Đầu tiên là tại Tây Ban Nha, sau 15 ngày gần như ngưng hoàn toàn các hoạt động kinh tế, hàng ngàn người đã trở lại làm việc ngày 13-4 trên toàn quốc, đặc biệt trong các lĩnh vực thiết yếu như xây dựng và công nghiệp.
Lệnh phong tỏa toàn quốc đã được ban hành ở Tây Ban Nha. Ảnh: AP
Nhưng còn nhiều điều gây tranh cãi tại nước này. “Ở đâu, khi nào và bằng cách nào?” là ba câu hỏi mà chủ tịch vùng Madrid Isabel Diaz Ayuso đã đặt ra với Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez về vấn đề khẩu trang bảo hộ. Chính phủ trung ương đã hứa sẽ phân phát 10 triệu khẩu trang và việc phân phát đã bắt đầu tại các trạm metro, xe bus, xe lửa ngoại ô.
Tại Madrid, các nhân viên y tế đang trao khẩu trang cho những người sử dụng các phương tiện chuyên chở công cộng, và việc phân phát diễn ra với nhịp độ đều đặn. Nhưng biện pháp này vẫn gây nhiều sự e dè, một số người than phiền là không nhận được khẩu trang, số khác thì nói là chẳng ai dạy cho họ cách sử dụng khẩu trang. Chưa kể là nhiều công nhân trong ngành công nghiệp vẫn còn sợ bị lây nhiễm virus, vì thấy rằng không thể nào giữ được khoảng cách an toàn trong môi trường làm việc của mình.
Tại nước Áo, dù lệnh phong tỏa đã bắt đầu được dỡ bỏ từ ngày 14-4, nhưng các nhà hát vẫn chưa được hoạt động trở lại, chính phủ chưa thông báo ngày tái khởi động các hoạt động văn hóa và quyền tự do đi lại vẫn còn rất hạn chế.
Còn ở nước Pháp, theo thông báo của Tổng thống Emmanuel Macron, kể từ ngày 11-5, lệnh phong tỏa sẽ được dỡ bỏ dần dần nhưng còn lâu dân Pháp mới trở lại được cuộc sống bình thường. Ông Macron giải thích rằng, việc đóng cửa trường học là một yếu tố làm trầm trọng những bất bình đẳng xã hội, bởi vì rất nhiều trẻ em, nhất là trong các khu phố nghèo và ở vùng nông thôn, không được đến trường mà lại không được tiếp cận các phương tiện công nghệ số và không được cha mẹ hỗ trợ như những trẻ em khác.
Tổng thống Macron nói thêm, biện pháp cho các trường mở cửa trở lại cũng chính là nhằm tạo điều kiện cho việc khởi động lại các hoạt động kinh tế. Nhiều người sẽ không thể đi làm trở lại nếu cứ phải tiếp tục giữ con ở nhà hoặc nếu muốn đi làm thì lại phải nhờ đến ông bà nội ngoại, với nguy cơ là ông bà bị lây nhiễm từ cháu.
Giới giáo viên tỏ vẻ rất lo lắng, bà Francette Popineau, tổng thư ký SNUIPP-FSU, nghiệp đoàn giáo viên tiểu học hàng đầu tại Pháp, cho rằng: “Việc mở cửa trở lại các trường không an toàn chút nào, bởi đây là những nơi có nguy cơ lây nhiễm rất cao”. Trẻ em không phải lúc nào cũng tuân thủ các quy định về ngăn ngừa lây nhiễm, chúng sẽ chơi với nhau và có thể mang virus về nhà.
Theo tờ Le Monde, nhiều nhà dịch tễ học cũng đã đề ra kịch bản là trong giai đoạn đầu sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa, các trường học nên tiếp tục đóng cửa. Đối với họ, đây là một biện pháp phòng ngừa, vì chưa ai biết rõ là biện pháp này sẽ có tác động như thế nào lên sự lan truyền của virus SARS-CoV-2. Dịch Covid-19 vẫn còn chứa nhiều ẩn số. Nếu như việc áp dụng lệnh phong tỏa chắc chắn đã góp phần kềm hãm đà lây lan của virus, thì các nước vẫn đang mò mẫm tìm con đường an toàn nhất để ra thoát khỏi giai đoạn phong tỏa này.