Nội lực, đồng chất
Khi những tác phẩm quốc tế Fajar dan Senja, O Sapientia, Khorumi, Pal So Seong, Ubi Caritas, Cikala Le Pong Pong… cùng các ca khúc Việt Nhạc rừng (Hoàng Việt), Đêm nằm mơ phố (Việt Anh) lần đầu công diễn hợp xướng tại Việt Nam cuối tuần qua, khán giả không khỏi xúc động bởi sự đam mê mà những nghệ sĩ trẻ đem đến sân khấu.
Với đêm nhạc thứ 8 mang tên Thank You, hay các đêm nhạc từng thực hiện, bên cạnh những khối thanh âm mạnh mẽ là các bài hát nhẹ nhàng mang thông điệp nhân văn. Tất cả tác phẩm được chọn lựa kỹ càng, làm bật lên được khả năng biểu đạt diệu kỳ của ngôn ngữ hợp xướng. Dàn nghệ sĩ cho thấy sự khổ luyện dài lâu, nghiêm túc để có thể hòa vào nhau, làm nổi bật sự tương phản giữa những đoạn hát thật khẽ, êm đềm với những đoạn cao trào, mạnh mẽ.
Các tác phẩm trong Thank You cũng là toàn bộ chương trình dự thi của Saigon Choir tại Hội thi Hợp xướng quốc tế Việt Nam lần VII do Hiệp hội Interkultur (CHLB Đức) tổ chức vào tháng 4 tại TP Hội An. Ở cuộc thi quy tụ 600 nghệ sĩ của 18 đoàn đến từ 7 quốc gia, Saigon Choir trở thành niềm tự hào cho nghệ thuật hợp xướng nước nhà khi đoạt 3 giải vàng, 1 giải đặc biệt. Dàn nhạc có những màn trình diễn đặc sắc, vừa đảm bảo yêu cầu khắt khe của bộ môn hợp xướng, vừa thể hiện bản sắc riêng độc đáo Việt Nam.
NSƯT Đặng Châu Anh, Ủy viên Hội đồng Hợp xướng quốc tế, Giám đốc nghệ thuật, thành viên Ban giám khảo Hội thi Hợp xướng quốc tế Việt Nam, bày tỏ: “Sau nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực, tham gia các diễn đàn về hợp xướng và làm ban giám khảo ở các cuộc thi quốc tế, đây là lần đầu tiên tôi thấy hợp xướng Việt Nam đạt đến trình độ quốc tế, có thể sánh ngang các nước có nền hợp xướng phát triển. Mỗi lần trở lại, Saigon Choir cho thấy sự tiến bộ ngoạn mục về trình độ, giọng hát nội lực, đồng chất, mạnh mẽ, việc lựa chọn tác phẩm dự thi khéo léo, đa dạng”.
Đam mê dù “ngõ hẹp”
Saigon Choir là dàn hợp xướng hiếm hoi tại Việt Nam, thành lập từ tháng 6-2016 bởi thầy và trò Khoa Thanh nhạc Nhạc viện TPHCM. Trước giải thưởng vừa rồi, họ từng đoạt các giải thưởng quốc tế uy tín như: Giải vàng Hội thi Hợp xướng quốc tế tại Hội An năm 2017, bằng chứng nhận Excellent (tương đương giải vàng) bảng thi Video Clip A cappella tại World Choir Games 2021.
Theo nghệ sĩ Huỳnh Quang Thái, phụ trách và chỉ huy Saigon Choir, dàn nhạc có đầy đủ điều kiện để xây dựng dàn hợp xướng đáp ứng đủ những tiêu chuẩn quốc tế nhưng lại chưa được đầu tư đúng mức. Đến nay, trên danh nghĩa đây vẫn chỉ là một câu lạc bộ của sinh viên Nhạc viện TPHCM, mặc dù điều họ chứng minh nhiều hơn thế. Anh Quang Thái kể: “Các nghệ sĩ trẻ tự thân vận động, bỏ công sức tập luyện thường xuyên, tổ chức biểu diễn, tham gia các cuộc thi quốc tế hoàn toàn không có thù lao mà chỉ vì cảm giác được “cháy” với đam mê. May mắn, thỉnh thoảng được các đơn vị ủng hộ một phần kinh phí, và họ cũng dành đầu tư hết cho các buổi diễn”.
Vì luôn mong được tham dự cuộc thi World Choir Games - hội thi hợp xướng lớn nhất thế giới, Saigon Choir từng thử tính toán chi phí để có thể ra nước ngoài dự thi. Con số hàng tỷ đồng khiến các nghệ sĩ trẻ nhìn nhau cười… bất lực. “Nhà nước chưa có cơ chế hỗ trợ, doanh nghiệp tư nhân không mấy mặn mà hỗ trợ cho những loại hình nghệ thuật chưa có nhiều khán giả như thế này. Đôi khi, chúng tôi thấy cô đơn trên con đường này. Và thực tình, dù tự biết giấc mơ được ra nước ngoài tham gia các cuộc thi quốc tế lớn khá xa vời nhưng chúng tôi vẫn âm thầm chuẩn bị từ giọng hát đến vốn bài. Saigon Choir đầu tư thuê nhà soạn nhạc chuyển soạn cho hợp xướng một số bài dân ca, ca khúc Việt Nam. Chúng ta cần cho các nước bạn thấy được âm nhạc truyền thống Việt Nam là thế nào, đang bắt kịp âm nhạc đương đại thế giới ra sao”, nghệ sĩ Quang Thái bày tỏ.
Âm nhạc là một cuộc chơi tốn kém, phải có tiền mới có thể gia nhập. Khi Saigon Choir ngày càng nâng tầm cùng khát khao vươn tới nghệ thuật đỉnh cao, là lúc cần nhiều nguồn lực hỗ trợ nghệ sĩ trẻ.