Ngày 10-5, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cùng các đối tác đã công bố Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2021. Buổi lễ được thực hiện theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Theo kết quả báo cáo, có 30 tỉnh, thành phố đã cải thiện hiệu quả hoạt động trong cung ứng dịch vụ công, quản trị môi trường, và quản trị điện tử. Tuy nhiên, 30 tỉnh, thành phố có sự sụt giảm về điểm ở các chỉ số nội dung “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương”, “Trách nhiệm giải trình với người dân", và “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”.
Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã kéo lùi TPHCM về chỉ số xếp hạng PAPI năm 2021.
Nhiều tỉnh, thành phố trong nhóm dẫn đầu tập trung ở khu vực phía Bắc. Dẫn đầu bảng tổng hợp kết quả PAPI 2021 của các tỉnh, thành phố là Thừa Thiên-Huế với 48,095 điểm; tiếp theo là Bình Dương với 47,178 điểm; Thanh Hóa với 47,102 điểm.
Ngược lại, phần lớn các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long thuộc nhóm trung bình thấp hoặc thấp nhất.
Trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, TPHCM thuộc nhóm đạt điểm thấp nhất, chỉ đạt 40,68 điểm (thấp hơn năm 2020 khi đạt 41,985 điểm). Kết quả này phản ánh phần nào thực tế tác động nặng nề của giãn cách xã hội toàn phần kéo dài do làn sóng Covid-19 lần thứ tư bùng phát ở TPHCM hồi giữa năm ngoái.
Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đánh giá dựa trên 8 tiêu chí gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường; Quản trị điện tử.
Theo bà Caitlin Wiesen, đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, những phát hiện từ Báo cáo PAPI 2021 có ý nghĩa quan trọng, phản ánh tác động của đại dịch Covid-19 tới hiệu quả quản trị công, có sự tham gia của người dân. Điều này giúp chính quyền các cấp chuẩn bị các kịch bản ứng phó với những khủng hoảng kinh tế và sức khỏe tương tự có thể xảy ra trong tương lai.