TPHCM: Xoay xở tìm nguồn thu trả lương bảo vệ, nhân viên phục vụ

(ĐTTCO) - Năm học 2023-2024 là năm đầu tiên TPHCM thực hiện Nghị quyết 04/2023/NQ-HĐND về quy định các khoản thu dịch vụ trong trường học. Theo đó, các trường phải tự xoay xở, cân đối nguồn thu để trả lương cho đội ngũ bảo vệ, nhân viên phục vụ.
Bảo vệ Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Bảo vệ Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Cắt giảm nhân sự

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 hiện đã triển khai tại 9/12 khối lớp ở bậc phổ thông. Trong đó, đối với tiểu học, chương trình yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày, hai môn tiếng Anh và Tin học trở thành môn học bắt buộc trong chương trình chính khóa từ lớp 3.

Do đó, trường tiểu học không được thu tiền dạy học buổi thứ 2 đối với các khối 1, 2, 3, 4. Đây là 4 khối lớp đang triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; đồng thời không thu tiền dạy học tiếng Anh, Tin học đối với khối 3, 4. Trong bối cảnh nguồn thu sụt giảm, ngân sách cấp theo đầu học sinh cũng bị ảnh hưởng do năm học này số lượng học sinh tiểu học giảm mạnh trên toàn thành phố, trường học gặp nhiều khó khăn trong việc trả lương cho đội ngũ ngoài biên chế.

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 1 cho biết, thực hiện chính sách tinh giản biên chế tại các đơn vị sự nghiệp công lập, năm học 2023-2024, trường giảm từ 3 nhân viên bảo vệ xuống còn 2 người, dùng chung bảo mẫu và nhân viên phục vụ giữa các khối lớp. Sau khi cắt giảm nhân sự, trường phải ký hợp đồng với nhân viên bảo vệ, phục vụ mới thông qua các đơn vị cung ứng dịch vụ, đồng thời trích từ nguồn thu của đơn vị để trả lương cho đội ngũ này chứ không được ngân sách nhà nước chi trả như trước đây.

Trước đó, các nhân viên bảo vệ, phục vụ bị tinh giản biên chế đã được nhận tiền hỗ trợ thôi việc theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP (ngày 20-11-2014) của Chính phủ và quy định về chế độ hỗ trợ đặc thù theo Nghị quyết 25 của HĐND TPHCM.

Lý giải thực tế trên, Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp Trịnh Vĩnh Thanh thông tin, từ trước đến nay, bảo vệ và nhân viên phục vụ trường học làm việc theo diện hợp đồng không xác định thời hạn theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, khi thực hiện chính sách tinh giản biên chế, các nhân sự này không thuộc biên chế của đơn vị sự nghiệp công lập.

Do đó, trường học phải hợp đồng thuê mướn nhân sự theo nhu cầu thực tế của đơn vị, xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, trích từ nguồn thu của đơn vị (tiền thu bán trú, tiền tổ chức các hoạt động ngoài giờ chính khóa…) để trả lương cho đội ngũ này. Trên thực tế, trường nào có nhiều cơ sở, trú đóng ở địa bàn dân cư phức tạp phải sử dụng nhiều bảo vệ, nhân viên phục vụ thì càng “nặng gánh” trả lương cho đội ngũ.

Thiếu nhân viên vệ sinh trường học

Tuần qua, trên một diễn đàn phụ huynh học sinh với gần 10.000 thành viên tham gia, chị B.N., phụ huynh có con năm nay học lớp 3, Trường Tiểu học N.Q. (quận Bình Tân), phản ánh tình trạng nhà vệ sinh dơ và bốc mùi, con chị không dám đi vệ sinh, gây ảnh hưởng sức khỏe. Sau khi có phản ánh của phụ huynh, nhà trường đã nhanh chóng khắc phục, đồng thời kêu gọi ý thức giữ gìn vệ sinh của học sinh toàn trường.

Đây cũng là tình trạng chung của nhiều nhà vệ sinh trường học do phải phục vụ số lượng học sinh quá lớn trong giờ ra chơi, trong khi số lượng nhân viên dọn dẹp vệ sinh còn hạn chế do khó khăn chung của việc trả lương cho đội ngũ.

Hiện nay, trung bình mỗi trường học có từ 4-10 nhà vệ sinh, gồm 2 khu vực dành riêng cho học sinh nam và nữ. So với cấp THPT và THCS (học sinh từ 11-18 tuổi), ý thức giữ gìn vệ sinh của học sinh tiểu học chưa cao, do vậy khối lượng công việc của một nhân viên vệ sinh trường học khá lớn.

Trong khi đó, mức lương chi trả cho đội ngũ này theo hình thức hợp đồng ngắn hạn chỉ dao động 5-7 triệu đồng/người/tháng nên không đủ sức giữ chân người lao động. Để giải quyết khó khăn này, một số trường học sử dụng nguồn thu từ cha mẹ học sinh để đầu tư nâng cấp nhà vệ sinh, đồng thời trả lương cho nhân viên vệ sinh trường học.

Tuy nhiên, cách làm này đã bị cơ quan quản lý “tuýt còi”, do căn cứ theo khoản 4, điều 10, Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT thì “Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp tiền của người học và gia đình người học các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp hoạt động của ban, trong đó có tiền vệ sinh lớp học, trường học”.

Như vậy, bài toán chi trả thu nhập cho đội ngũ nhân viên vệ sinh trường học buộc các trường phải tính toán, “liệu cơm gắp mắm” để làm sao vừa đảm bảo yêu cầu vệ sinh trong trường học vừa cân đối nguồn tiền trả lương cho người lao động.

Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Bình Phan Văn Quang cho biết, chính sách tinh giản biên chế không chỉ áp dụng đối với trường học mà thực hiện chung cho các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có phòng GD-ĐT, nên các đơn vị phải thực hiện đúng quy tắc công khai, dân chủ trong việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ để trả lương cho lực lượng lao động ngoài biên chế tại đơn vị.

Các tin khác