầu Phước Long và rạch Đĩa (nối quận 7 với huyện Nhà Bè) sẽ tái khởi động trong tháng 7; cầu ông Nhiêu, cầu Tăng Long, cầu ông Bồn, đường Lương Định Của (TP Thủ Đức) tái khởi động vào tháng 9; cầu Vàm sát 2 (Cần Giờ), đường Tên Lửa, đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Bình Tân) cũng thi công trở lại sau nhiều năm tạm dừng thi công do vướng cơ chế.