Trái phiếu chính phủ lãi suất thấp khó huy động

(ĐTTCO) - Theo Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia về tổng quan thị trường tài chính năm 2018, quy mô thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) năm 2018 đạt khoảng 27% GDP (tương đương với cuối năm 2017). 
Tuy nhiên, đây là năm thứ 2 liên tiếp huy động TPCP không hoàn thành kế hoạch đặt ra. Cụ thể  Kho bạc Nhà nước (KBNN) huy động khoảng 160.000 tỷ đồng, chỉ đạt 91% so với kế hoạch điều chỉnh năm 2018.
Đáng chú ý, lượng phát hành TPCP kỳ hạn 20 năm, 30 năm có xu hướng suy giảm rõ rệt do nhu cầu của các ngân hàng (NH) đối với nhóm kỳ hạn này trở nên dần bão hòa. Do đó, KBNN chủ động tăng huy động tại các kỳ hạn 10 và 15 năm. TPCP huy động không đạt kế hoạch được lý giải do lợi suất ngày càng giảm dần. 
Số liệu của Cục Quản lý ngân quỹ (KBNN) cho thấy, lãi suất TPCP ngày càng giảm dần trong các năm qua. Năm 2011, bình quân lãi suất TPCP 12%, đến năm 2017 đã giảm xuống 5,98%/năm và năm 2018 chỉ còn 4,73%/năm. Như vậy, mức lãi suất TPCP năm 2018 đã giảm 1,25% so với năm 2017. 
Trước diễn biến đó, một số dự báo được đưa ra từ đầu năm cho rằng, cùng với lạm phát, yếu tố thanh khoản NH thu hẹp cũng sẽ tạo áp lực lên việc huy động vốn TPCP năm nay. Còn trên thực tế, sau 2 năm liên tiếp không đạt kế hoạch, KBNN đã tăng mạnh kế hoạch phát hành năm 2019 với quy mô dự tính lên tới 260.000 tỷ đồng trong bối cảnh lượng TP đáo hạn tăng mạnh.
Mức này cao hơn 49% so với kế hoạch điều chỉnh năm 2018 và cao hơn 57% so với thực hiện năm 2018. Tăng về quy mô nhưng lợi suất chưa có dấu hiệu cải thiện, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư khiến các kế hoạch quý đề ra đều chưa hoàn thành.
Thống kê đến cuối quý I-2019, KBNN huy động hơn 69.000 tỷ đồng, tương đương 95% kế hoạch quý và tăng 72%. Song tỷ lệ trúng thầu/gọi thầu chỉ đạt 76%, giảm đáng kể so với mức 81% cùng kỳ 2018. Trong các năm trở lại đây, tỷ lệ trúng thầu/gọi thầu liên tục giảm, trong khi lượng đặt thầu/gọi thầu vẫn khá cao. Điều này cho thấy khoảng cách nhất định trong quan hệ cung cầu khi mức lợi tức chưa đáp ứng được nhu cầu của bên mua. 
Đến quý II-2019, KBNN huy động thành công 35.600 tỷ đồng, rất thấp so với kế hoạch phát hành 80.000 tỷ đồng, do KBNN đã chủ động giảm quy mô gọi thầu trong suốt quý. Nguyên nhân chủ yếu của việc này được chỉ ra do tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm chạp, dẫn đến ứ đọng vốn TPCP trong hệ thống NH. Như vậy 6 tháng đầu năm, KBNN mới huy động được 105.000 tỷ đồng. 
Trong tháng 7-2019, KBNN đã tổ chức 20 phiên đấu thầu TPCP với tổng giá trị gọi thầu là 36.000 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với tháng 6. Tổng giá trị trúng thầu cũng tăng 188% so với tháng trước lên mức 32.081 tỷ đồng. Song tỷ lệ trúng thầu so với gọi thầu trong tháng 7 cũng chỉ đạt 89,1%.
Kỳ hạn 10 năm tiếp tục có mức cầu lớn với tỷ lệ trúng thầu 100%, khối lượng trúng thầu thực tế đạt 13.500 tỷ đồng, chiếm 42,1% lượng trái phiếu được phát hành. Lãi suất trúng thầu trung bình cho tất cả các kỳ hạn từ 5 đến 30 năm có xu hướng giảm từ 0,2-0,43%/năm so với tháng 6, xuống các mức lần lượt là 3,65%/năm, 3,97%/năm, 4,52%/năm, 4,77%/năm, 5,24%/năm và 5,56%/năm. 
Theo kế hoạch trong quý III này, KBNN sẽ phát hành 70.000 tỷ đồng. Tính đến ngày 15-8, kế hoạch phát hành quý III đã hoàn thành 53%, trong đó kỳ hạn 10 năm và 15 năm tiếp tục có tỷ lệ hoàn thành cao nhất và dự kiến khối lượng gọi thầu 2 kỳ hạn này sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian tới.
Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân lãi suất TPCP giảm trong thời gian qua chủ yếu đến từ nhu cầu nắm giữ trái phiếu của các tổ chức tài chính gia tăng.  Như vậy, nếu lợi suất TPCP giảm hơn sẽ không có lợi cho việc huy động. Dù vậy, diễn biến giải ngân đầu tư công hiện nay có thể sẽ buộc KBNN điều chỉnh quy mô phù hợp để lợi suất không tăng đột biến. Nhưng nếu như vậy, kế hoạch huy động TPCP 260.000 tỷ đồng trong năm nay cũng đối mặt với không ít thách thức.

Các tin khác