Tràn lan kit test, thuốc điều trị Covid-19 nhập lậu

(ĐTTCO) - Hơn 2 tháng qua, lực lượng chức năng ở nhiều địa phương đã phát hiện và bắt giữ được nhiều vụ buôn bán, nhập lậu các loại kit test Covid-19, thuốc điều trị Covid-19… không có hóa đơn, nhãn hiệu rõ ràng từ nhiều nước đưa về Việt Nam, với mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Lô hàng hơn 85.000 kit test Covid-19 nhập lậu từ Hàn Quốc bị phát hiện tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) ngày 17-2

Lô hàng hơn 85.000 kit test Covid-19 nhập lậu từ Hàn Quốc bị phát hiện tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) ngày 17-2

Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh) vừa phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông số 3 (Công an tỉnh Quảng Ninh) bắt giữ 1.500 kit test nhanh Covid-19 xuất xứ Trung Quốc, có dấu hiệu nhập lậu khi kiểm tra ô tô 7 chỗ 88A-400.08 trên QL 18A (thuộc địa phận xã Quảng Thành, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) do ông Phùng Gia Long, ở xã Kim Long, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc điều khiển.

Ông Long khai nhận, toàn bộ số kit test này được đặt mua trên Facebook của một người không rõ tên tuổi, địa chỉ tại TP Móng Cái, không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp, tổng trị giá khoảng 94 triệu đồng. Ông Long mua để bán kiếm lời, trên đường vận chuyển thì bị lượng chức năng kiểm tra, phát hiện.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên, cũng cho biết, từ đầu tháng 3 tới nay đã phát hiện, xử lý 6 vụ vi phạm liên quan đến mặt hàng phòng chống dịch Covid-19. Tang vật buộc tiêu hủy gồm 87 hộp thuốc điều trị, phòng ngừa cúm và gần 2.000 kit test Covid-19 có tổng trị giá trên 130 triệu đồng.

Trên địa bàn Hà Nội, tình hình buôn lậu kit test, thuốc điều trị Covid-19 gần đây cũng rất nóng. Đội Quản lý thị trường số 17 (Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội) vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TP Hà Nội) đã kiểm tra cơ sở kinh doanh tại địa chỉ 115 Trung Phụng (quận Đống Đa, do bà Nguyễn Thị Ngân Hà , sinh năm 1992, làm chủ), bước đầu phát hiện phát hiện cơ sở này đang kinh doanh 3.030 sản phẩm “có tác dụng hỗ trợ điều trị Covid-19”.

Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, trên bao bì hàng hóa chỉ có chữ nước ngoài, không có tiếng Việt. Chủ cơ sở kinh doanh không xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan đến số hàng này, chỉ khai nhận đã thu trôi nổi trên mạng.

Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn) vừa tuần tra, phát hiện gần mốc biên giới có một lô hàng vô chủ. Qua kiểm tra, hàng hóa gồm: 1.600 bộ kit test Covid-19 xuất xứ Trung Quốc.

Còn theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, tình trạng buôn lậu thuốc tân dược từ nước ngoài về Việt Nam đang diễn biến phức tạp kể từ đầu năm đến nay. Điển hình là vụ 2 đối tượng vận chuyển trái phép thuốc điều trị và thuốc ngừa Covid-19 từ Nga về Việt Nam, bị Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Cam Ranh - Khánh Hòa phát hiện khi kiểm tra, kiểm soát hành lý của hành khách nhập cảnh. Tang vật gồm 14.650 viên thuốc dạng vỉ bằng tiếng Nga (dịch là “Arbidol” và “Areplivir”).

Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cũng vừa chủ trì và phối hợp với Cục Hải quan TP Hà Nội bắt giữ một lô hàng hơn 85.000 test nhanh Covid-19 các loại, có xuất xứ Hàn Quốc, trị giá ước tính trên 8 tỷ đồng, được vận chuyển từ Hàn Quốc về Việt Nam qua sân bay quốc tế Nội Bài.

Kit test Covid-19 là mặt hàng nhập khẩu có điều kiện, phải có giấy phép của Bộ Y tế. Tuy nhiên, các đối tượng đã sử dụng thủ đoạn khai báo hàng hóa chung chung, khai báo sai tên hàng hóa để nhập lậu các mặt hàng này vào nội địa.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các ca F0 tăng nhanh trong thời gian qua, nhu cầu tiêu dùng mặt hàng dược phẩm, vật tư y tế của người dân tăng cao, nhất là mặt hàng kit test Covid-19, bất chấp sự kiểm tra, kiểm soát gắt gao của lực lượng chức năng, nhiều đối tượng vẫn cố tình kinh doanh, vận chuyển hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng… để thu lời bất chính.

Dự báo trong thời gian tới, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng hoá nhập lậu sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là ở các địa phương giáp biên.

Các tin khác