Đồng thời cung cấp dịch vụ mã địa lý (Geocode) thống nhất làm cơ sở chuẩn hóa trường thông tin địa lý cho các lớp cơ sở dữ liệu thành phố; là một trục tham chiếu về thuộc tính không gian quan trọng để tích hợp và chồng lớp các lớp dữ liệu khi tích hợp về kho dữ liệu dùng chung; tạo lập môi trường chia sẻ dữ liệu các lớp dữ liệu trên một nền thống nhất.
TPHCM đã ban hành kế hoạch xây dựng kho dữ liệu dùng chung trên 3 nền tảng là người dân, doanh nghiệp và bản đồ. Đến nay, thành phố đã triển khai thực hiện nội dung liên quan đến người dân là dân cư và hộ tịch (dự kiến tháng 6-2020 hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu về người dân). Hiện thành phố cũng đang gấp rút triển khai kho dữ liệu dùng chung liên quan bản đồ số. Theo bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT-TT, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn 2025, phải vận hành được một số cơ sở dữ liệu dùng chung, trong đó có 3 cơ sở dữ liệu về người dân, bản đồ và doanh nghiệp.
- Cùng ngày, Viettel công bố đã phát sóng 1.000 trạm sử dụng công nghệ NB-IoT (Narrow Band - Internet of Things), phủ kín 100% địa bàn TPHCM. Với quy mô này, Viettel đã hoàn thành toàn bộ hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ kết nối Internet vạn vật tại TPHCM, đưa thành phố trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước phủ sóng IoT diện rộng.
Hiện Viettel cũng đang đẩy nhanh tiến độ triển khai nền tảng (platform) để sớm cung cấp hệ sinh thái các ứng dụng về NB-IoT của Viettel tới khách hàng như: đậu xe thông minh, giám sát chất lượng không khí, giám sát vị trí, thiết bị đo lường… Công nghệ NB-IoT được Viettel thiết kế, phát triển trên hạ tầng 4G hiện có, bao gồm cả trạm gốc, ăng ten và băng tần được cấp phép. NB-IoT thuộc nhóm công nghệ Low Power WAN IoT (mạng diện rộng, công suất thấp cho IoT) với ưu điểm vùng phủ rộng, tiết kiệm pin, chi phí kết nối thiết bị thấp và cho phép một lượng lớn các thiết bị có thể kết nối tới mạng.