Để phát huy tiềm năng, lợi thế của huyện Phong Điền, tháng 12-2016, Thành ủy Cần Thơ ban hành Nghị quyết số 07 về “Xây dựng và phát triển huyện Phong Điền thành đô thị sinh thái”.
Qua 5 năm triển khai với sự quan tâm chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố và sự phối hợp của các ngành, cùng sự nỗ lực của huyện Phong Điền đã đạt nhiều kết quả quan trọng.
Theo đó, Phong Điền thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng vườn cây ăn trái từ 6.500ha năm 2016 lên 8.550ha năm 2021. Xây dựng vùng trồng vú sữa tập trung rộng 452ha, vùng trồng sầu riêng tập trung rộng 612ha, vùng trồng nhãn với 330ha, vùng trồng dâu Hạ Châu rộng 438ha...
Đồng thời phát triển đô thị tập trung gồm toàn bộ thị trấn Phong Điền, một phần xã Mỹ Khánh, xã Tân Thới dọc theo sông Cần Thơ; trong đó thị trấn Phong Điền là trung tâm tạo sức lan tỏa ra các khu sinh thái khác.
Phong Điền còn phát triển các loại hình du lịch sông nước, miệt vườn như du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái kết hợp với phát triển nông nghiệp, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản; du lịch văn hóa gắn với di sản, lễ hội, tâm linh; du lịch dã ngoại miệt vườn mang đặc trưng của vùng ĐBSCL.
Huyện đã xây dựng mô hình du lịch được 64 điểm; qua đó góp phần thu hút và tăng lượng khách tham quan, du lịch... Từ 1,1 triệu lượt khách năm 2017, doanh thu 216 tỷ đồng, năm 2019 đã thu hút hơn 1,8 triệu lượt khách, doanh thu đạt hơn 398 tỷ đồng. Gần đây du lịch giảm do ảnh hưởng Covid-19.
Theo Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh, tới đây huyện Phong Điền cần nâng cao nhận thức trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể và người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng, sự cần thiết về xây dựng, phát triển huyện thành đô thị sinh thái.
Quá trình thực hiện phải bám sát tinh thần Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế trong xây dựng và phát triển huyện Phong Điền thành đô thị sinh thái; sáng, xanh, sạch, đẹp và an toàn; phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn; đảm bảo là “vành đai xanh”, “lá phổi xanh” của thành phố.
Thực hiện tốt quy hoạch phát triển, rà soát, điều chỉnh lại và ban hành quy hoạch mới phù hợp với quy hoạch của thành phố. Huy động mọi nguồn lực trong và ngoài thành phố, kể cả nguồn lực tư nhân và nhà nước nhằm đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội…