Việc này nhằm góp phần từng bước đưa các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường, với yêu cầu đảm bảo an toàn trước dịch bệnh.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, phát biểu chỉ đạo tại buổi giao ban trực tuyến về tình hình phòng, chống dịch Covid-19, chiều 15-4. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chiều 15-4, Ban Chỉ đạo phòng chống, dịch Covid-19 TPHCM tổ chức buổi giao ban trực tuyến về tình hình phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Tham dự tại điểm cầu Thành ủy TPHCM có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM. Tại điểm cầu UBND TPHCM có đồng chí Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM.
Sớm xây dựng bộ tiêu chí đặc thù cho từng lĩnh vực
Báo cáo tại buổi giao ban, GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, đến nay TP ghi nhận 54 ca mắc Covid-19 đã được Bộ Y tế công bố (35 ca nhập cảnh và 19 ca phát hiện từ cộng đồng). Hiện 46 ca đã xuất viện, còn 8 ca đang tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Điều trị Covid-19, Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM.
Tình hình sức khỏe bệnh nhân 91 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, không sốt, rối loạn đông máu tạm ổn; kết quả xét nghiệm vẫn còn dương tính, diễn tiến khá hơn những ngày trước. Các bệnh nhân còn lại sức khỏe ổn định, đang được theo dõi điều trị.
Trong ngày 15-4, TP có 2 trường hợp nghi ngờ trong ngày, đã lấy mẫu và chờ kết quả xét nghiệm. Số trường hợp đang cách ly tập trung trong ngày là 97 trường hợp. Số trường hợp đang cách ly tại nhà, nơi lưu trú trong ngày là 155 người.
Liên quan đến trường hợp bệnh nhân số 22 xuất viện từ Đà Nẵng đi qua TPHCM để xuất cảnh, ngành y tế TP đã tiến hành xét nghiệm người tiếp xúc 41 người tại khách sạn Ibis, đường Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình (trong đó có 14 người tiếp xúc gần với bệnh nhân, tất cả xét nghiệm đều âm tính và đang được cách ly). 17 hành khách ngồi gần bệnh nhân trên máy bay (10 người được cách ly tập trung, 5 người đã xuất cảnh, 1 người ở Bình Dương đã báo viện Pasteur phối hợp thực hiện và đang tìm kiếm 1 người còn lại do cung cấp sai số điện thoại và địa chỉ).
Có 5 chuyến bay quốc tế đến TP trong ngày, khai báo y tế đối với 28 người là thành viên tổ bay; 4 chuyến bay quốc nội khai báo y tế 470 người, lấy mẫu xét nghiệm 466 hành khách và 1 chuyến tàu lửa khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm cho 379 hành khách.
TP cũng đã tổ chức xét nghiệm sàng lọc giám sát công nhân lưu trú trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, hiện đã xét nghiệm cho 1.294 công nhân tại khu lưu trú của Khu chế xuất Tân Thuận, tất cả đều có kết quả âm tính. Tổng số lượng xét nghiệm đối với người nhập cảnh, người nghi ngờ mắc bệnh và người tiếp xúc với các ca bệnh đã thực hiện là 36.066 mẫu
Theo GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, hiện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP đã phối hợp UBND các quận, huyện và y tế địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát việc tự đánh giá theo Bộ Chỉ số của các doanh nghiệp và các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã triển khai.
Đối với Công ty Pouyuen (quận Bình Tân), ngày 15-4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP và UBND quận Bình Tân đã hướng dẫn công ty lập kế hoạch khắc phục những yếu tố rủi ro để triển khai, hướng dẫn công ty hoạt động sản xuất trở lại và đảm bảo phòng ngừa lây lan dịch bệnh.
Thời gian tới, ngành y tế TP sẽ tiếp tục giám sát các cửa ngõ TP, thực hiện xét nghiệm tầm soát Covid-19 đối với hành khách tại ga quốc nội, ga đường sắt Sài Gòn (khoảng 1.000 người/ngày); đối với công nhân tại các khu lưu trú của khu công nghiệp, khu chế xuất gần 7.000 người; đối với các nhóm đối tượng có nguy cơ trong cộng đồng gần 3.000 người (sẽ xét nghiệm dân cư cộng đồng tại quận 2); ước lượng tổng cộng gần 10.000 mẫu.
Từ kết quả xét nghiệm tầm soát có mục tiêu trên nhóm nguy cơ trong cộng đồng, ngành y tế TP sẽ có kế hoạch phòng, chống dịch phù hợp trong giai đoạn mới có tính lâu dài. Bên cạnh đó, Sở Y tế sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành (giáo dục, du lịch, công thương, giao thông,…) xây dựng các bộ tiêu chí đặc thù cho từng lĩnh vực phụ trách để chủ động ứng phó dịch bệnh, từ đó xây dựng quy tắc ứng xử mới tương ứng những chuẩn mực mới để luôn chủ động ứng phó và kiểm soát tốt đối với dịch Covid-19 và cả các dịch bệnh khác.
