Đỉnh triều cao nhất đợt này có khả năng xuất hiện vào ngày 19 đến ngày 21-10 (tức 17 đến 19 tháng 9 Âm lịch) và đạt mức như sau:
Tại trạm Phú An (sông Sài Gòn), và trạm Nhà Bè (kênh Đồng Điền) đạt mức 1,65 đến 1,75m (trên báo động 3 từ 0,05 đến 0,15m). Thời gian xuất hiện đỉnh triều từ 4 đến 7 giờ và 16 đến 19 giờ.
Tại trạm Thủ Dầu Một (sông Sài Gòn) đạt mức 1,7 đến 1,8m (trên báo động 3 từ 0,1 đến 0,2m); tại trạm Biên Hòa (sông Đồng Nai) đạt mức 2 đến 2,1m (xấp xỉ hoặc trên báo động 2 là 0,1m).
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, mức độ rủi ro thiên tai khu vực hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai ở cấp độ 1. Đây là kỳ triều cường cao trong năm, cần đề phòng mưa lớn kết hợp với triều cao gây ngập úng ở các vùng trũng thấp, ven sông ảnh hưởng đến giao thông, các hoạt động kinh tế - xã hội khu vực TPHCM.
Dự báo một số tuyến đường khu vực trũng, thấp, ven sông, kênh rạch ở TPHCM có thể bị ngập như: Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn (quận 7), Lê Văn Lương, Đào Sư Tích, Phạm Hữu Lầu (huyện Nhà Bè) và quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh).
Bên cạnh đó, những vùng ven sông như quận 8, quận Bình Thạnh, huyện Nhà Bè cũng xảy ra ngập khi triều cường cao.
Đặc biệt theo dự báo những ngày tới có khả năng xuất hiện mưa nhiều, và tổng lượng mưa cũng lớn, dự báo có những trận mưa đạt 80 đến 100mm, xảy ra cùng lúc với triều cường, do đó nguy cơ ngập rất cao. Vì vậy, người dân cần chủ động để tránh các tác hại của triều cường lên cao, cũng như lũ sẽ lên liên tiếp.
Thống kê của Sở Xây dựng TPHCM cho thấy, từ năm 1980 đến 2007, triều cường đo được tại các trạm luôn dưới 1,5m. Nhưng từ năm 2008 đến nay, biến đổi khí hậu đã làm xuất hiện các đợt triều cường cao, những năm gần đây đỉnh triều năm sau cao hơn năm trước, có thời điểm đạt 1,8m.