Triển vọng thị trường M&A Việt Nam

(ĐTTCO) - Trong những năm gần đây, thị trường M&A Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể cả về số lượng, chất lượng và giá trị các thương vụ. 
Thương vụ thoái vốn Sabeco là M&A lớn nhất từ trước đến nay trên thị trường Việt Nam.
Thương vụ thoái vốn Sabeco là M&A lớn nhất từ trước đến nay trên thị trường Việt Nam.
Theo thông tin từ Diễn đàn M&A Việt Nam 2019, ước tính tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam trong 7 tháng năm 2019 đạt gần 5,43 tỷ USD. Trong đó, 10 thương vụ M&A tiêu biểu 2019 theo bình chọn của Diễn đàn M&A 2019 gồm: SK Group mua cổ phần Vingroup và Masan; Saigon Coop mua lại chuỗi siêu thị Auchan; Thaco mua cổ phần của Hoàng Anh Gia Lai; Vingroup thâu tóm Achos và Fivimart; Taisho mua Dược Hậu Giang; Mitsui trở thành cổ đông chiến lược của Minh Phú; Vinamilk mua GTN Foods; Gelex mua cổ phần Viglacera; Sojitz mua cổ phần của PAN Group; SonKim Land phát hành cho đối tác chiến lược. 
Năm 2017-2018 cũng là năm rất thành công của thị trường M&A Việt Nam. Cuối năm 2017, chỉ riêng thương vụ thoái vốn tại Sabeco do CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) tư vấn đã có giá trị thành công lên đến gần 5 tỷ USD. ThaiBev thông qua công ty con Vietnam Beverage đã mua lại gần 53,6% Sabeco, đây là thương vụ M&A lớn nhất từ trước đến nay trên thị trường Việt Nam, và là một trong những thương vụ M&A lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á trong vòng 10 năm trở lại đây. 
Năm 2018, một thương vụ M&A nổi bật khác là thương vụ thoái 57,71% vốn tại Vinaconex do BVSC tư vấn đã thu hút sự quan tâm lớn trên thị trường và có giá trị thành công hơn 7.300 tỷ đồng, thặng dư cao hơn 2.000 tỷ đồng so với mức khởi điểm. 
Năm 2019, Việt Nam có quy mô dân số hơn 96 triệu người đứng thứ 15 toàn cầu, tốc độ tăng trưởng GDP ổn định, Standard Chartered dự báo Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia châu Á giữ được mức tăng trưởng GDP trên 7% trong thập niên tới. Do đó, thị trường Việt Nam hiện nay vẫn hấp dẫn và còn nhiều tiềm năng chờ khai phá nhờ quy mô dân số lớn và triển vọng tăng trưởng kinh tế tốt, mức chi tiêu dùng bình quân cho nhiều sản phẩm như bảo hiểm, dịch vụ tài chính, hàng tiêu dùng… vẫn còn thấp hơn so với các nước phát triển.
Trong xu hướng M&A, lĩnh vực bất động sản sẽ tiếp tục được các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm do tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, quy mô dân số lớn, thu nhập người dân tăng lên kéo theo nhu cầu về nhà ở. Ngoài ra, các lĩnh vực như: tài chính – ngân hàng - bảo hiểm – chứng khoán; dược phẩm, tiêu dùng - bán lẻ; nông nghiệp; bất động sản khu công nghiệp… sẽ tiếp tục được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm để đón đầu các triển vọng kinh tế của Việt Nam, và hưởng lợi từ các hiệp định thương mại Việt Nam tham gia ký kết. 
Nhờ sự điều tiết kinh tế vĩ mô hợp lý của Chính phủ trong những năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã phát triển tích cực và làm sôi động thị trường M&A. Cùng với đó, nhiều cơ chế, vướng mắc đã được Chính phủ và các Bộ ngành từng bước tháo gỡ cho hoạt động M&A như: nhà đầu tư nước ngoài là người không cư trú được đặt cọc, ký quỹ bằng ngoại tệ chuyển khoản khi tham gia đấu giá mua cổ phần tại DNNN thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn DNNN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu tới 100% vốn của công ty chứng khoán… 
Tuy nhiên, vẫn còn các vướng mắc khác chờ Chính phủ và các Bộ ngành tiếp tục tháo gỡ như: tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài được quy định tại nhiều văn bản pháp luật gây khó khăn trong việc tra cứu và xác định; tính pháp lý của các dự án bất động sản để M&A vẫn còn nhiều rủi ro; khái niệm nhà đầu tư nước ngoài tại Luật Đầu tư 2014 và Thông tư 19/2014/TT-NHNN đang có sự khác nhau... 
Dự đoán những năm tiếp theo, với các chính sách vĩ mô ổn định và mô hình Chính phủ kiến tạo, nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ còn tiếp tục phát triển, từ đó tạo lực hấp dẫn lớn cho thị trường M&A. Thị trường M&A tại Việt Nam hứa hẹn sẽ chứng kiến nhiều thương vụ lớn khác, khi việc cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các tập đoàn kinh tế, công ty nhà nước lớn như (VNPT, Mobifone, VEAM, Vinamilk, BMI, Vinatex) được tiếp tục triển khai và các doanh nghiệp tư nhân lớn trong nước có nhu cầu M&A để phát triển. 

Các tin khác