Giám sát chặt nguồn nguy cơ để TPHCM bình yên
Phát biểu chỉ đạo tại buổi giao ban, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân thông tin, qua kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi giao ban về công tác phòng chống dịch Covid-19 vào chiều cùng ngày, TPHCM phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho đến ngày 22-4. TPHCM sẽ phải tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất an toàn với dịch Covid-19.
Đồng chí hoan nghênh Sở Y tế chủ động tổ chức giám sát, xét nghiệm mở rộng đối với những trường hợp có nguy cơ cao trong cộng đồng cũng như là đi đầu trong cả nước thực hiện xét nghiệm tầm soát tất cả các hành khách đi bằng đường hàng không, đường sắt qua địa bàn TPHCM.
“Đây có thể sẽ là một giải pháp lâu dài”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân gợi mở và phân tích, thông qua biện pháp này sẽ góp phần giữ cho TPHCM bình yên với dịch Covid-19, nhất là khi có khách quốc tế đến.
Đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM đề nghị UBND TP chỉ đạo Sở TT-TT phối hợp với các nhà mạng cùng Bộ TT-TT sớm thí điểm sử dụng phần mềm giám sát đám đông. Nếu chưa triển khai trên toàn TPHCM thì có thể thực hiện trước ở một số nơi, chẳng hạn như ở khu vực quận 1, quận 5…
Đồng thời, từ bài học giám sát rủi ro lây nhiễm tại các doanh nghiệp, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị UBND TP chỉ đạo ngành y tế cùng ngành giáo dục sớm xây dựng bộ tiêu chí trường học an toàn với dịch Covid-19.
Sau đó, các đơn vị khác như Sở Du lịch, Sở Công thương phối hợp xây dựng bộ tiêu chí an toàn ở nhà hàng, chợ, siêu thị… nhằm đưa các hoạt động, sinh hoạt trở lại bình thường.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu, từng ngành thảo luận với các đơn vị trong ngành xây dựng bộ tiêu chí an toàn đối với ngành và phấn đấu ban hành trước ngày 30-4 để triển khai trong tháng 5-2020. Việc này nhằm góp phần từng bước đưa các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường, với yêu cầu đảm bảo an toàn trước dịch bệnh. |
Tại buổi giao ban, đồng chí Lê Thanh Liêm khẳng định, TPHCM sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến hết ngày 22-4. Các quận - huyện, phường - xã - thị trấn phải tiếp tục tuyên truyền về 12 việc cần phải làm ngay và 6 điều cần làm để hướng dẫn người dân phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với đó là việc tập trung kiểm tra, nhắc nhở, xử lý các trường hợp không tuân thủ các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng, tại các cơ sở, doanh nghiệp. Đồng chí Lê Thanh Liêm cũng kêu gọi người dân tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch Covid-19, hạn chế đi ra ngoài khi không cần thiếp, không được tập trung quá 2 người ở tại nơi công cộng và giữ khoảng cách an toàn (2m) để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm, TP đã công bố trên 1.400 điểm bán khẩu trang, 2.610 điểm (siêu thị, chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi) với nguồn lương thực, thực phẩm cùng các mặt hàng thiết yếu dồi dào, sẵn sàng đáp ứng yêu của người dân trong bất kỳ tình huống nào. Vì thế, người dân thành phố không phải lo lắng khi tiếp tục thực hiện các biện pháp cấp bách trong phòng chống dịch bệnh. Cùng với đó, đồng chí đề nghị Sở GTVT tiếp tục phối hơp với hãng taxi Mai Linh duy trì số lượng 200 xe taxi chở miễn phí người dân sau khi xuất viện mà không đi lại được bằng xe 2 bánh. “Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM, UBND TP đã yêu cầu Sở GD-ĐT phối hợp Sở Y tế xây dựng bộ tiêu chí an toàn trường học với dịch Covid-19, để ban hành trước ngày 30-4”, đồng chí Lê Thanh Liêm thông tin và yêu cầu lãnh đạo Sở GD-ĐT trình UBND TP về việc tiếp tục kéo dài thời gian nghỉ học. Đồng chí cũng hoan nghênh chốt kiểm soát ngăn chặn dịch Covid-19 ở quận Thủ Đức tổ chức đo nhiệt độ tự động. UBND TP sẽ nghiên cứu, tổ chức mở rộng việc đo nhiệt độ tự động ra toàn bộ 62 chốt kiểm soát trên địa bàn. |